Sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình xã hội hóa biên soạn SGK lớp 1

GD&TĐ - Cử tri thành phố Đà Nẵng phản ánh, năm học 2020 - 2021 số lượng đầu sách giáo khoa, sách tham khảo đối với học sinh lớp 1 nhiều.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Hàng ngày, mỗi học sinh lớp 1 phải mang trên vai khối lượng sách, vở, đồ dùng học tập lớn so với trọng lượng cơ thể, ảnh hưởng đến sức khỏe. Cử tri đề nghị Bộ GD&ĐT có giải pháp để sớm khắc phục tình trạng này.

Bộ GD&ĐT cho biết: Thực hiện yêu cầu Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội và Quyết định số 404/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT), Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 32/2018/TT-BGD&ĐT về Chương trình giáo dục phổ thông (Chương trình GDPT mới), khi xây dựng chương trình, Bộ GD&ĐT đã đặc biệt chú ý thực hiện việc giảm tải trong chương trình để tăng tính trải nghiệm thực hành.

Cụ thể chương trình giáo dục cấp tiểu học theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ của học sinh tiểu học; nhằm tạo sự thuận lợi cho việc dạy học của giáo viên, học của học sinh và quản lý, đánh giá chất lượng giáo dục của các đơn vị, cơ sở giáo dục.

Triển khai Chương trình GDPT mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa của 9 môn học có ở lớp 1; số lượng các đầu sách SGK là 9 đầu sách/bộ/9 môn học.

Tất cả SGK được Bộ GD&ĐT phê duyệt đều được các nhà trường tổ chức cho giáo viên, tổ bộ môn nghiên cứu đề xuất, thành lập hội đồng đánh giá và quyết định lựa chọn phù hợp với điều kiện thực hiện tại trường. Điều này cho thấy, thành công bước đầu của chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK, ngăn ngừa sự độc quyền trong xuất bản, phát hành SGK.

Theo quy định, SGK được sử dụng chính thức để tổ chức dạy và học trong nhà trường. Ngoài ra, các nhà xuất bản còn xuất bản, phát hành các sách tham khảo để giáo viên, học sinh tham khảo, sử dụng (không bắt buộc).

Để quản lý, sử dụng sách tham khảo đúng mục tiêu giáo dục, bảo đảm hiệu quả, không gây áp lực, quá tải đối với học sinh, Bộ GD&ĐT đã có quy định giáo viên không được sử dụng sách tham khảo để dạy học và kiểm tra, đánh giá vượt quá yêu cầu của chương trình; không được “ép” học sinh mua sách tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào.

Bộ GD&ĐT tiếp thu và trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, giáo viên và cử tri cả nước đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu, chỉ ra những nội dung chưa phù hợp trong SGK và mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý để SGK ngày càng hoàn thiện, góp phần triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới.

Thực hiện Nghị quyết số 122/2020/QH14 của Quốc hội, tới đây Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình xã hội hóa việc biên soạn, phát hành SGK lớp 1.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.