Diễn đàn dành cho sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sáng 18/5, Học viện Quản lý giáo dục tổ chức Hội nghị khoa học sinh viên nghiên cứu khoa học năm học 2022 – 2023.

Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Lựa chọn đề tài giản dị, gần gũi

"Phần lớn kết quả cho thấy, các sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học đều có thành tích cao trong học tập và trong các hoạt động giáo dục khác của các em".

TS Lê Thị Ngọc Thúy.

Phát biểu khai mạc, GS.TS Phạm Quang Trung – Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục - khẳng định, Hội nghị là diễn đàn để sinh viên thể hiện đam mê nghiên cứu khoa học.

28 bài nghiên cứu của sinh viên được lựa chọn đăng trong ký yếu đều là những đề tài thiết thực, bổ ích. Nhiều vấn đề được sinh viên đề cập có tính thời sự, bám sát thực tiễn và có nhiều điểm mới.

Chẳng hạn như đề tài: các yếu tố ảnh hưởng đến lòng trung thành đối với nhà trường của sinh viên Học viện Quản lý giáo dục; Chất lượng dịch vụ đào tạo và sự hài lòng của sinh viên; định hướng giá trị tâm lý của sinh viên Khoa tâm lý – Giáo dục; Phương pháp tự học phần triết học Mác - Lê Nin cho sinh viên đại học…

Theo GS.TS Phạm Quang Trung, với sinh viên, nghiên cứu khoa học là con đường để các em có thêm nhiều trải nghiệm, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để giải quyết những vẫn đề của thực tiễn. Trên hết là, giúp sinh viên trưởng thành hơn và gia tăng giá trị bản thân.

GS.TS Phạm Quang Trung phát biểu khai mạc.

GS.TS Phạm Quang Trung phát biểu khai mạc.

Nhấn mạnh, phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên Học viện Quản lý giáo dục ngày càng khởi sắc, tạo hiệu ứng tích cực và lan tỏa sâu rộng trong và ngoài Học viện; GS.TS Phạm Quang Trung tư vấn, trước mắt, các em hãy chọn những đề tài giản dị, gắn với vấn đề học tập và đời sống của sinh viên, chưa vội chọn những vấn đề “đao to, búa lớn”.

Các em cũng đừng quá cầu toàn nhưng cũng không nên tự ti. Hãy tự tin vào những bước đi, lựa chọn của mình. “Mỗi sinh viên cần xác định nghiên cứu khoa học là nhu cầu tất yếu và nhu cầu tự thân” - GS.TS Phạm Quang Trung bày tỏ.

Không thể tách rời công tác đào tạo

Năm học 2021-2022, đã có 2 đề tài của sinh viên đăng ký tham gia Cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ và đã đạt giải. Qua đây khẳng định chất lượng nghiên cứu khoa học của sinh viên Học viện Quản lý giáo dục ngày cao và đã có tên trong xếp hạng thành tích nghiên cứu khoa học của sinh viên trong các cơ sở đào tạo đại học.

Quan tâm đến phương pháp tự học học phần Triết học Mác - Lê Nin cho sinh viên đại học, nhóm sinh viên gồm: Phạm Văn Tuấn, Nguyễn Thị Hải Dương, Hoàng Thị Yên đã thực hiện nghiên cứu đề tài này dưới sự hướng dẫn của TS Trần Thị Thơm.

Sinh viên Phạm Văn Tuấn – đại diện nhóm nghiên cứu – chia sẻ, kết quả khảo sát cho thấy, sinh viên đã có nhận thức về vai trò của phương pháp tự học học phần Triết học Mác - Lê Nin.

Sinh viên Phạm Văn Tuấn trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu đề tài "Phương pháp tự học học phần Triết học Mác - Lê Nin cho sinh viên đại học".

Sinh viên Phạm Văn Tuấn trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu đề tài "Phương pháp tự học học phần Triết học Mác - Lê Nin cho sinh viên đại học".

Nhóm sinh viên đã chỉ ra một số phương pháp tự học như: Nghiên cứu tài liệu thông qua giáo trình, sách tham khảo, tài liệu điện tử; ghi chép bài giảng; Sơ đồ hóa hệ thống kiến thức (bản đồ tư duy).

Ngoài ra, sinh viên có thể tự học thông qua rèn luyện năng lực, phát triển tư duy, tương tác, hợp tác, tự kiểm tra, đánh giá và nghiên cứu thực tiễn giải quyết tình huống trên cơ sở vận dụng kiến thức, kỹ năng đã được học và học được.

TS Lê Thị Ngọc Thúy báo cáo kết quả chính về hoạt động khoa học công nghệ của sinh viên Học viện Quản lý giáo dục.

TS Lê Thị Ngọc Thúy báo cáo kết quả chính về hoạt động khoa học công nghệ của sinh viên Học viện Quản lý giáo dục.

Theo TS Lê Thị Ngọc Thúy – Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Hợp tác quốc tế và Tạp chí (Học viện Quản lý giáo dục), nghiên cứu khoa học của sinh viên là bộ phận của hoạt động nghiên cứu khoa học trong Học viện và không thể tách rời công tác đào tạo. Đây là một hoạt động tích hợp, quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Theo đó, các khoa có sinh viên thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học phù hợp với chuyên ngành được đào tạo. Có 13 đề tài nghiên cứu khoa học; trong đó Khoa Quản lý: 5 đề tài; Khoa Tâm lý - Giáo dục: 4 đề tài, Khoa Công nghệ thông tin và truyền thông: 4 đề tài. Trong đó, có 6 đề tài được đề xuất để xét ở Hội đồng cấp Học viện.

PGS.TS Trần Hữu Hoan - Phó Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục (thứ tư từ phải qua trái) và Hội đồng đánh giá cấp Học viện trao thưởng và Giấy khen cho những sinh viên có thành tích cao trong nghiên cứu khoa học.

PGS.TS Trần Hữu Hoan - Phó Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục (thứ tư từ phải qua trái) và Hội đồng đánh giá cấp Học viện trao thưởng và Giấy khen cho những sinh viên có thành tích cao trong nghiên cứu khoa học.

Kết quả thực hiện các đề tài của sinh viên cho thấy, các em đã có nhận thức đúng về nghiên cứu khoa học. Nhiều sinh viên đã hiểu và thực hiện tương đối tốt kỹ năng nghiên cứu như: đề xuất đề tài nghiên cứu, viết thuyết minh, báo cáo tổng kết đề tài khoa học, thuyết trình đề tài khoa học. Đây là những kỹ năng về học thuật mà sinh viên đạt được qua hoạt động khoa học công nghệ.

Trao đổi về một trong những định hướng hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên năm học 2023- 2024, TS Lê Thị Ngọc Thúy nhấn mạnh, cần hoàn thiện chính sách hỗ trợ giảng viên và sinh viên nghiên cứu khoa học như: cộng điểm thành tích học tập, gắn ý tưởng nhiệm vụ nghiên cứu với thực tập và khóa luận của sinh viên; quy đổi giờ hướng dẫn sang các nhiệm vụ khoa học khác của giảng viên, tạo điều kiện cho giảng viên và sinh viên phối hợp ý tưởng nghiên cứu khoa học với các nhiệm vụ học tập khác như: kiến tập, thực tập, khóa luận…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ