Phê duyệt 3 bộ SGK
Ngày 1/6, bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum cho biết, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt danh mục SGK lớp 2 và lớp 6 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh năm học 2021-2022.
Cụ thể, cả 3 bộ SGK được Bộ GD&ĐT phê duyệt đều có đầu sách được tỉnh Kon Tum lựa chọn.
Theo Sở GD&ĐT Kon Tum, sau khi UBND tỉnh ban hành danh mục SGK, các trường không có sách trong danh mục đã tiến hành lựa chọn lại. Qua đó, các trường chọn lại bộ SGK có trong danh mục UBND tỉnh đã ban hành và báo về phòng chuyên môn thống kê, tổng hợp. Danh mục SGK được chọn phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất của các trường học. Bên cạnh đó, thuận lợi trong quá trình sinh hoạt chuyên môn qua lại giữa các trường.
Cũng theo bà Trung, đối với tài liệu GD địa phương lớp 6, Ban biên soạn đã tiến hành dạy thực nghiệm ở vùng thuận lợi và khó khăn. Qua đó, đánh giá vướng mắc ở từng vùng để thay đổi cho phù hợp với học sinh trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, mục đích Ban biên soạn hướng đến là giúp các em học sinh nhận biết được các giá trị lịch sử, văn hoá truyền thống của địa phương. Bên cạnh đó, các em có thể nắm bắt được điều kiện tự nhiên, xã hội… ở Kon Tum giúp tăng cường tính thực tiễn.
Cô Phan Thị Đông, Hiệu trưởng trường TH Lê Hồng Phong (TP Kon Tum) cho hay, năm học 2020-2021 giáo viên và các bậc phụ huynh đã làm quen với chương trình SGK lớp 1. Do đó, trong năm học sắp tới nhà trường và phụ huynh không còn bỡ ngỡ, khó khăn khi thay đổi SGK lớp 2.
Cũng theo cô Đông, SGK lớp 2 mà nhà trường chọn nằm trong danh mục SGK mà UBND tỉnh phê duyệt.
Cô Đông cho biết, trường nằm trên địa bàn thuận lợi nên các em học sinh đều có điều kiện để mua SGK mới. Tuy nhiên, nhà trường vẫn quan tâm, nắm bắt hoàn cảnh của học sinh, nếu có em nào khó khăn sẽ kịp thời hỗ trợ.
"Để đảm bảo an toàn trong điều kiện dịch bệnh, nhà trường yêu cầu phụ huynh khi đến trường nộp hồ sơ cho con em mình phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách. Bên cạnh đó, đơn vị sắp xếp thời gian nộp hồ sơ tuyển sinh vào lớp 1 theo từng tổ, tránh tình trạng tập trung đông người", cô Đông cho hay.
Còn thầy Nguyễn Thành Long, Hiệu trưởng trường PTDT BT tiểu học Lý Thường Kiệt (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy) cho biết, năm học 2021-2022 nhà trường có khoảng hơn 80 học sinh vào lớp 2. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 23 em có chế độ hộ nghèo được cấp SGK, đơn vị đã lập danh sách gửi lên Phòng GD&ĐT. Ngoài ra, có khoảng 20 gia đình đủ điều kiện để mua SGK cho con em mình.
“Trường thuộc diện vùng sâu, vùng xa các em học sinh đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số nên hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Do đó, việc mua SGK mới đối với gia đình các em dường như không thể. Chính vì vậy nhà trường đang cố gắng kêu gọi sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm để tất cả học sinh đều có sách khi đến trường”, thầy Long chia sẻ.
Giáo viên góp tiền mua SGK cho học sinh khó khăn
Thầy Hồ Quốc Tuấn, Hiệu trưởng trường THCS Ngọc Tụ (huyện Đăk Tô, Kon Tum) cho biết, đối với chương trình SGK lớp 6, nhà trường đã triển khai và chỉ đạo các tổ chuyên môn tổ chức lựa chọn, đề xuất danh mục sách.
Theo thầy Tuấn, những đầu SGK mà nhà trường chọn đều nằm trong danh mục SGK mà UBND tỉnh phê duyệt sẽ sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh năm học 2021-2022. Do đó, nhà trường đang tổng hợp lại số lượng đăng kí SGK để báo lên Phòng GD&ĐT.
Cũng theo thầy Tuấn, nhà trường đã phổ biến cho tất cả giáo viên và trực tiếp xuống thôn, làng để tuyên truyền cho phụ huynh học sinh về việc thay đổi SGK mới. Bên cạnh đó, trong quá trình tuyển sinh vào lớp 6, nhà trường sẽ nắm bắt hoàn cảnh gia đình của các em học sinh. Đối với những em khó khăn, không có điều kiện để mua SGK mới, nhà trường sẽ kêu gọi, huy động các mạnh thường quân để các em có đủ sách đến trường.