Phát huy năng lực tư duy sáng tạo của sinh viên thông qua nghiên cứu khoa học

GD&TĐ - Ngày 22/3, Đại học Thái Nguyên đã tổ chức khai mạc vòng chung khảo giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” năm 2023.

Đại học Thái Nguyên khai mạc vòng chung khảo giải thưởng ‘Sinh viên nghiên cứu khoa học’.
Đại học Thái Nguyên khai mạc vòng chung khảo giải thưởng ‘Sinh viên nghiên cứu khoa học’.

Tham dự chương trình có TS. Hoàng Hoa Cương, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN & Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo Sở KHCN tỉnh Thái Nguyên, Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên; Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Thái Nguyên. Về phía Đại học Thái Nguyên có GS. TS Phạm Hồng Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên; PGS. TS Trần Thanh Vân, Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên; đại diện lãnh đạo các Ban, trung tâm và các đơn vị trực thuộc Đại học Thái Nguyên; Bí thư đoàn thanh niên, Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Thái Nguyên.

Giải thưởng nhằm khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống, qua đó phát huy năng lực tư duy sáng tạo, khả năng làm việc độc lập, làm việc nhóm, thúc đẩy và bồi dưỡng tài năng khoa học trẻ trong Đại học Thái Nguyên. Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học đã thu hút sự tham gia đông đảo của sinh viên các trường đại học thành viên và giảng viên hướng dẫn Khoa học.

Phát biểu tại chương trình, GS.TS Phạm Hồng Quang, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên khẳng định: Nghiên cứu khoa học sinh viên cũng như mọi hoạt động nghiên cứu khoa học khác đều vô cùng nhọc nhằn và vất vả, nhưng cũng sẽ có niềm vui bởi chúng ta đã nỗ lực cống hiến và duy trì sự sáng tạo.

GS.TS Phạm Hồng Quang, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên phát biểu tại chương trình.

GS.TS Phạm Hồng Quang, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên phát biểu tại chương trình.

Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên mong muốn các bạn sinh viên sẽ tiếp tục nêu cao ý chí và khát vọng cống hiến bởi thành công của khoa học có thể là sản phẩm được nhìn thấy, có thể được tôn vinh, đạt nhiều giải thưởng nhưng sự thất bại hoặc chưa thành công cũng là một dạng thành công của nghiên cứu khoa học.

Chúng ta đang sống trong thời đại số nhưng sức sáng tạo thì không máy móc nào có thể thay thế được, mong rằng các nhà trường, ban chuyên môn hãy duy trì đảm bảo chất lượng sinh viên nghiên cứu khoa học, đặc biệt cùng nhau rà soát quy chế nghiên cứu khoa học của sinh viên gắn với quy chế đào tạo để có những sản phẩm NCKH tốt. Đồng thời, kêu gọi mỗi sinh viên hãy lan tỏa tinh thần NCKH và tăng cường sức phản biện.

Tại vòng chung kết, 6 sinh viên xuất sắc đã báo cáo, trình bày các đề tài về nội dung: Nghiên cứu tổng hợp xanh nano ZnO doping Cu và đánh giá một số khả năng ứng dụng; Chế tạo than hoạt tính từ vỏ sầu riêng và nghiên cứu hấp phụ Methylene Blue trong môi trường nước của than hoạt tính chế tạo được; Xây dựng câu hỏi phát triển năng lực tư duy phản biện trong dạy học đọc hiểu văn bản văn học qua mô hình lập luận S.Toulmin.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại chương trình.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại chương trình.

Xác định mức đánh giá sẵn lòng chi trả cho việc giảm sử dụng túi nilong chấp nhận chuyển sang túi tái sử dụng: nghiên cứu trường hợp sinh viên trường ĐH KT-QTKD Thái Nguyên; Xây dựng phần mềm tính toán ma trận; Hội tụ của chuỗi con của chuỗi điều hoà và ứng dụng.

Dựa trên các tiêu chí: thời gian, nội dung, cấu trúc của bài thuyết trình, cách diễn đạt, ngôn ngữ, công cụ hỗ trợ và phần trả lời câu hỏi, Ban giám khảo sẽ chấm điểm và lựa chọn những đề tài xuất sắc nhất trao giải thưởng.

Những năm qua, hoạt động Nghiên cứu khoa học của sinh viên Đại học Thái Nguyên đã tăng lên cả về quy mô và chất lượng. Cụ thể, năm 2020, số lượng nhiệm vụ khoa học Công nghệ do sinh viên Đại học Thái Nguyên đã thực hiện là 324 đề tài với tổng kinh phí trên 1.360 triệu đồng. Đến năm 2022, tổng số đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên đã tăng lên 661 đề tài với tổng kinh phí 2.513,5 triệu đồng. Trong đó, các lĩnh vực nghiên cứu tập trung vào Tự nhiên - Kỹ thuật chiếm 49,5%; lĩnh vực Xã hội nhân văn chiếm 26,1%; Nông - Lâm nghiệp là 15,1% và Y - Dược chiếm 9,2%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ