Nghe thần tượng điện ảnh một thời phát biểu như vậy, một bộ phận cộng đồng không dậy sóng mới lạ.
Chả là có người giấu tên hứa giúp mua lại căn nhà hơn 10 tỷ đồng để Chánh Tín có thể ở suốt đời. Chánh Tín nói thêm: “Tôi cũng không cần tiền bạc gì đâu. Chỉ cần ở nhà này”.
Về chuyện thi hành án, ông nói: “Nếu muốn lấy nhà cứ đem xúc tôi đi! Giờ tôi bệnh đi được đâu?”. Bạn đọc bình luận: “Bao doanh nhân, khi thất bại phải chấp nhận tất cả. Chánh Tín nói hoãn thi hành án trong thời gian chữa bệnh. Vậy khi nào chữa xong, mà nếu không hết bệnh thì sao? Sao không đặt mình vào vị trí của ngân hàng, họ cũng đi kinh doanh”.
Về số tiền tươi thóc thật 600 triệu đồng mà khán giả ủng hộ “chỉ đủ để cứu đói chứ sao trả nợ được, nhưng cứ đà này mỗi ngày tới nhờ quần chúng, tôi sẽ lấy lại nhà”, bạn đọc khác bình tiếp: “600 triệu mà kêu chỉ cứu đói thì "ăn" ghê thật!”.
Ca sĩ Phương Thanh kêu gọi “đừng gọi nghệ sĩ là ăn mày”. Nếu ban đầu Chánh Tín không tự gọi mình như thế, chắc chưa ai dám mạo phạm. Rồi thì “ra đường đến nơi rồi còn sĩ diện gì nữa” (lời Chánh Tín).
Và: “Mình không phạm pháp thì mình kêu cứu để mọi người giúp”, “Tôi không tạo phong trào gửi tiền, tôi không ý kiến. Quần chúng thương tôi, giúp đỡ tôi thì tôi rất cám ơn. Tôi có đi xin đâu?”.
Lá tâm thư của “một khán giả quèn gửi chú, người được cả gia đình con ngưỡng mộ” nhận hàng ngàn phản hồi trong một ngày, có đoạn:
“Nói thiệt, con thấy chú càng nói càng kỳ. Phải chi chú bệnh nặng không tiền chữa, con tin anh chị em nghệ sĩ và khán giả sẵn sàng giang tay làm một chương trình thiện nguyện gom góp dăm ba trăm triệu chia sẻ với chú.
Đằng này chú nói mỗi ngày còn có thể đánh bao cát mà. Vậy điều chú mong muốn ở đây là giữ lại cái nhà? Con biết nhà chú. Trời ơi, nó là nỗi thèm thuồng của 99% người Sài Gòn đó chú.
Bây giờ nó xuống giá rồi, nhưng xuống là bao nhiêu? Hơn 10 tỷ. Con biết, mất đi khối tài sản tích góp cả đời ai cũng hoảng, cũng quẫn nhưng con mong chú tỉnh táo để thấy đó là số tiền lớn, lớn lắm chú ơi”.
Cũng nhiều khán giả bênh anh: “Xin tiền khán giả cũng chẳng sao, đó không phải việc phạm pháp”. Chánh Tín không phạm pháp, ông chỉ sai nên thua trong một vụ kiện.
Nhưng lý lẽ của ông thì lầm lẫn khá nhiều, từ phim ảnh trở đi: Dòng máu anh hùng đạt ưu hạng châu Á - Thái Bình Dương, đối với nhà nước thì đây là công lao rất lớn, thành công tối đa của điện ảnh Việt Nam”.
Dòng máu anh hùng không phải bộ phim nghệ thuật cao siêu mà chỉ là phim giải trí tạm được. Giải của nó là giải khu vực chứ có phải Oscar đâu?!
Trong tập 1 Ván bài lật ngửa, Nguyễn Thành Luân nói với Ngô Đình Nhu:“Tôi không bao giờ là một thứ hàng thần lơ láo, dù cho đó là Từ Hải”.
Hàng thần, ám chỉ việc Nguyễn Thành Luân (trong lốt) một Việt cộng qui thuận Diệm Nhu. Làm Từ Hải mà còn không chịu nữa là. Nhưng đó là màn bạc.
Có người lý giải, khán giả cứu Chánh Tín là để cứu một thần tượng khỏi sụp đổ. Như thể chỉ mất nhà thì thần tượng mới sụp còn giữ nhà bằng mọi giá thì không.
Chiều qua, tôi hỏi mấy người bạn hôm trước hẹn gửi tiền cho Chánh Tín: Đã gửi chưa? “Thôi”. Vì sao? “Chán”.
Còn đây là câu hỏi của “khán giả quèn” nọ trong thư gửi người từng là thần tượng của cả nhà họ, từ ông bà trở đi: “Chú có để ý rằng những người đang kêu gọi giúp đỡ chú là những người ít thân thiết và chẳng biết nhiều về chú không? Và chú nên đặt câu hỏi vì sao”.