Điều gì xảy ra khi Trái đất là một mặt phẳng?

GD&TĐ - Nếu Trái đất phẳng, Bắc Cực sẽ trở thành tâm của hành tinh, mọi hoạt động diễn ra xung quanh khu vực có thể vẹn nguyên như khi Trái đất hình cầu nhưng càng rời xa tâm, các hiện tượng kỳ thú sẽ xuất hiện.

Bắc Cực là tâm của Trái đất phẳng.
Bắc Cực là tâm của Trái đất phẳng.

Phủ nhận cấu trúc phẳng

Khoa học đã chứng minh Trái đất hình cầu nhưng còn một bộ phận người không tin vào điều này và cho rằng Trái đất phẳng. Vào những năm 1850, nhà thiên văn học và toán học James Clerk Maxwell đã phân tích rằng cấu trúc dạng đĩa không thể tồn tại trong vũ trụ.

Ông nghiên cứu vành đai của sao Thổ, phát hiện rằng vành đai này được cấu thành từ nhiều hạt nhỏ, không liên kết với nhau. Đây là mô hình dạng đĩa tồn tại trong Hệ Mặt trời nhưng không thể áp dụng cho các hành tinh.

Một trong những lý do là lực hấp dẫn tác động lên mọi phía của các hành tinh nên nó “nhào nặn” nên hình dạng quả cầu. Vì thế, hầu hết các hành tinh trong thiên hà đều có hình dạng này.

Trên Trái đất hình cầu, lực hấp dẫn tác động lên các vật thể là như nhau, không kể khoảng cách hay vị trí. Theo tính toán của ông Maxwell, nếu là một mặt phẳng, có thể Trái đất sẽ không có lực hấp dẫn vì không thể tồn tại trọng lực trong thực tế. Nếu lực hấp dẫn xuất hiện, nó sẽ ép hành tinh trở thành hình cầu.

Ngoài ra, trên mặt phẳng, lực hấp dẫn sẽ kéo mọi vật về trung tâm, khi đấy là Bắc Cực. Theo nhà địa vật lý James Davis, trong trường hợp ở cách xa tâm của mặt phẳng, lực hấp dẫn sẽ nằm ngang so với tâm này.

Như vậy, lực hấp dẫn sẽ đẩy cơ thể người về tâm Trái đất, khiến cảm thấy khó nhọc khi bước đi. Càng di chuyển về xa tâm Trái đất, con người sẽ có cảm giác đi bộ như đang leo núi. Khi đến được mép của Trái đất, con người gần như song song với mặt phẳng.

Khi không có trọng lực

Mô hình Trái đất phẳng.

Mô hình Trái đất phẳng.

Nếu không còn lực hấp dẫn, Trái đất phẳng cũng mất đi lớp chất khí bảo vệ gọi là bầu khí quyển. Bầu khí quyển là lớp các chất khí bao quanh Trái đất, được giữ lại bởi trọng lực hấp dẫn.

Nếu không có tấm khiên này, bầu trời Trái đất sẽ chuyển sang màu đen như không gian ngoài vũ trụ vì không có bầu khí quyển cản lại và ánh sáng Mặt trời không bị tán xạ thành màu xanh lam.

Không có bầu khí quyển đồng nghĩa không có oxy. Vì thế hầu hết sự sống trên Trái đất không thể kéo dài quá 5 phút. Nhưng sự sống dưới các đại dương có thể tiếp tục một thời gian ngắn vì sinh vật dưới nước sử dụng oxy hòa tan trong nước để tồn tại.

Ngoài ra, không có bầu khí quyển giúp giữ ấm cho hành tinh, nhiệt độ bề mặt Trái đất sẽ giảm mạnh khiến nước nhanh chóng đóng băng. Nhưng một số vi khuẩn sống dưới đáy đại dương có thể vẫn tồn tại không cần oxy hay nhiệt độ ấm.

Bên cạnh đó, âm thanh truyền đến tai người nhờ sự rung của các phân tử không khí hiện diện xung quanh. Nếu Trái đất không còn bầu khí quyển, mọi vật hoàn toàn chìm vào tĩnh lặng. Bầu trời cũng không còn mây, chim không thể bay.

Cấu trúc phân lớp của Trái đất được tạo nên từ lực hấp dẫn. Cụ thể, vật chất nặng nhất chìm xuống lõi, vật chất nhẹ hơn phân bố ở các lớp kế tiếp và vật liệu nhẹ nhất tạo nên vỏ Trái đất. Không có cấu trúc lớp này, hành tinh sẽ khác đi rất nhiều.

Theo Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), trên Trái đất hình cầu, từ trường được tạo ra bởi các chuyển động của các chất dẫn điện lỏng trong lòng Trái đất. Từ trường đóng vai trò rất quan trọng đối với cuộc sống trên hành tinh như bảo vệ mọi vật khỏi tác động có hại của các tia vũ trụ, gió Mặt trời.

Nếu không có từ trường, mọi vật trên Trái đất sẽ bị tấn công bởi các vật chất độc hại, bởi bức xạ Mặt trời. Trái đất sẽ trở nên cằn cỗi như người láng giềng sao Hỏa.

Khi có trọng lực

Ngược lại, nếu lực hấp dẫn tồn tại, nó sẽ kéo mọi thứ về tâm của mặt phẳng, tức Bắc Cực. Khi ấy, lượng mưa cũng bị hút về điểm này. Chỉ ở tâm Trái đất, mưa mới rơi thẳng xuống. Còn nếu càng xa tâm Trái đất, cũng giống như con người, mưa sẽ rơi ngang.

Theo Đài Quan sát Trái đất Lamont-Doherty, tại Trường Đại học Columbia, Mỹ, nước ở sông, biển cũng sẽ chảy về Bắc Cực. Đồng nghĩa các đại dương sẽ phình to tập trung ở tâm của hành tinh trong khi các rìa của mặt phẳng gần như trong tình trạng hạn hán. Thực tế sẽ không có viễn cảnh nước từ sông, biển đổ như thác ra khỏi rìa Trái đất phẳng.

Ngoài ra, các vệ tinh sẽ không thể tồn tại vì chúng không quay quanh một mặt phẳng. Khi ấy, một số hoạt động xã hội phụ thuộc vào vệ tinh như GPS sẽ không hoạt động. Con người có thể bị lạc, các thiết bị giao thông lắp đặt GPS không thể di chuyển đúng hướng.

Thời gian di chuyển giữa các khu vực có thể kéo dài hơn không chỉ do thiếu GPS mà do khoảng cách di chuyển. Theo lý thuyết Trái đất phẳng, Bắc Cực nằm ở tâm của hành tinh và Nam Cực tạo thành bức tường băng khổng lồ xung quanh rìa.

Bức tường này chặn mọi người “rơi” khỏi Trái đất. Như vậy, con người không thể di chuyển vòng quanh Trái đất theo hình cầu mà bắt buộc phải đi theo đường thẳng từ đầu bên này đến đầu bên kia địa cầu.

Ví dụ, muốn di chuyển từ Australia, nằm ở một bên của tâm Trái đất đến đầu bên kia của tâm Trái đất, con người buộc phải đi qua toàn bộ Bắc Cực.

Trái đất phẳng cũng không bị chia cắt thành các bán cầu như Trái đất hình cầu nên ngày và đêm không bị đảo lộn. Dù đứng ở bất kỳ đâu trên hành tinh, con người cũng cùng ngắm nhìn một bầu trời đêm. Khi ấy, bão cũng không thể tồn tại vì trên Trái đất phẳng, hiệu ứng coriolis, yếu tố tạo nên bão, cũng biến mất.

Theo Live Science

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.