Chỗ dựa cho học sinh vùng khó
Thầy Lê Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lý 1 (Mường Lát, Thanh Hóa) trao đổi: Nhiều năm qua việc duy trì, củng cố tủ sách dùng chung được xem như “điểm tựa” giúp phụ huynh yên tâm đưa trẻ tới trường đầu năm học mới, thầy trò không phải học chay, dạy chay. Đặc biệt, 100% học sinh đều thuộc con em đồng bào dân tộc, hoàn cảnh khó khăn, chưa được hưởng chế độ hỗ trợ đồ dùng học tập… việc mua sách giáo khoa đầu năm học vẫn là nỗi lo của nhiều phụ huynh.
Hơn thế, học sinh của trường phân bố đều trên 8 điểm lẻ, địa hình đồi núi, khoảng cách tới trung tâm huyện, xã có khi cách xa 100km, việc mua sách giáo khoa không dễ dàng. Đa phần sách giáo khoa cho học sinh vẫn trông cậy vào nhà trường, thầy cô.
Theo thầy Tùng, nguồn sách để duy trì tủ sách nhiều năm qua được trường triển khai theo hình thức huy động từ giáo viên, gia đình học sinh cuối năm học, các tổ chức từ thiện. Giáo viên về nghỉ hè đồng thời làm nhiệm vụ huy động sách giáo khoa cũ từ gia đình, bạn bè, người thân để bổ sung vào tủ sách. Đầu năm học mới, ban giám hiệu sẽ giao sách cho học sinh thuộc diện nghèo, khó khăn. Giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm nhắc nhở trò bảo quản hàng ngày, cuối năm thu lại.
“Năm học tới, nếu địa phương triển khai Nghị định 81/2021 của Chính phủ, học sinh sẽ được cấp phát sách giáo khoa. Song trường vẫn lên kế hoạch để đảm bảo nguồn sách giáo khoa cũ cho học sinh khi bước vào năm học. Đặc biệt, để có sách giáo khoa của các khối 1, 2, 3 theo Chương trình GDPT 2018 vẫn đòi hỏi sự chung tay của giáo viên, phụ huynh, các tổ chức xã hội...”, thầy Tùng chia sẻ.
Gần 100% học sinh của Trường Tiểu học và THCS Hầu Thào (Sa Pa, Lào Cai) thuộc diện được hỗ trợ đồ dùng học tập nhưng thầy cô vẫn duy trì tủ sách dùng chung trong quá trình triển khai CT, SGK mới. Theo thầy Liễu Tiến Sơn, Hiệu trưởng nhà trường, quá trình sử dụng khó tránh khỏi trường hợp làm hỏng, mất, bôi bẩn… nên vẫn cần một lượng sách giáo khoa dự phòng hỗ trợ các em học tập.
Hiện nhà trường duy trì xây dựng tủ sách dùng chung theo cách vận động phụ huynh tặng lại sách giáo khoa cũ vào cuối năm học; đồng thời đầu tư mua mới, thay thế sách giáo khoa dùng chung… Cách làm này hỗ trợ được 30% nhu cầu của học sinh khó khăn, nghèo; tiết kiệm đáng kể cho phụ huynh trong việc mua sắm bổ sung. Quá trình dạy và học thuận lợi, không bị ảnh hưởng bởi thiếu sách.
Tương tự, nằm ở ngoại thành Hà Nội, nhiều gia đình học sinh khó khăn nhưng lại không thuộc diện được hỗ trợ. Mỗi năm trường mới hỗ trợ được 15 bộ sách giáo khoa cho những học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, số cần tặng lên tới 50 bộ/802 học sinh toàn trường. Do đó xây dựng tủ sách dùng chung luôn được Trường THCS Đông Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) ưu tiên để tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng sách giáo khoa, tăng tỷ lệ tái sử dụng nhiều lần.
Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy (Ninh Bình). |
Vào cuộc cùng nhà trường
Ông Lê Mạnh Trường, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Lào Cai cho hay, ngành đã lên kế hoạch “Xây dựng tủ sách giáo khoa” cho học sinh vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh để thực hiện Chương trình GDPT 2018. Theo đó, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức thông qua phát động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục; đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và người lao động, cha mẹ học sinh và học sinh trong và ngoài tỉnh.
Trong việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng sách giáo khoa sẽ yêu cầu các cơ sở giáo dục rà soát số lượng học sinh ở vùng khó khăn trong năm học có nhu cầu mượn, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch vận động, tài trợ các tổ chức, cá nhân, học sinh, cha mẹ học sinh ủng hộ sách giáo khoa cho học sinh.
Phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục là đầu mối vận động ủng hộ và tiếp nhận sách giáo khoa. Căn cứ số lượng sách được ủng hộ và nhu cầu sử dụng, phòng GD&ĐT phân bổ cho các trường học. Thực hiện kiểm tra, rà soát sách giáo khoa đã sử dụng trước khi cho học sinh mượn. Đảm bảo đầy đủ các loại hồ sơ sổ theo dõi; ghi chép, cập nhật số liệu đầy đủ, rõ ràng chính xác; thực hiện kiểm kê sách theo quy định.
Năm học này hầu hết học sinh của huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái thuộc diện được hỗ trợ trang thiết bị, đồ dùng học tập. Song ngành vẫn khuyến khích, chỉ đạo các nhà trường xây dựng tủ sách dùng chung nhằm đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực xã hội chung tay phát triển sự nghiệp giáo dục.
“Việc làm trên nhằm thực hiện mục tiêu tiết kiệm kinh phí, phần nào giảm bớt gánh nặng kinh tế cho các gia đình vùng khó khăn. Đồng thời giáo dục học sinh truyền thống “tương thân tương ái”; ý thức tiết kiệm, tránh lãng phí; đảm bảo công bằng cho học sinh trong tiếp cận các hoạt động giáo dục...”, ông Nguyễn Văn Lịch, Trưởng phòng GD&ĐT Yên Bình (Yên Bình, Yên Bái) thông tin.
“Để xây dựng tủ sách dùng chung, hàng năm trường dành một phần kinh phí để trang bị thêm các đầu sách giáo khoa. Cùng đó, vận động cha mẹ học sinh tặng lại sách cho nhà trường khi kết thúc năm học. Mặt khác, các lớp phát động học sinh mỗi năm học tặng 1 quyển sách, 1 cuốn truyện để tăng cường số lượng đầu sách, thay thế và làm phong phú nguồn sách truyện cho thế hệ sau. Đặc biệt giáo dục học sinh cách sử dụng, giữ gìn bảo quản sách, tránh tình trạng sách giáo khoa được tặng nhưng khó tái sử dụng”. - Cô Tô Thị Bích Liên (Hiệu trưởng Trường THCS Đông Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội)