Điều chỉnh Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi: Để trẻ không bước hụt khi vào lớp 1

GD&TĐ - Phong trào cho con đi học dự bị lớp 1 khi đang ở tuổi mẫu giáo không chỉ phổ biến ở các đô thị mà còn lan đến nông thôn.

Giáo viên Trường Mầm non Hoa Ban bồi dưỡng phương pháp giúp trẻ làm quen với toán và đọc, viết. Ảnh: TG
Giáo viên Trường Mầm non Hoa Ban bồi dưỡng phương pháp giúp trẻ làm quen với toán và đọc, viết. Ảnh: TG

Dù việc dạy – học ở các trường mầm non phần lớn đã tiếp cận được với nội dung, phương pháp dạy ở cấp tiểu học, nhưng vẫn còn một “khoảng trống” để trẻ thích ứng tốt với Chương trình GDPT 2018.

Trước số 1 không phải là số 0

Dạy lớp Lá, cô Mai Thị Chi Thoa - Trường Mầm non Quy Nhơn, TP Quy Nhơn (Bình Định) chia sẻ: “Theo yêu cầu của chương trình, ở độ tuổi này, trẻ chỉ tập tô, nhận diện chữ cái, số... Thế nhưng nhiều phụ huynh mong muốn trẻ phải biết viết thành thạo, biết ghép vần, đọc tiếng, nghĩa là học trước chương trình lớp 1. Giáo viên vì vậy vừa bảo đảm sao cho trẻ đạt chuẩn đầu ra của chương trình phổ cập 5 tuổi, vừa phải giải thích, tư vấn cho phụ huynh chuẩn bị tốt những kỹ năng cần thiết cho trẻ trước khi vào lớp 1”.

Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi gồm 4 lĩnh vực cơ bản của trẻ mầm non dựa trên cơ sở của các nghiên cứu khoa học, gồm: Phát triển thể chất; Tình cảm và quan hệ xã hội; Ngôn ngữ và giao tiếp; Phát triển nhận thức. Bốn lĩnh vực này với 28 chuẩn, 120 chỉ số có liên quan chặt chẽ với nhau, sự phát triển ở lĩnh vực này ảnh hưởng, phụ thuộc vào những lĩnh vực khác và không có lĩnh vực nào quan trọng hơn lĩnh vực nào.

Cô Trần Thị Như Lai – Hiệu trưởng Trường Mầm non Cẩm Vân (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) nhận xét: “Hiện nay, Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi phù hợp với trẻ khi đưa vào chương trình chăm sóc, giáo dục trẻ 5 tuổi. Thời gian đầu, khi mới tiếp cận, giáo viên, kể cả cán bộ quản lý các trường mầm non đều có sự lúng túng nhất định, có những tiêu chí hơi khó hiểu.

Tuy nhiên, khi đưa vào chương trình chăm sóc giáo dục trẻ 5 tuổi mới thấy sự phù hợp. Bộ tiêu chí giúp giáo viên cũng như phụ huynh có căn cứ, chuẩn bị tốt cho trẻ ở giai đoạn tiền học đường, trước khi vào lớp 1. Nếu giáo viên chịu khó nghiên cứu thì trẻ hoàn thành chương trình mầm non 5 tuổi sẽ dễ dàng khi học Chương trình – SGK mới ở lớp 1”.

Hầu hết các trường mầm non công lập đều thực hiện tốt quy định không dạy trước chương trình lớp một cho trẻ mẫu giáo. Nhưng không ít trường tư thục “xé rào” dạy chữ cho trẻ 5 tuổi. Thậm chí có phụ huynh không cho con học chương trình 5 tuổi ở trường mầm non mà cho con học trước chương trình lớp 1 suốt một năm học, khiến giáo viên ngay ở thành phố lớn cũng vất vả trong việc duy trì sĩ số.

“Cho con học ở nhóm trẻ gia đình, cơ sở mầm non tư thục chi phí gần như học ở trường mầm non công lập. Cháu lại được học chữ sớm, sau này đỡ bỡ ngỡ khi vào lớp Một nên gia đình cho cháu học thay vì ra lớp mầm non” – chị Trần Thu Thủy (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) chia sẻ. Tuy nhiên, việc cho trẻ học trước chương trình không phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình học tập các cháu sau này.

Thời gian dành cho các hoạt động hình thành kỹ năng viết cho trẻ ở mầm non còn ít so với kỹ năng nói và đọc.
Thời gian dành cho các hoạt động hình thành kỹ năng viết cho trẻ ở mầm non còn ít so với kỹ năng nói và đọc. 

Rút ngắn khoảng trống

Sự tiệm cận giữa chương trình mầm non và lớp 1 ngày càng tốt hơn. Trong đó chú trọng nhiều đến khả năng làm chủ tiếng Việt của trẻ. Trẻ phải nói năng lưu loát, có thể kể được những câu chuyện ngắn, tỏ ra tự tin khi trò chuyện với người lớn. Giáo viên mầm non sẽ tập cho trẻ những khả năng thích ứng học đường bao gồm các kỹ năng như sự chủ động, tự tin, dễ hòa nhập, thích thú đến trường…

Bà Đặng Thị Cẩm Tú – Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT Đà Nẵng nhận xét: “Theo Bộ chuẩn phát triển mầm non 5 tuổi, chương trình giáo dục mầm non tập trung nhiều thời lượng để phát triển kỹ năng nói, đọc cho trẻ. Trong khi đó, ngay trong những tuần đầu tiên của chương trình lớp 1, trẻ đã phải rèn kỹ năng viết quá nhiều. Hiện trẻ 5 tuổi chỉ làm quen, nhận diện chữ cái, tập tô. Nếu giáo viên cho trẻ tập tô cũng là những tài liệu mang tính chất tham khảo chứ chưa có một bộ tài liệu chính thức nào”.

Chính “khoảng trống” này đã khiến nhiều phụ huynh cho trẻ học trước chương trình lớp 1 để “thích nghi” dần yêu cầu môi trường học tập mới. Cô Lê Thị Thu Lan – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Ban (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) thừa nhận có những phụ huynh vừa đón con ở trường mầm non về là cho con đi học chữ ngay sau đó.

Cô Trần Thị Như Lai cũng chia sẻ, nên có thêm thời lượng giúp trẻ làm quen với kỹ năng viết nhiều hơn ở bậc học mầm non. Có thể chỉ là tập tô chữ theo đúng kích cỡ để cổ tay trẻ được cứng cáp, các ngón tay điều khiển bút mềm hơn khi viết chữ… để trẻ không bị sốc với kỹ năng viết khi bước vào lớp 1.

“Nếu không quen với kỹ năng viết ngay từ khi học mẫu giáo, trẻ sẽ đuối ở thời gian đầu khi bắt đầu học chương trình lớp 1” - cô Lai nhận xét. Tuy nhiên, khi đưa nội dung này vào chương trình, giáo viên mầm non cần được tập huấn để có sự khớp nối với chương trình, phương pháp giảng dạy lớp 1 theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Chương trình đào tạo giáo sinh dạy mầm non cũng cần được bổ sung, chỉnh sửa để bắt kịp với việc dạy khi ra trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ