Các nước Đông Nam Á đầu tư cho dạy, học ngoại ngữ thế nào?

GD&TĐ - Nhiều người cho rằng tiếng Anh là môn học đòi hỏi phải có năng khiếu. Tuy nhiên thành tích dạy và học tiếng Anh ở một số quốc gia trong khu vực

Học sinh Singapore thảo luận bài vở theo nhóm.
Học sinh Singapore thảo luận bài vở theo nhóm.

Nhiều người cho rằng tiếng Anh là môn học đòi hỏi phải có năng khiếu. Tuy nhiên thành tích dạy và học tiếng Anh ở một số quốc gia trong khu vực như Philippines, Singapore... đã chứng minh những người không sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ mẹ đẻ vẫn có thể thành thạo môn học này nếu có phương pháp giảng dạy và tiếp cận ngoại ngữ phù hợp.

Không coi tiếng Anh là môn học

Trong bảng xếp hạng khả năng sử dụng tiếng Anh tại các quốc gia tiếng Anh không là ngôn ngữ mẹ đẻ của EF English năm 2022, Singapore xếp thứ 2, chỉ sau Hà Lan và là quốc gia châu Á duy nhất nằm trong nhóm sử dụng tiếng Anh rất thành thạo. Philippines và Malaysia lần lượt đứng ở vị trí 22 và 24, nằm trong nhóm sử dụng tiếng Anh cao.

Điểm chung giữa Philippines và Singapore là không coi tiếng Anh như môn học mà là phương tiện giao tiếp. Vì vậy, chương trình giảng dạy tiếng Anh tập trung vào thực hành nghe, nói nhằm giúp học sinh có thể sử dụng ngôn ngữ này trong đời sống thường nhật. Học sinh không chú trọng vào điểm số, không sợ bị điểm kém.

Về việc giảng dạy tiếng Anh, Philippines áp dụng 3 phương pháp chính. Một là Giảng dạy Ngôn ngữ giao tiếp (CLT - Communicative Language Teaching) giúp người học rèn luyện khả năng giao tiếp hiệu quả, phù hợp với nhiều tình huống khác nhau. Hai là tiếng Anh chuyên ngành (English for Specific Purposes – ESP), không chỉ cung cấp kiến thức cơ bản về tiếng Anh, mà còn giúp người học phát huy khả năng tự tìm tòi và học hỏi bằng ngôn ngữ này.

Cuối cùng là phương pháp Giảng dạy ngôn ngữ thông qua các nhiệm vụ (Task-Based Language Teaching – TBLT) giúp người học thực hành tiếng Anh từ bài tập, nhiệm vụ học tập.

Theo nghiên cứu của Đại học Louisiana Monroe, CLT là phương pháp học ngôn ngữ dựa trên tương tác của người học. Ra đời vào những năm 1980, CLT hoạt động dựa trên nguyên tắc để học một ngôn ngữ, người học phải thực hành sử dụng ngôn ngữ đó để truyền đạt ý nghĩ cho người khác. Trong lớp học tiếng Anh, khi áp dụng CLT, giáo viên khuyến khích học sinh nghe và nói với các bạn xung quanh bằng nhiều cách khác nhau.

Cách phổ biến nhất là trò chuyện. Học sinh có thể chia thành nhóm đôi hoặc đông người và trò chuyện bằng tiếng Anh về bất cứ chủ đề yêu thích. Học sinh sẽ liên tục trò chuyện với nhau thay vì nghe giáo viên giảng rồi ghi nhớ. Mục đích đằng sau việc trò chuyện là giúp học sinh không lúng túng, không sợ mắc lỗi khi học ngôn ngữ mới.

Giáo viên Philippines kể chuyện bằng tiếng Anh cho học sinh.

Giáo viên Philippines kể chuyện bằng tiếng Anh cho học sinh.

Thay vì ngắt lời hoặc sửa lỗi khi học sinh nói sai, giáo viên sử dụng phương pháp CLT có thể tham gia vào cuộc hội thoại để điều hướng học sinh. Ví dụ, nếu học sinh dùng sai ngữ pháp trong câu: “His shoes is old” (Giày của anh ấy cũ rồi), giáo viên sẽ trả lời rằng: “Yes, his shoes ARE old” (Đúng, giày của anh ấy đã cũ rồi). Trong tình huống này, đôi giày là danh từ số nhiều nên thay vì dùng “is”, học sinh phải dùng “are”.

Cách áp dụng CLT thứ hai là nhập vai. Giáo viên sẽ giao chủ đề bất kỳ và yêu cầu học sinh thảo luận về chủ đề đó. Ví dụ, với chủ đề “Cuốn sách yêu thích”, các em có thể thảo luận theo nhóm, thuyết trình, đọc sách trước lớp, đóng kịch... bằng tiếng Anh. Trọng tâm là cho phép học sinh sử dụng các tình huống thực tế để thực hành ngôn ngữ và phát triển năng lực giao tiếp. Ngoài ra, còn một số cách áp dụng CLT như làm việc nhóm, tích hợp đọc – viết – nói...

Khi học sinh đã thành thạo phương pháp CLT, giáo viên chuyển sáng phương pháp thứ 2 là ESP, tức là tiếng Anh chuyên ngành. Phương pháp này có nhiều điểm giống với CLT tuy nhiên các chủ đề yêu cầu kỹ năng sử dụng tiếng Anh nâng cao như kinh tế, khoa học máy tính... Phương pháp này phù hợp với học sinh muốn nâng cao kỹ năng tiếng Anh trong những lĩnh vực mà họ yêu thích hoặc muốn theo đuổi.

Phương pháp thứ 3 là Task-based, tên đầy đủ là Task-based Language Teaching Approach. Hiểu theo tiếng Việt, đây là phương pháp giảng dạy ngôn ngữ thông qua các nhiệm vụ nhỏ (tasks), được phát triển bởi một chuyên gia Ấn Độ. Giáo viên giao các tasks để thúc đẩy người học chủ động tìm kiếm kiến thức trong mỗi giờ giảng. Tasks có thể giao dưới dạng cá nhân hoặc nhóm. Người học sẽ vận dụng kiến thức ngôn ngữ để tìm hiểu về một đề tài hoặc vấn đề thiết thực trong cuộc sống, sau đó trình bày kết quả dưới nhiều hình thức sáng tạo.

Phương pháp này mang lại nhiều lợi ích cho việc dạy học ngoại ngữ như tính ứng dụng kiến thức cao; tăng cường kỹ năng làm việc nhóm; thay đổi phương pháp dạy truyền thống; tăng khả năng sáng tạo và thuyết trình.

Ngoài 3 phương pháp cốt lõi trên, giáo viên được khuyến khích sáng tạo nhiều cách thức, sử dụng giáo cụ học tập để đổi mới, sáng tạo việc giảng dạy tiếng Anh, đồng thời tạo cảm hứng học cho học sinh.

Thái Lan muốn nâng cao khả năng sử dụng tiếng Anh cho người dân để xúc tiến du lịch.

Thái Lan muốn nâng cao khả năng sử dụng tiếng Anh cho người dân để xúc tiến du lịch.

Đổi mới chương trình học

Tại Singapore, Chính phủ và Bộ Giáo dục liên tục đổi mới phương pháp giảng dạy tiếng Anh trong trường phổ thông để cập nhật, đưa những ngữ liệu học mới. Lần gần đây nhất Singapore cải cách chương trình giáo dục Tiếng Anh là năm 2010.

Singapore đang áp dụng phương pháp tiếp cận có hệ thống để dạy các kỹ năng, sử dụng văn bản phong phú và nhiều nguồn tài nguyên ngôn ngữ. Ở cấp tiểu học, phương pháp dạy và học được áp dụng thông qua chương trình Chiến lược học và đọc tiếng Anh (STELLAR). Trong đó, tiếng Anh được dạy thông qua các câu chuyện, văn bản hấp dẫn với trẻ. Mỗi tài liệu đều có hướng dẫn ngữ pháp cụ thể.

Học sinh học tiếng Anh thông qua đọc truyện, thảo luận và chia sẻ ý kiến với giáo viên và các bạn. Ở cấp trung học, chương trình học tập trung vào củng cố kỹ năng tiếng Anh, nhất là ngữ pháp và nói tiếng Anh. Chương trình học còn nhấn mạnh việc phát triển kỹ năng giao tiếp nói và viết thông qua hoạt động thực tế. Ngoài ra, công nghệ thông tin là trợ thủ đắc lực để học sinh có thể học ngôn ngữ vui vẻ, có mục đích.

Nhằm đáp ứng sự đa dạng trong việc học ngoại ngữ, Bộ Giáo dục xây dựng chương trình học ở cấp độ tiêu chuẩn và cơ bản. Chương trình cơ bản được thiết kế cho học sinh có trình độ thấp, giúp xây dựng nền tảng vững chắc để phát triển khả năng sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp hằng ngày. Chương trình học tiêu chuẩn dành cho học sinh có trình độ tiếng Anh tương đối chắc chắn để phát huy và mở rộng kỹ năng; có thể sử dụng tiếng Anh chuyên ngành hoặc làm những công việc yêu cầu sử dụng thành thạo tiếng Anh.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục đã triển khai Chương trình Hỗ trợ học tập (LSP) cho tất cả trường tiểu học từ năm 1998. Theo LSP, trường tiểu học sẽ tổ chức dạy tăng cường kỹ năng đọc – viết cho học sinh yếu. Việc phân loại trình độ học sinh được thực hiện ở đầu năm học.

Tuy nhiên một trong những yếu tố khiến học sinh Singapore không sợ tiếng Anh vì nước này có môi trường thuận lợi để thực hành. Tiếng Anh là một trong 4 ngôn ngữ chính ở Singapore. Chương trình học cũng là song ngữ tiếng Anh và tiếng mẹ đẻ (một trong 3 ngôn ngữ tiếng Mã Lai, tiếng Hoa và tiếng Tamil).

Như vậy, trẻ em Singapore luyện tập sử dụng tiếng Anh không chỉ trong môn Tiếng Anh mà tại trường học và cuộc sống thường nhật. Điều đó giúp các em vượt qua nỗi sợ nói tiếng Anh, có tinh thần cầu thị khi học ngôn ngữ này.

Một tiết học với giáo viên nước ngoài của học sinh Thái Lan.

Một tiết học với giáo viên nước ngoài của học sinh Thái Lan.

Đầu tư cho giảng dạy

Trong các quốc gia Đông Nam Á, khả năng sử dụng tiếng Anh của người dân Thái Lan đứng sau Singapore, Philippines và Malaysia nhưng nước này đang cải thiện khả năng giảng dạy tiếng Anh. Báo cáo năm 2022 của tờ Thailand Business chỉ ra ngày càng nhiều người dân Thái Lan ủng hộ cải thiện giáo dục tiếng Anh tại nước này. Họ đã kêu gọi Chính phủ Thái Lan tăng cường hành động và hỗ trợ hệ thống giáo dục.

“Khi du lịch đang phục hồi mạnh mẽ, Thái Lan là một trong những điểm đến được du khách thế giới ưa chuộng. Do đó, cải thiện trình độ tiếng Anh, nhất là kỹ năng nói, trên thực tế sẽ giúp ngành du lịch phát triển và thúc đẩy tăng trưởng doanh thu”, báo cáo viết.

Thái Lan là một trong những quốc gia Đông Nam Á tích cực tuyển dụng giáo viên người nước ngoài về dạy tiếng Anh, đặc biệt sau khi chính phủ Thái Lan đưa chương trình giảng dạy tiếng Anh bắt buộc vào trường học. Một phần do trình độ tiếng Anh của giáo viên Thái Lan còn yếu kém với số đông chỉ đạt trình độ A2 theo khung năng lực ngọai ngữ châu Âu.

Để đăng ký dạy tiếng Anh tại Thái Lan, ứng viên nước ngoài cần: Chứng chỉ TEFL (chứng chỉ phương pháp giảng dạy tiếng Anh) tối thiểu 120 giờ, chứng chỉ TOEIC 600 hoặc IELTS 5+, bằng cử nhân... Đổi lại, giáo viên nước ngoài được trả lương khá hậu hĩnh. Trung bình, lương giáo viên TEFL toàn thời gian dao động từ 30.000 – 40.000 bath, thậm chí là gần 50.000 bath/tháng. Lương ở thành phố lớn như Bangkok sẽ cao hơn khoảng 30% so với các khu vực khác.

Ngoài ra, nhiều trường cũng cung cấp chỗ ở, trợ cấp nhà ở hoặc chi trả chi phí di chuyển để thu hút giáo viên nước ngoài. Thái Lan cũng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Dù trình độ tiếng Anh của học sinh nước này chưa cao, nhưng thông qua đầu tư nhân lực, vật lực, Thái Lan mong muốn nâng cao khả năng sử dụng ngoại ngữ của người dân, từ đó xúc tiến du lịch.

Tác động tích cực từ chương trình LSP và STELLAR được phản ánh qua kết quả học tập của học sinh Singapore trong nghiên cứu về sự tiến bộ đọc hiểu quốc tế (PIRLS). Theo đó, tỷ lệ học sinh yếu kém tại Singapore giảm từ 24% vào năm 2001 xuống 13% vào năm 2011. Trong khi đó, tỷ lệ học sinh có năng lực cao tăng từ 12% năm 2001 lên 24% năm 2011.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...