Điều chỉnh phù hợp để nâng cao chất lượng dạy, học ngoại ngữ

GD&TĐ - Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ là quá trình lâu dài và kiên trì.

Giờ học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài của Trường THPT Hà Huy Tập (TP Vinh, Nghệ An).
Giờ học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài của Trường THPT Hà Huy Tập (TP Vinh, Nghệ An).

Tại nhiều địa phương, từ thực tế dạy học và kết quả môn ngoại ngữ của các kỳ thi đã có đánh giá thực trạng, nguyên nhân và đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ. Từ đó, cải thiện năng lực ngoại ngữ học sinh, nhất là lứa học theo chương trình mới và chuẩn bị thi tốt nghiệp.

Quyết tâm và nỗ lực từ hai phía

Tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông (DTNT THPT) số 2 Nghệ An, vực dậy kết quả dạy học Tiếng Anh được xem là nhiệm vụ khó khăn, gian nan hơn rất nhiều so với các môn khác. Bởi đặc thù đầu vào của học sinh dân tộc thiểu số thấp, nhất là môn Tiếng Anh, các em chưa có điều kiện để tiếp cận, rèn luyện nhiều ở cấp THCS.

Cách đây 3 năm, cô Lê Sa - chủ nhiệm lớp 10D đảm nhận dạy học môn Tiếng Anh cho đến khi các em học hết lớp 12. Cô chia sẻ: Lớp D có điểm đầu vào môn Tiếng Anh khả quan hơn so với mặt bằng chung của toàn trường, nhưng thực tế vẫn rất thấp.

Điểm thi tuyển sinh lớp 10 của các em chỉ từ 1 – 3 điểm, thậm chí có em đạt 0,5 điểm. Số học sinh đạt điểm trung bình trở lên chưa đến 30%. “Tôi và các đồng nghiệp xác định trình độ tiếng Anh của học sinh gần như… tờ giấy trắng và phải dạy lại từ đầu”, cô Lê Sa cho hay.

Chính vì vậy, mục tiêu của cô Lê Sa là trong 3 năm giúp học sinh đạt tối thiểu 5 điểm môn Tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT, những em năng lực khá hơn đạt 7 điểm trở lên. Trước hết, cô bổ sung kiến thức ngữ pháp căn bản mà học sinh bị hổng trong những năm THCS, song song với dạy nội dung mới để các em theo kịp chương trình.

Trong quá trình dạy học, lớp được chia nhỏ từng nhóm từ yếu, trung bình đến khá để có phương pháp dạy học và mức độ kiến thức phù hợp, tạo động lực để học sinh cố gắng và tiến bộ. Qua từng đợt kiểm tra, đánh giá, cô Lê Sa đều theo dõi và nhắc nhở học sinh về những cái được và còn hạn chế.

Tính trên toàn tỉnh Nghệ An, kết quả thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh, điểm trung bình tăng từ 4,56 (năm 2022) lên 5,03 (năm 2023). Số điểm 10 cũng tăng từ 10 lên 36 em. Đây là kết quả đáng ghi nhận khi tiếng Anh từ trước đến nay được đánh giá là “vùng trũng” của giáo dục Nghệ An.

Đến năm lớp 12, tổ Ngoại ngữ của Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 Nghệ An tiếp tục điều chỉnh kế hoạch dạy học và ôn thi. Với nhóm học sinh định hướng xét tuyển khối D, cần tăng tốc ôn tập để đạt điểm cao. Còn với nhóm mục đích thi lấy điểm xét tốt nghiệp THPT, tập trung dạy học ở mức độ từ nhận biết đến thông hiểu và vận dụng thấp. Qua đó, trò có nền tảng cơ bản lấy được điểm ở mức trung bình.

Vi Văn Tuấn có năng lực nổi trội về các môn xã hội, nhưng tiếng Anh lại là điểm yếu. Vì vậy, trong 3 năm THPT, em đã cố gắng để khắc phục nhược điểm này. “Năm lớp 12, bên cạnh ôn thi xét tuyển ĐH, em cũng dành thời gian học tiếng Anh vì là môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc. Các thầy cô có nhiều phương pháp tạo hứng thú để em vượt nỗi sợ tiếng Anh như qua đoạn phim ngắn, bài hát, bài báo, hoặc ra đề thi thử với mức độ vừa phải”, Vi Văn Tuấn cho hay.

Kết quả, tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, Tuấn đạt 6,6 điểm môn Tiếng Anh, dù “đội sổ” trong 6 môn thi, và không phải là số điểm quá cao, nhưng cậu học trò đã đạt được mục tiêu cũng như “cam kết” với cô giáo. Tổng điểm kỳ thi, em đạt 53,05 trong đó khối C đạt 28,75 và khối D đạt 24,05.

Sau nhiều nỗ lực, kiên trì của cả cô và trò, kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 của Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 Nghệ An đã đem về quả ngọt. Trong đó, trung bình điểm môn Tiếng Anh đã nâng từ 5,8 lên 6,42 và xếp thứ 9 toàn tỉnh (cao hơn 1,42 điểm so với điểm trung bình chung toàn tỉnh và cao hơn 0,6 điểm so với ký cam kết trước đó). Riêng lớp 12D, điểm trung bình ngoại ngữ là 8,23 điểm, xếp thứ nhất toàn trường và thứ 29 toàn tỉnh.

Giáo viên Kon Tum tham gia tập huấn, nâng cao nghiệp vụ dạy ngoại ngữ.

Giáo viên Kon Tum tham gia tập huấn, nâng cao nghiệp vụ dạy ngoại ngữ.

Nâng cao năng lực dạy học

Cô Giã Thị Tuyết Nhung – giáo viên tiếng Anh, Trường THPT Trường Chinh (tỉnh Kon Tum) cho biết: Năng lực tiếng Anh là khả năng hiểu và sử dụng ngôn ngữ, từ vựng, ngữ pháp,... trong các tình huống khác nhau, như: Giao tiếp, đọc và viết... Do đó, học tiếng Anh là quá trình lâu dài nên để cải thiện năng lực cho học sinh cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng môn học này.

Trong quá trình dạy học, cô Nhung luôn tìm hiểu, nắm bắt đặc điểm của từng học sinh để có phương pháp dạy phù hợp. Bên cạnh đó, cô truyền dạy kiến thức trọng tâm, cô đọng, đi từ dễ đến khó và bám vào nội dung kiến thức cần đạt; đổi mới cách kiểm tra bài cũ để tạo sự hứng thú cho học sinh. Đồng thời liên tục động viên, khuyến khích giúp các em. Ngoài ra, cô thường xuyên áp dụng công nghệ thông tin trong dạy học và kiểm tra đánh giá.

Cô Nhung cho rằng, để nâng cao chất lượng dạy, học ngoại ngữ, mỗi học sinh cần cam kết và kiên trì, nỗ lực học tập. Không những vậy, các em biết sơ đồ hóa ngữ pháp, từ vựng giúp dễ nhớ bài, hứng thú hơn trong học tập. Việc xem tin tức, tham gia hoạt động trải nghiệm cũng giúp người học bổ sung kiến thức về văn hóa, xã hội và ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác nguồn học liệu.

“Sở GD&ĐT cùng ban giám hiệu luôn quan tâm, tạo điều kiện nhằm nâng cao chất lượng dạy - học ngoại ngữ. Do đó, mỗi giáo viên cần nỗ lực hơn nữa và phải là tấm gương tự học tập, trau dồi”, cô Nhung chia sẻ.

Cô Giã Thị Tuyết Nhung cùng học sinh Trường THPT Trường Chinh tham gia hoạt động ngoại khoá để nâng cao năng lực tiếng Anh.

Cô Giã Thị Tuyết Nhung cùng học sinh Trường THPT Trường Chinh tham gia hoạt động ngoại khoá để nâng cao năng lực tiếng Anh.

Tạo động lực để nâng cao chất lượng

Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ là quá trình đòi hỏi sự đầu tư và phát triển liên tục. Chia sẻ thông tin, ông Nguyễn Đình Vinh - Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Kon Tum) cho hay, để cải thiện năng lực tiếng Anh cho học sinh, đặc biệt là các em đang theo học Chương trình GDPT 2018 và chuẩn bị thi tốt nghiệp, đơn vị khuyến khích nhà trường tăng cường tổ chức câu lạc bộ tiếng Anh. Bên cạnh đó duy trì hoạt động ngoại khoá nhằm khơi dậy sự đam mê, hứng thú để thu hút học sinh, như giao tiếp, thuyết trình, hùng biện bằng tiếng Anh.

Đồng thời, sở cũng tăng cường tổ chức hội thảo về nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh trên địa bàn; tập huấn cho giáo viên tiếng Anh, đặc biệt là thầy cô ở trường Phổ thông dân tộc nội trú, bán trú về phương pháp dạy môn học này. Ngoài ra, bồi dưỡng, nâng cao năng lực sư phạm, kiểm tra đánh giá học sinh cho giáo viên tiếng Anh các cấp bằng nhiều hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến.

Theo ông Vinh, năm học 2023 - 2024, Sở GD&ĐT Kon Tum tiến hành khảo sát những khó khăn, vướng mắc và nhu cầu của học sinh, giáo viên cũng như nhà trường trong việc dạy học ngoại ngữ. Từ đó có chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời và hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng dạy học.

“Trên cơ sở đánh giá chất lượng bộ môn Tiếng Anh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, đơn vị chỉ đạo các trường THPT phân tích kết quả đạt được; rút kinh nghiệm trong công tác ôn tập cho học sinh chuẩn bị bước vào Kỳ thi tốt nghiệp để cải thiện chất lượng. Cùng với đó, sở sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học ngoại ngữ, xây dựng kho học liệu điện tử, bổ sung ngân hàng câu hỏi, bài tập nhằm củng cố kiến thức cho các em. Đồng thời có kế hoạch quản lý tốt công tác dạy học, ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2024”, ông Vinh nói.

Còn theo ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, kết quả môn thi Ngoại ngữ những năm gần đây của tỉnh tăng lên do có lộ trình bài bản, hợp lý và thuyết phục. Theo đó, từ năm 2020, UBND tỉnh đã thông qua Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”.

Thực hiện đề án này, ngành đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ. Thực hiện chương trình tiếng Anh tăng cường với học sinh tiểu học và THCS ở một số địa phương. Tổ chức bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ sư phạm. Sở cũng triển khai đánh giá thực trạng đội ngũ giáo viên tiếng Anh theo tiêu chuẩn quốc tế, qua đó xây dựng các chương trình bồi dưỡng thích hợp.

Xây dựng cơ chế khuyến khích giáo viên tự học, tự bồi dưỡng để dự thi lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, phấn đấu đạt tiêu chuẩn giáo viên toàn cầu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục để thu hút nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cũng như bổ sung giáo viên ngoại ngữ cho các trường học...

Ngành Giáo dục Nghệ An cũng đổi mới trong tổ chức kiểm tra, đánh giá, tuyển sinh đầu cấp theo hướng tạo động lực thúc đẩy chất lượng dạy học môn Tiếng Anh toàn tỉnh. Sở GD&ĐT Nghệ An có hướng dẫn ưu tiên tuyển thẳng đầu cấp (lớp 6 và lớp 10) với học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Riêng kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT, 3 môn Toán – Ngữ văn – Tiếng Anh đều lấy điểm hệ số 1 (thay vì Toán, Ngữ văn nhân hệ số 2 như trước).

“Với nhiều cơ chế thúc đẩy việc dạy học ngoại ngữ, Nghệ An đặt mục tiêu nâng chất lượng môn học này cao hơn nữa. Bên cạnh các môn học khác, môn Ngoại ngữ phấn đấu không chỉ đạt thành tích tốt mà để học sinh có nền tảng tiếng Anh tốt, trở thành công dân toàn cầu trong bối cảnh hội nhập”, ông Thái Văn Thành cho hay.

Ông Thái Văn Thành cho biết thêm: Trong những năm gần đây, Nghệ An quyết liệt trong việc thực hiện mô hình đảm bảo chất lượng giáo dục tại các trường phổ thông và giao trách nhiệm đến từng nhà trường, giáo viên. Theo đó, các môn học, trong đó có môn Tiếng Anh cũng phải đảm bảo chất lượng đầu ra theo từng năm học, cấp học như cam kết, đăng ký.

Đồng thời, từ kết quả của các kỳ thi, đánh giá cuối năm, sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT và nhà trường tổ chức đánh giá phổ điểm, đối sánh điểm trung bình chung mỗi năm học, phân tích điểm đầu vào, điểm khảo sát chất lượng... Từ đó, tổ chức dạy học, bổ sung kiến thức, kỹ năng sát với từng nhóm. Từng bước nâng trình độ, có phương pháp tác động phù hợp, khuyến khích, tạo cảm hứng học tập để các em học hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ