Linh hoạt phương pháp giảng dạy khi thực hiện chương trình mới

GD&TĐ - Mặc dù dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, tuy nhiên ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai đã vượt khó đạt kết quả khả quan.

Đa số các trường tại Gia Lai cho học sinh học trực tiếp từ ngày 14/2.
Đa số các trường tại Gia Lai cho học sinh học trực tiếp từ ngày 14/2.

Vượt qua dịch bệnh

Theo đó, kết quả học tập và rèn luyện của học sinh bậc Tiểu học (từ hoàn thành trở lên) ở môn Tiếng Việt chiếm 92,4% và ở môn Toán là 96%. Còn kết quả đánh giá xếp loại học lực và hạnh kiểm học sinh toàn tỉnh cuối học kỳ I (từ mức trung bình trở lên) ở bậc THPT lần lượt là 89,61% và 98,65% và bậc THCS lần lượt là 89,47% và 98,95%.

Để đảm bảo an toàn cho học sinh khi quay trở lại trường học trực tiếp, ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở GD&ĐT yêu cầu trong những ngày đầu học sinh quay lại học trực tiếp, các cơ sở giáo dục cần dành thời gian phù hợp để các em làm quen với việc học trực tiếp.

Đối với học sinh lớp 1 chưa từng tới trường hoặc đến trường trong một thời gian ngắn, nhà trường cần phổ biến cho các em làm quen với các hoạt động học tập và nề nếp sinh hoạt tại trường, lớp. Bên cạnh đó, tăng cường tương tác, gắn kết giữa học sinh trong lớp học. Đồng thời, tổ chức các hoạt động để tạo hứng thú và tâm trạng thoải mái cho học sinh. Ngoài ra, hướng dẫn học sinh kiến thức phòng dịch, những việc cần làm để bảo vệ bản thân và cộng đồng.

Theo ông Định, để không có học sinh nào bị bỏ lại phía sau đơn vị đã đề nghị các cơ sở giáo dục tổ chức ôn tập, phụ đạo cho các em bị thiếu hụt kiến thức trong thời gian học trực tuyến trước khi dạy kiến thức mới.

Bước vào học kì II, ông Lê Duy Định cho biết, ngành Giáo dục Gia Lai sẽ phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những khó khăn, hạn chế trong học kì I. Qua đó, tiếp tục thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa thực hiện nhiệm vụ giáo dục.

Vị giám đốc Sở cho hay, ngành Giáo dục sẽ linh hoạt các phương pháp giảng dạy để thực hiện chương trình GDPT 2018 của lớp 1, 2 và 6. Đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện đối với các lớp 3, 7 và 10 trong năm học 2022-2023.

Xây dựng phương án ứng phó khi học sinh học trực tiếp

Học sinh được đo thân nhiệt, sát khuẩn.
Học sinh được đo thân nhiệt, sát khuẩn.

Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên đa số học sinh các trường trên địa bàn TP Pleiku không thể đến trường học trực tiếp ở học kì I.

Trước khi TP Pleiku mở cửa trường học để đón các em quay trở lại học trực tiếp thì Phòng GD&ĐT thành phố yêu cầu các cơ sở giáo dục vệ sinh trường, lớp, phun khử khuẩn, có máy đo thân nhiệt, nước khử khuẩn...để học sinh đến trường học tập an toàn. Đồng thời, xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể để đảm bảo công tác dạy và học trong điều kiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn.

Phòng GD&ĐT TP Pleiku cũng yêu cầu, đối với đơn vị có cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh bị F0 tiếp xúc trong phạm vi lớp học, tiếp xúc gần trong phạm vi 2m hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín chuyển sang học tập trực tuyến.

Đặc biệt, trong tuần học đầu tiên (từ 14/2 đến 20/2), các trường mầm non, Tiểu học chưa tổ chức ăn, ở bán trú. Bên cạnh đó, chuẩn bị tốt các điều kiện, nếu tình hình dịch Covid-19 không lây nhiễm trong nhà trường thì có thể tổ chức ăn, ở bán trú vào những tuần tiếp theo.

Phòng GD&ĐT TP Pleiku cũng lưu ý các đơn vị tổ chức tuyên truyền đến phụ huynh học sinh theo dõi sức khỏe học sinh. Nếu các em có triệu chứng ho, sốt, khó thở, mất vị giác... phải liên hệ các cơ sở y tế để được thăm khám, theo dõi. Bên cạnh đó, tổ chức khai báo y tế, đo thân nhiệt, khử khuẩn cho toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trước khi vào lớp học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trao quà Tết cho học sinh nghèo ở Trường PTDTBT THCS Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa).

Không để học sinh nào mất Tết

GD&TĐ - Chuẩn bị Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, giáo viên nhiều trường học vùng khó ở Thanh Hóa lại ngược xuôi lo Tết cho học trò.