Tuy nhiên không ít gia đình vì những lí do cá nhân mà gây ra mẫu thuẫn, dẫn đến bạo lực. Chính vì vậy, bảo vệ và dạy con phòng chống bạo lực gia đình là điều nên làm như chia sẻ của diễn viên Lan Phương.
Cảm thấy có lỗi
Gần đây, nhiều vụ bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em gây sự thu hút lớn trong xã hội. Ngoài nỗi đau về thể xác thì vết thương tâm lý bên trong của trẻ sẽ ám ảnh cả cuộc đời. Thậm chí, vì nó, một số đứa trẻ phát triển lệch lạc và tương lai cũng sẽ trở thành ông bố, bà mẹ như chúng đã trải qua thuở nhỏ. Điều này gây ra nguy hại lớn đối với xã hội.
Nhiều trẻ em không thể quên được những la mắng, trận đòn roi hay đánh đập mà mình phải trải qua. Đặc biệt, những đau khổ đó lại do chính người thân gây ra. Thậm chí, dù không cố tình nhưng nhiều bậc cha mẹ đánh con vì cho rằng “yêu cho roi cho vọt”. Họ thản nhiên làm cho những đứa trẻ phải chịu tổn thương nặng nề.
Diễn viên Lan Phương bày tỏ quan điểm: “Có nhiều người cho rằng không được khen con. Họ cho rằng phải luôn chê bai, phê phán, để con nghĩ mình kém hơn đứa trẻ khác mới tốt. Sau này con có thể thành công, nhưng sâu trong lòng, những tổn thương khi bị đay nghiến, chê bai vẫn còn mãi.
Người lớn hãy tự hỏi mình xem cảm giác bị cha mẹ mắng, cho roi vọt đã mất đi hay vẫn còn như mới. Hiện có người vẫn tin bố mẹ cần trừng phạt bằng roi vọt khi cần thiết với con cái. Họ đều có chính kiến và lí do riêng dựa trên trải nghiệm tuổi thơ của họ, dựa vào tính cách mỗi người, hay dựa vào số đông người xung quanh đang sử dụng cách cho con roi vọt để con tiến bộ hơn”.
Bạo lực gia đình đối với trẻ em không chỉ là những trận đòn roi, đánh đập mà còn cả la mắng, quát nạt, dọa dẫm, ngăn cấm… Tùy vào mức độ nặng hay nhẹ, đứa trẻ sẽ phải chịu hậu quả của bạo lực.
Nhiều em bé đã rơi vào trạng thái tự kỷ, phát triển không bình thường, diễn biến tâm lý lệch lạc, thậm chí tự tử. Sau này, do chứng kiến quá nhiều bạo lực, không được yêu thương, những đứa trẻ này sẽ hình thành lên thói xấu, học theo rồi trút giận cho người khác.
Diễn viên Lan Phương chia sẻ: “Hồi còn bé, nhìn những người xung quanh trừng phạt con cái bằng đòn roi, mắng chửi, Phương cũng đã bắt chước và từng áp dụng y như thế với em trai mình. Em làm gì mình cho là sai thì mình sẽ mắng em như tát nước. Sẵn sàng tát em khi không thể nói nổi với em. Đến giờ nghĩ lại thật sự cảm thấy có lỗi với em. Mình nghĩ, môi trường sống tích cực thực sự rất cần cho trẻ để không bị nhiễm những thói hư tật xấu”.
Dạy trẻ nhận biết nguy cơ bạo lực
Có một cô con gái nhỏ với người chồng Tây đẹp trai, diễn viên Lan Phương dù bận rộn nhưng vẫn luôn dành thời gian chăm lo cho gia đình. Thậm chí, những ngày đi diễn, cô cũng ôm con gái đi theo, lúc nghỉ lại tranh thủ cho con bú. Với cô, con cái là điều tuyệt vời, thiêng liêng nhất.
Cô chia sẻ: “Phương chưa từng đánh, mắng mỏ, to tiếng hay doạ dẫm con. Phương chỉ luôn theo sát, động viên, khuyến khích con khám phá thế giới và bản thân. Càng hiểu con, Phương càng không thể tưởng tượng nổi việc mình tát con hay chửi mắng… để khiến con thấy mình kém cỏi cần cố gắng.
Trẻ con không thể nào bị trừng phạt chỉ vì không thể kiểm soát năng lượng dồi dào và khao khát khám phá thế giới xung quanh. Không thể nào chỉ vì bé không chịu ngồi yên để nghe người lớn nói chuyện hay để làm điều người lớn muốn mà bị quát mắng.
Người lớn đánh con chỉ vì sự bất lực, không biết làm gì và dạy con như thế nào. Người lớn có lỗi khi không thể hiểu trẻ muốn gì, đang cảm thấy thế nào để giúp con làm điều đúng”.
Cô cũng cho biết thêm, người lớn có khả năng sinh ra trẻ con nên người lớn cần học cách hiểu trẻ con và trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất. Đừng nghĩ trẻ con không biết gì. Trẻ con hiểu, thông minh và nhạy cảm hơn là chúng ta nghĩ. Trẻ con dù vài tháng tuổi cũng đã là một con người thu nhỏ. Tâm hồn người lớn cần gì, con cũng cần y như vậy.
Trẻ em cần được cảm thấy an toàn tại gia đình, trong nhà trường và trong cộng đồng của mình. UNICEF – Quỹ Nhi đồng bảo vệ trẻ em của Liên Hợp Quốc cho biết, kỷ luật mang tính bạo lực vẫn còn phổ biến ở Việt Nam với 68,4% trẻ em trong độ tuổi từ 1 - 14 cho biết đã từng bị bạo hành bởi cha mẹ hoặc người chăm sóc trong gia đình.
Trẻ em đặc biệt dễ bị tổn thương khi các em có hiểu biết hạn chế về quyền của mình nên không lên tiếng và tìm sự giúp đỡ khi bạo hành xảy ra.
Chia sẻ kinh nghiệm để dạy con bằng yêu thương, diễn viên Lan Phương gợi ý: “Dạy con bằng lời nói nhỏ nhẹ, từ tốn, nghiêm khắc và yêu thương sẽ có hiệu quả hơn rất nhiều so với câu quát nạt hay đánh con. Đừng căm ghét, cay nghiệt với con khi tức giận.
Ngoài việc lên tiếng bảo vệ, bênh vực, khuyên can người gây bạo lực thì người lớn trong gia đình cần phải dạy trẻ biết cách bỏ chạy và kêu cứu khi bị bạo lực, bởi không phải lúc nào cũng có người lớn ở bên cạnh trẻ.
Hãy dạy trẻ nhận biết các dấu hiệu chứng tỏ bạo lực sắp xảy ra như giận giữ, quát tháo…, dạy trẻ tránh bạo lực bằng cách rời khỏi khu vực nguy cơ. Khi bị đánh, trẻ cần phải chạy ra ngoài kêu to tìm sự giúp đỡ của người khác”.