Điều chỉnh kỹ thuật trong xét tuyển có sử dụng điểm thi THPT; Chuẩn bị điều kiện tổng thể triển khai chương trình mới

GD&TĐ-Bộ GD&ĐT chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình mới; Dự kiến điều chỉnh với phương thức xét tuyển có sử dụng điểm thi THPT; Hướng dẫn bán trú trong dịch bệnh;… là những thông tin GD nổi bật tuần qua

Ảnh minh hoạ (T.Sơn/RGEP)
Ảnh minh hoạ (T.Sơn/RGEP)

Chuẩn bị điều kiện tổng thể triển khai chương trình mới

Trong tuần qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương về việc tiếp tục thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Hội nghị nhằm rà soát tình hình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; chia sẻ kết quả đạt được và kinh nghiệm triển khai; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đồng thời đề xuất những nhiệm vụ trong thời gian tới.

Sau khi nghe báo cáo, tham luận từ đại diện các địa phương, cục, vụ chức năng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh tới bối cảnh, tầm quan trọng, ý nghĩa của quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 - một trong những khâu quan trọng nhất của đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29.

Đây là lần tiến hành đổi mới rất sâu sắc, toàn diện, chuyển đổi về cả cách tiếp cận, định hướng và triết lý. Những gì đang thực hiện là chưa có tiền lệ, đặc biệt liên quan đến xã hội hóa, có nhiều bộ sách giáo khoa, thay đổi tính chất của sách giáo khoa trong thực hiện chương trình…

Đổi mới diễn ra với tốc độ rất nhanh, phạm vi tiến hành rộng, kì vọng của Đảng, nhân dân rất cao, nhưng lại được tiến hành trong bối cảnh nguồn lực tài chính, con người khó khăn, thiếu thốn; trong bối cảnh ngành Giáo dục chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, dẫn tới nguồn nhân lực biến động, thay đổi nhiều…

Với vấn đề có tính thời sự hiện nay là phòng chống dịch và đưa học sinh quay trở lại học trực tiếp, Bộ trưởng đề nghị các địa phương kiên trì mục tiêu đưa học sinh quay trở lại trường sớm nhất có thể.

Để làm được việc này, cần theo sát diễn biến dịch để có biện pháp kịp thời. Ở những nơi dịch bùng phát mạnh học sinh chuyển sang học trực tuyến, nhưng dịch giảm tới đâu lại huy động học sinh quay trở lại trường tới đó.

Ngành Giáo dục các địa phương cần phối hợp với ngành Y tế để thực hiện trên tinh thần bình tĩnh, thực tiễn, thích ứng an toàn. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy tiến độ nhanh nhất tiêm vắc xin cho trẻ từ 5-11 tuổi.

Để chuẩn bị các điều kiện thực hiện chương trình mang tính dài hơi, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo địa phương chỉ đạo sở GD&ĐT có những tham mưu tổng thể, không chỉ cho năm học 2022-2023 mà tính toán đầy đủ các phần việc cho các năm tiếp theo.

Ngay từ bây giờ, các địa phương phải nhìn thấy toàn bộ vấn đề cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, các điều kiện khác cho tới năm học 2024-2025 - năm triển khai ở các lớp cuối cùng để có tham mưu cụ thể, tránh thấy việc tới đâu mới tham mưu tới đó.

Bộ trưởng lưu ý đến các vấn đề cụ thể như lựa chọn sách giáo khoa; giải quyết tình trạng thiếu giáo viên; bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ; mua sắm thiết bị dạy học…

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Dự kiến một số điều chỉnh kỹ thuật với phương thức xét tuyển có sử dụng điểm thi THPT

Trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2022 sắp hoàn tất. Trong đó, tuyển sinh năm 2022 về cơ bản giữ ổn định như những năm trước, nhưng dự kiến sẽ có một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật.

"Việc điều chỉnh quy chế về mặt kỹ thuật nhằm đảm bảo tạo điều kiện tối đa cho thí sinh từ khâu đăng ký, xét tuyển đến đảm bảo tính công bằng, minh bạch khách quan giữa các phương thức tuyển sinh trong một ngành và giữa các trường với nhau. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các trường trong khâu xét tuyển", ông Hùng nói.

Theo đó, một trong những điều chỉnh quan trọng là năm nay Bộ GD&ĐT sẽ lọc ảo chung đối với tất cả phương thức xét tuyển có sử dụng điểm thi THPT từ 1 môn trở lên.

Đây cũng là một điểm mới mang tính kỹ thuật vì những năm trước, việc lọc ảo chung chỉ áp dụng đối với phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT (xét tuyển theo điểm thi 3 môn trong tổ hợp xét tuyển) để xét tuyển của các trường đại học.

Như vậy, đối với các phương thức xét tuyển chỉ cần sử dụng kết quả từ một môn thi THPT kết hợp với các hình thức xét tuyển khác như môn thi năng khiếu, kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế… đều sẽ được Bộ GD&ĐT chạy lọc ảo chung toàn quốc.

Bộ GD&ĐT cũng đang triển khai phương án sửa phần mềm để cho thí sinh đăng ký xét tuyển. Theo đó, năm nay, thí sinh đăng ký xét tuyển chủ yếu bằng hình thức trực tuyến, chỉ những trường hợp bất khả kháng mới sử dụng phương thức trực tiếp trên phiếu như trước đây.

Năm 2022, thí sinh có thể đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên một trong hai địa chỉ là Cổng dịch vụ công của Chính phủ hoặc Cổng tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Dù đăng ký trực tuyến hay bằng giấy thì các mẫu phiếu đăng ký giống nhau, chỉ khác hình thức đăng ký. Bộ sẽ có hướng dẫn chi tiết về thời gian cũng như cách thức đăng ký trực tuyến.

Ngày 18/3, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức hội nghị tuyển sinh để thống nhất những điểm mới của quy chế.

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Hướng dẫn tổ chức bán trú trong dịch bệnh

Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn cụ thể việc tổ chức bán trú cho học sinh khi tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp, tại Quyết định số 543 hướng dẫn đảm an toàn phòng chống dịch trong trường học.

Trong đó, Bộ GD&ĐT đề nghị khi tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp, các cơ sở giáo dục tổ chức ăn bán trú cho trẻ em mầm non, học sinh đảm bảo một số yêu cầu phòng chống dịch.

Cụ thể, nhà trường phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế và ngành giáo dục, trong đó bảo đảm theo nguyên tắc hạn chế giao lưu, tiếp xúc giữa các học sinh trong cùng lớp và giữa các lớp.

Ưu tiên tổ chức ăn, ngủ, nghỉ ngay tại lớp học; học sinh lớp nào ăn, ngủ riêng theo lớp đó.

Học sinh ăn theo suất ăn riêng, không dùng chung các đồ dùng cá nhân, rửa tay với nước sạch và xà phòng trước và sau khi ăn.

Vệ sinh, khử khuẩn nhà ăn sau mỗi lượt tổ chức cho học sinh ăn (nếu tổ chức ăn ở nhà ăn chung của nhà trường). Bảo đảm an toàn thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu: Các cơ sở giáo dục cần căn cứ vào tình hình thực tiễn và hướng dẫn của Bộ để triển khai thực hiện ăn bán trú cho học sinh đảm bảo an toàn phòng chống dịch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phụ huynh và học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ