Hải Dương: Đất đang tranh chấp vẫn được UBND huyện Nam Sách cấp “sổ đỏ”

GD&TĐ - Mặc dù các bên đang xảy ra khiếu kiện, tranh chấp nhưng UBND huyện Nam Sách (tỉnh Hải Dương) vẫn tiến hành cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một người khác.

Mảnh đất mà gia đình ông Nguyễn Bá Cao đang xảy ra tranh chấp, khiếu kiện nhưng vẫn được UBND huyện Nam Sách cấp "sổ đỏ" cho người khác.
Mảnh đất mà gia đình ông Nguyễn Bá Cao đang xảy ra tranh chấp, khiếu kiện nhưng vẫn được UBND huyện Nam Sách cấp "sổ đỏ" cho người khác.

Đất đang tranh chấp, vẫn cấp “sổ đỏ”

Báo GD&TĐ nhận được đơn kêu cứu của ông Nguyễn Bá Cao (trụ tại xã An Sơn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) về việc mảnh đất mà gia đình ông đang xảy ra tranh chấp đã được UBND huyện Nam Sách cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho một người khác khiến gia đình vô cùng bức xúc.

Nội dung đơn ông Cao cho biết, sau khi bố mẹ ông là ông Nguyễn Bá Trạm và bà Vương Thị Đàn cưới nhau đã được ông bà nội để lại cho một mảnh đất. Năm 1997, UBND xã An Sơn và đại diện gia đình là bố ông thống nhất hoán đổi diện tích đất do ông cha để lại (ở khu Đình) sang khu vực sân kho tại thửa đất số 246, tờ bản đồ số 17, bản đồ địa chính xã An Sơn, diện tích 256m2 để thực hiện việc xây dựng nhà trẻ của thôn An Giới.

Sau khi hoàn thiện thủ tục hoán đổi đất, bố ông Cao đã giao thửa đất mới được nhận cho vợ và các con quản lý, sử dụng. Không lâu sau, tình cảm gia đình rạn nứt, bố ông Cao chuyển đi nơi khác sinh sống.

Khoảng năm 2016, bố ông Cao trở về đòi làm GCNQSDĐ mang tên riêng cá nhân, dẫn đến việc tranh chấp quyền sử dụng đất. “Trong thời gian này, gia đình tôi đã nhiều lần gửi đơn lên UBND xã An Sơn đề nghị làm thủ tục cấp GCNQSDĐ, nhưng xã trả lời đất đang tranh chấp không giải quyết”, ông Cao cho biết.

Biên bản đổi đất giữa chính quyền và gia đình ông Trạm năm 1997.
Biên bản đổi đất giữa chính quyền và gia đình ông Trạm năm 1997.

Do lo ngại ông Trạm sẽ tìm cách làm GCNQSDĐ cho riêng mình, vì vậy gia đìnhđã tiến hành viết đơn “Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền không làm các thủ tục sang tên GCNQSDĐ cho ông Nguyễn Bá Trạm đối với thửa đất tại sân kho”. Thậm chí, ngày 8/5/2019, ông Lê Quang Thụ - Chủ tịch UBND huyện Nam Sách có Văn bản số 266/UBND – BTCD giao cho Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, rà soát, theo dõi nội dung đơn.

Thế nhưng, không lâu sau văn bản của ông Chủ tịch UBND huyện Nam Sách, gia đình ông Cao bất ngờ nhận được thông tin, phần đất mà ông Trạm đứng tên từ năm 1997 lại được UBND huyện Nam Sách làm thủ tục cấp GCNQSDĐ cho bà Nguyễn Thị Châm - em gái ông Trạm (cô ruột ông Cao).

“Nhận thấy điều này là bất hợp lý, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của gia đình nên tôi đã nhiều lần kiến nghị tới cơ quan chức năng huyện Nam Sách đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đã cấp cho bà Châm. Nhưng UBND huyện vẫn sang tên cho bà Châm để bà Châm bán lại và sang tên cho người khác, bỏ mặc sự  phản đối, kiến nghị của gia đình tôi vì đất ông cha để lại cho bố mẹ tôi chứ không phải cho bà Châm”, ông Cao nói.

Thanh tra vào cuộc

Sau nhiều lần gia đình ông Cao làm đơn kiến nghị gửi UBND huyện Nam Sách, ngày 4/11/2019, UBND huyện này đã có văn bản trả số 866/UBND-TNMT với nội dung: Cụ Nguyễn Bá Khắc và cụ Nguyễn Thị Trực là bố mẹ đẻ của bà Nguyễn Thị Châm. Cụ Khắc và cụ Trực có mảnh đất ông cha để lại ở thôn An Giới xã An Sơn, theo hồ sơ 299 là thửa đất  số 186, tờ bản đồ số 08 diện tích 256m2 loại đất “A”.

Hồ sơ đo đạc năm 1993  bà Châm đăng ký sử dụng tại thửa đất số 308, tờ bản đồ số 4 diện tích 175 m2 loại đất “A”. Năm 1997 thôn An Giới đã thỏa thuận với các anh chị em của bà Châm để đổi một phần diện tích đất sân kho cũ (thuộc thửa số 68, tờ bản đồ số 3, năm 1993) lấy thử số 308 tờ bản đồ số 4 (bản đồ địa chính xã An Sơn năm 1993) nêu trên làm nhà trẻ (việc đổi đất được thể hiện tại biên bản lập ngày 26/4/1997).

Ngày 8/7/2013, các con cháu cụ Khắc và cụ Trực họp gia đình và có văn bản chia tài sản chung của bố mẹ để lại. Trong đó thống nhất “thửa đất 308 tờ bản đồ số 4 thôn An Giới đổi sang thửa tại sân kho (diện tích 256m2) được chia cho bà Nguyễn Thị Châm được toàn quyền sang tên trước bạ, sở hữu, quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật.

Theo kết quả xác minh với ông Nguyễn Bá Trạm cùng các anh chị em ruột của bà Châm hiện còn sống đều khẳng định trước năm 1993, cụ Trực cùng các con đẻ đã cho bà Nguyễn Thị Châm thửa đất nêu trên, hiện nay các ông bà không tranh chấp và nhất trí với việc UBND huyện đã cấp GCNQSDĐ cho bà Nguyễn Thị Châm.

Khu đất mà gia đình ông Trạm đổi cho chính quyền để xây nhà trẻ từ năm 1997.

Khu đất mà gia đình ông Trạm đổi cho chính quyền để xây nhà trẻ từ năm 1997.

Nói về văn bản trả lời của huyện Nam Sách, bà Đàn (mẹ ông Cao) uất nghẹn: “Nếu biết chính quyền xử lý thế này, tôi và gia đình cũng chẳng cần đơn từ làm gì cho mệt. Rõ ràng đất của gia đình tôi đang tranh chấp. Lãnh đạo hứa hẹn cứ về đi đất tranh chấp không thể làm sổ đỏ, ấy thế mà đùng cái người ta làm giấy cho bà Châm rồi sau đó còn làm giấy tờ cho bà Châm bán thửa đất của chúng tôi cho người khác”.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Vương Đình Chung, nguyên Trưởng thôn An Giới khẳng định: “Tôi làm Trưởng thôn này từ năm 1996 đến năm 2000, tôi khẳng định UBND xã chỉ đổi đất với gia đình ông Trạm. Và chữ ký những người có trong biên bản đổi đất giữa UBND xã An Sơn và gia đình ông Trạm lập ngày 26/4/1997 là hoàn toàn chính xác.

Còn bà Châm chúng tôi không hề làm việc. Nếu như năm 1993 đất giao cho bà Châm thì chúng tôi phải làm việc với bà Châm chứ không phải gia đình ông Trạm. Thử hỏi nếu đất đã giao cho bà Châm thì thời điểm làm việc đổi đất cho gia đình ông Trạm tại sao bà Châm không có ý kiến gì?”.

Liên quan đến sự việc nêu trên, thông tin với Báo GD&TĐ, UBND xã An Sơn cho rằng: “Năm 1997, ông Nguyễn Bá Trạm đại diện cho anh, chị, em (gồm bà Khánh, bà Châm, bà Lánh, bà Khương) ký vào đơn đổi đất. Hồ sơ UBND xã quản lý là Bản đồ, sổ mục kê mang tên bà Nguyễn Thị Châm. Các anh, chị, em ông Nguyễn Bá Trạm cùng dự họp trên UBND xã đã thống nhất và nhất trí trí cấp GCN cho bà Nguyễn Thị Châm. Sau khi bà Nguyễn Thị Châm được cấp GCN QSD đất bà Châm đã chuyển nhượng cho ông Đinh Ngọc Nghi”.

Để làm rõ sự việc, phóng viên Báo GD&TĐ đã liên hệ với UBND huyện Nam Sách, tuy nhiên ông Trần Quyết Thắng – Chánh Văn phòng UBND huyện Nam Sách cho biết: “Thanh tra huyện đang làm việc rồi nên chú cứ an tâm sẽ trả lời bằng văn bản. Thanh tra huyện đang xử lý và làm việc với các phòng ban liên quan rồi. Làm việc bao giờ cũng phải có quy trình, khi có kết quả sẽ trả lời cho PV sau”.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.