Điểm ưu tiên: Vấn đề xã hội

 Mấy ngày qua, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến việc cộng điểm ưu tiên trong xét tuyển đại học sau khi các trường đồng loạt công bố điểm chuẩn xét tuyển. Tựu trung, có hai luồng dư luận trái chiều: bỏ hay không bỏ quy định cộng điểm ưu tiên.

Điểm ưu tiên: Vấn đề xã hội

Phía đề nghị bỏ thì cho rằng điểm ưu tiên quá cao như hiện nay đã vô tình gạt đi nhiều thí sinh giỏi để nhường chỗ cho thí sinh ít điểm hơn nhưng nhờ có điểm ưu tiên mà thành đậu.

Theo phân tích của luồng ý kiến này, năm nay điểm thi đại học cao hơn mọi năm nên tuy điểm phân bố đều trên phổ điểm nhưng khi thí sinh có điểm cao cùng đổ dồn về một số trường, ngành tốp trên đã dẫn đến tình trạng cạnh tranh quyết liệt.

Trên thực tế đã có nơi điểm chuẩn lấy vào gần hoặc bằng điểm tuyệt đối 30 điểm. Trong điều kiện ấy, số thí sinh có điểm ưu tiên có lợi thế hơn. Không ít thí sinh giỏi không có điểm ưu tiên phải ngậm quả đắng. Trong khi nguồn nhân lực đang rất thiếu người giỏi mà lại để nhiều thí sinh giỏi bị rớt oan là điều lãng phí. Do đó, việc thay đổi quy định cộng điểm ưu tiên là cần thiết và cấp bách.

Tuy nhiên, các ý kiến đề nghị giữ lại điểm ưu tiên cũng không phải không có lý. Đất nước ta hiện còn nhiều vùng miền mà trình độ phát triển kinh tế, xã hội rất chênh lệch nhau. Để kéo giảm khoảng cách kinh tế, xã hội vùng miền thì cần phải phân bố lực lượng lao động sao cho hợp lý.

Trên thực tế, việc phân công, bổ nhiệm người có trình độ cao đến các vùng miền kém phát triển rất ít người chịu đi. Để khuyến khích người giỏi đi về nông thôn, miền núi, nhiều địa phương đã ban hành một số chủ trương, chính sách hấp dẫn như thưởng tiền, tặng nhà, trả lương cao… nhưng hình như vẫn chưa thành công là mấy.

Trước thực tế đó, chủ trương ưu tiên dùng người tại chỗ ra đời. Đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương nghèo xem vậy là một chính sách phù hợp. Việc cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh là một hình thức thực hiện chính sách ấy.

Việc đào tạo và phân bố nguồn nhân lực sao cho hợp lý là vấn đề khó của nhiều nước. Tùy hoàn cảnh kinh kế, xã hội và quan điểm mà mỗi nước có cách thực hiện khác nhau.

Vừa qua, có khá nhiều ý kiến đề xuất với Bộ GD&ĐT nên ưu tiên chọn người giỏi trong xét tuyển đại học như các nước có nền kinh tế phát triển đang làm. Thật ra, việc chọn người giỏi không phải là vấn đề quá khó: Chúng ta có thể nâng độ khó của kỳ thi lên hoặc đặt thêm các tiêu chí phụ… chẳng hạn viết bài luận, phỏng vấn… Ở các nước phát triển, nền kinh tế đồng đều giữa các vùng miền nên thường chọn cách làm này.

Còn ở Việt Nam, nguồn nhân lực vừa thiếu vừa yếu, lại phân bố không đồng đều. Một nghiên cứu cho thấy đến năm 2006, đội ngũ trí thức (từ cử nhân trở lên) của cả nước có khoảng 2,4 triệu người. Tỉ lệ phân bố lại không đều giữa các vùng lãnh thổ. Nơi làm việc của đội ngũ này phần lớn là ở các thành phố lớn, vùng đồng bằng; còn ở vùng sâu, vùng xa, tỉ lệ không quá 9%.

Những năm qua, cả nước nói chung đang tập trung đẩy mạnh nâng chất lượng nguồn nhân lực, bên cạnh đó chú trọng phát triển nhanh nhân lực tại chỗ. Việc quy hoạch các trường đại học vừa qua cũng nhằm phục vụ mục tiêu đó.

Nhờ các nỗ lực trên, tính đến quý I-2017, lao động có trình độ đại học trở lên của cả nước trên 5,1 triệu người; trong đó ở thành thị là 3,5 triệu người (68,6%), nông thôn là 1,6 triệu người (31,4%) (số liệu Tổng cục thống kê quý I-2017). Như vậy, số người có trình độ đại học ở nông thôn so với thành phố từ 9% sau hơn 10 năm đã lên 31,4%, tăng 3 lần rưỡi. Đó là con số đáng khích lệ.

Chỉ có một nguồn nhân lực chất lượng cao mới có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực. Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần tuyên bố như thế. Việc cân nhắc điều chỉnh điểm ưu tiên đồng thời nâng độ khó kỳ thi cao hơn để chọn đúng người giỏi không chỉ lệ thuộc vào Bộ GD&ĐT mà còn có sự thống nhất của các bộ, ngành liên quan, vì đây không đơn thuần là việc điều chỉnh kỹ thuật mà là một vấn đề xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ