Điện Biên: Dự án dừng, dân khóc rưng rưng vì… mắc sổ đỏ

GD&TĐ - Sau hơn 15 năm “sống mòn” theo dự án “treo”, nay chính quyền cho dừng, trả lại đất, thì hàng chục hộ dân lại gặp phải vướng mắc liên quan đến sổ đỏ.

Do nhà ở mặt đường ven Quốc lộ 279 nên nghĩa vụ tài chính phải nộp cao, khiến nhiều gia đình gặp khó.
Do nhà ở mặt đường ven Quốc lộ 279 nên nghĩa vụ tài chính phải nộp cao, khiến nhiều gia đình gặp khó.

Nhiều người chỉ biết khóc trước những éo le không phải do lỗi của mình.

Hơn 15 năm “sống mòn”

Năm 2005, khi nhận được thông tin tỉnh Điện Biên sẽ thu hồi đất để triển khai dự án Bến xe khách, gia đình bà Vũ Thị Liên, tổ 1, xã Thanh Minh (thành phố Điện Biên Phủ) đã sốt sắng chuẩn bị di dời. Thế nhưng, hơn 15 năm đằng đẵng bà Liên và gia đình phải “sống mòn” theo dự án “treo”.

Trong căn nhà cấp 4 chật hẹp, bà Liên than thở: “Vì thuộc quy hoạch làm dự án nên chúng tôi không được làm gì trên đất. Thỉnh thoảng họ lại đến kiểm tra, đo đạc nhưng rồi chẳng thấy triển khai. Chờ mãi hơn chục năm trời, tôi mù lòa đi rồi, chồng tôi cũng mất. Chỉ thương các con lấy vợ, lấy chồng mà không thể chia đất, chúng nó phải đi nơi khác thuê nhà để ở, làm ăn”.

Éo le hơn hoàn cảnh bà Liên, suốt những năm qua 8 mẹ con bà Hoàng Thị Hiên phải sống tạm bợ trong căn nhà vách đất, xiêu vẹo. Mong mỏi dự án từ khi mái tóc còn xanh, ngôi nhà còn vững chắc. Đến giờ đầu đã bạc trắng, ngôi nhà sập lên xuống tới 4 – 5 lần mà khát khao một cuộc sống an cư đúng nghĩa vẫn rất mơ hồ.

“Họ cứ bảo làm rồi chẳng thấy đâu. Đất của mình đấy mà hơn chục năm qua không làm được gì. Muốn bán vợi một phần đất để lấy tiền dựng lại nhà cho con mà không được. Cứ sống tạm bợ thế này hết đời tôi, rồi con tôi, khổ cực lắm!”, bà Hiên bộc bạch.

Còn đối với gia đình bà Nguyễn Thị Dung, vì căn nhà nằm ở vị trí thấp nên mùa mưa năm nào cũng ngập lụt. Mỗi lần nhắc đến dự án bến xe là bà Dung lại bức xúc: “Cứ mưa xuống là nước khắp nơi lại tràn về ngập ngang nhà. Nhiều lần nửa đêm phải chạy đi hô hào thanh niên trong xóm cứu giúp, di chuyển đồ lên cao. Khổ vậy nhưng chẳng biết kêu ai”.

Ông Nguyễn Văn Huynh, Tổ trưởng tổ dân phố 1 cho biết: Phố có hơn 90 hộ thuộc diện phải giải tỏa để phục vụ dự án này. Mặc dù hoàn toàn nhất trí với chủ trương của tỉnh, nhưng vì dự án “treo” quá lâu đã ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống, sinh hoạt của nhiều gia đình ở đây.

Đất không thể bán, cũng không được phép sang nhượng, cơi nới, nâng cấp, san nền… khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh ở lại thì khổ, mà đi cũng không đành hoặc không đủ điều kiện để di chuyển.

“Có gia đình ở đến 3 – 4 thế hệ trong căn nhà chật hẹp. Cũng có nhiều gia đình phải bỏ nhà, bỏ cửa đi nơi khác thuê nhà để sinh sống, làm ăn. Ở đây gọi là phố, nhưng nhiều nhà bỏ không, cây cỏ mọc um tùm như đất hoang vậy”, ông Huynh nói.

Sau hơn 15 năm chờ đợi, giờ đây bà Vũ Thị Liên đã mù lòa, chồng bà cũng mất mà chưa thể chia đất cho con.
Sau hơn 15 năm chờ đợi, giờ đây bà Vũ Thị Liên đã mù lòa, chồng bà cũng mất mà chưa thể chia đất cho con.

Dự án dừng, dân khóc rưng rưng

Dự án Bến xe khách tại xã Thanh Minh có chủ trương từ năm 2005, song đến năm 2009 mới được UBND tỉnh chấp thuận tại Văn bản số 122/UBND-TH. Dự kiến có 22.120m2 đất của người dân tổ 1 phải thu hồi để triển khai dự án, và 5.680m2 đất phục vụ tái định cư cho các hộ dân thuộc diện đền bù và giải phóng mặt bằng.

Sau 11 năm “giậm chân tại chỗ” ở giai đoạn hoàn thiện hồ sơ đề xuất, ngày 29/4/2021, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định số 630/QĐ-UBND, đồng loạt bãi bỏ 3 quyết định liên quan trước đó, cùng ban hành trong ngày 16/4/2009.

Cụ thể là các Quyết định số: 529/QĐ-UBND về việc thu hồi đất tại địa bàn xã Thanh Minh; 530/QĐ-UBND về việc giao đất cho UBND thành phố Điện Biên Phủ để xây dựng khu tái định cư tại địa bàn xã Thanh Minh và 531/QĐ-UBND về việc cho phép Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6 Điện Biên thuê đất để xây dựng bến xe khách tại xã Thanh Minh.

Ngay sau đó, UBND thành phố Điện Biên Phủ tiếp tục ban hành các quyết định bãi bỏ quyết định thu hồi đất làm bến xe đối với từng hộ dân tại tổ dân phố 1. Cũng như nhiều hộ dân khác, bà Bùi Thị Thắng nhận quyết định trong sự bất ngờ và ngỡ ngàng.

Để đảm bảo quyền lợi cho các con, bà tạm gác chuyện cũ, tập trung chia đất và tiến hành các thủ tục đăng ký làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Sau những khấp khởi và nhiều lần chạy tới, chạy lui, bà Thắng vẫn chưa thể hoàn thiện hồ sơ do phải đo đạc lại hiện trạng đất.

Mặt khác, do nhà ở mặt đường ven Quốc lộ 279 nên nghĩa vụ tài chính phải nộp cao hơn nhiều so với các hộ ở dãy 2, 3, khiến bà Thắng gặp khó. Không những vậy, theo bà Thắng cho biết thành phố chỉ đồng ý cho đăng ký làm 1 giấy chứng nhận, còn việc chia đất cho con thì phải tiến hành sau.

“Hiện nay, tôi rất mơ hồ trong việc thực hiện các quy trình, thủ tục để được cấp sổ đỏ. Chúng tôi cũng cần một lời giải thích của chính quyền, các phòng ban liên quan về các nội dung liên quan đến dự án, những thiệt thòi mà người dân phải chịu đựng trong hơn chục năm qua”, bà Thắng giãi bày.

Theo ông Tổ trưởng Nguyễn Văn Huynh thì vừa qua, người dân tổ 1 đã tiếp tục có kiến nghị lên Kỳ họp HĐND thành phố, bày tỏ mong muốn được xem xét, tạo điều kiện và có phương án nào đó chia sẻ, hỗ trợ người dân để hoàn tất sổ đỏ.

“Trăn trở chung của nhiều hộ dân tổ 1 hiện nay là mức phí để làm thủ tục cấp sổ đỏ quá cao, vượt quá khả năng tài chính. Nếu không vì vướng dự án, nhiều gia đình đã hoàn thiện sổ đỏ từ cách đây hàng chục năm, với mức phí thấp hơn. Phần trượt giá này không phải do lỗi chủ quan của người dân”, ông Huynh cho hay.

Mặc dù nằm trong thành phố, nhưng tại tổ dân phố 1 có nhiều nhà bỏ không, cây cỏ mọc um tùm như đất hoang.
Mặc dù nằm trong thành phố, nhưng tại tổ dân phố 1 có nhiều nhà bỏ không, cây cỏ mọc um tùm như đất hoang.
Nhiều năm qua, 8 mẹ con bà Hoàng Thị Hiên phải sống tạm bợ trong căn nhà vách đất, xiêu vẹo.
Nhiều năm qua, 8 mẹ con bà Hoàng Thị Hiên phải sống tạm bợ trong căn nhà vách đất, xiêu vẹo.

Chưa thể “an cư lạc nghiệp”

Theo chia sẻ của cán bộ địa chính xã Thanh Minh, đến cuối tháng 11, tổ dân phố 1 có khoảng 10 hộ đang triển khai đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính chính quy. Song chưa có hộ nào nộp đầy đủ 1 bộ hồ sơ về UBND xã. Nguyên nhân là do, các hộ đang phân vân về mức chênh lệch quá cao giữa bảng giá đất hiện tại và bảng giá trước khi có quyết định thu hồi đất, kéo theo mức thu phí sử dụng đất phải nộp chênh lệch cao.

Còn theo ông Nguyễn Đình Hiệp, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Điện Biên Phủ thì hiện nay, các hộ dân này đủ điều kiện để được cấp sổ đỏ. Tuy nhiên, về luật không có quy định nào hỗ trợ công dân các khoản phí khi đăng ký cấp sổ đỏ. Công dân đăng ký tại thời điểm nào thì phải thực hiện nghĩa vụ tài chính (nếu có) theo quy định của pháp luật tại thời điểm đó.

“Nếu trước đây công dân đã tiến hành đo đạc bản đồ địa chính chính quy và ranh giới, mốc giới mà đến nay không có gì thay đổi thì kết quả đo đạc tiếp tục được sử dụng. Nhưng nếu có sự thay đổi thì phải tiến hành đo đạc chỉnh lý, còn trường hợp chưa đo thì phải tiến hành đo thì mới đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận”, ông Hiệp cho biết thêm.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Trung Kiên, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị (thành phố Điện Biên Phủ) cho biết: Do dự án kéo dài và vướng mắc về hành lang pháp lý nên UBND tỉnh đã có Quyết định số 630/QĐ-UBND (dừng triển khai). Nhưng theo quy hoạch chung của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì khu vực tổ dân phố 1, xã Thanh Minh vẫn được quy hoạch để đầu tư xây dựng bến xe khách.

“Dự án bị dừng triển khai nhưng không đồng nghĩa quy hoạch của thành phố bị hủy bỏ. Vì thế, trong thời gian tới nếu có doanh nghiệp đề xuất đầu tư dự án bến xe tại khu vực này mà được UBND tỉnh chấp thuận thì dự án vẫn được triển khai bình thường”, ông Kiên cho hay.

Dự án dừng, nhưng quy hoạch vẫn còn. Tuy nhiên, không ai biết đến khi nào mới có nhà đầu tư “rót vốn” để dự án được tiếp tục triển khai. Chỉ có thực tế rõ ràng, là cho đến khi nào chưa cầm được tấm sổ đỏ trên tay thì hàng chục hộ dân nằm trong vùng quy hoạch vẫn chưa thể yên tâm để “an cư lạc nghiệp”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Diệu kỳ Điện Biên

GD&TĐ - Có thể nói trong chiến dịch Điện Biên Phủ, những đường chiến hào vây, đánh lấn đã trở thành kỳ tích huyền thoại.