Với chị, mỗi trẻ tự kỉ đều là một ngôi sao mới…

Với chị, mỗi trẻ tự kỉ đều là một ngôi sao mới…

(GD&TĐ) - Những ngày đầu bước chân lên bục giảng, chị Nguyễn Thị Thanh (phó trưởng khoa Giáo dục đặc biệt trường Cao đẳng sư phạm Trung ương 1, hiệu trưởng trường Mầm non Newstar) không khỏi bỡ ngỡ khi phía dưới kia là những đứa trẻ “đặc biệt” đang hướng cặp mắt thơ dại để nghe cô giảng bài. Chính những ánh mắt khát khao được hòa nhập cộng đồng ấy đã tiếp thêm sức mạnh giúp chị Thanh đi tiếp con đường mình đã chọn…

Duyên nghề

Bản thân bố chị Thanh cũng là thương binh từ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhiều khi đi học bị bạn bè đem những khiếm khuyết của bố ra để trêu, nên được gắn bó với những đứa trẻ có hoàn cảnh kém may mắn, có thể gọi đó là niềm khao khát từ những ngày chị còn ngồi trên ghế nhà trường. Và chồng chị, anh Nguyễn Khánh Hướng cũng bị mất bàn tay trái. Vì vậy, chị càng thêm yêu hơn những đứa trẻ “đặc biệt” này.

Trong khóa học, trong chương trình giảng dậy của chị có cả những tiết học với trẻ tự kỉ. Và tình yêu nghề, yêu những hoàn cảnh éo le cứ lớn dần, giống như điều gì đó đã ăn sâu vào máu thịt. “Tiếng lành đồn xa”, ngày càng có nhiều bậc phụ huynh có con bị tự kỉ tìm đến với cô giáo Thanh, từ Lạng Sơn tới Nha Trang, từ miền ngược tới miền xuôi, nhiều người khuyên cô mở lớp dậy riêng cho con em mình, có người còn sẵn sàng cho cô vay vốn mở trường, xây lớp học.

Ban đầu, khi có quyết định mở trường, chị Thanh cũng băn khoăn rất nhiều. Phần vì nghe nói công việc này rất khó khăn, vất vả. Phần vì khi đó chị đang làm việc trong cơ quan Nhà nước, nếu muốn mở trường thì hai vợ chồng chị phải có một người từ bỏ công việc hiện tại. Sự động viên của các bậc phụ huynh, tình yêu trẻ,… chỉ những điều đó thôi cũng đủ để chị đi đến quyết định mở trường chuyên biệt dành cho trẻ tự kỉ, và anh Hướng đã chấp nhận thôi việc để thay vợ quán xuyến mọi công việc tại trường, còn chị đứng sau phụ trách về chuyên môn. Năm 2007, trường Mầm non Newstar (Ngôi sao mới) đã ra đời tại số nhà 36, ngõ 204, đường Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội.

Cô và trò trường Mầm non New Star (Ngôi Sao Mới) cùng chơi trò chơi Con Học Giỏi.
Cô và trò trường Mầm non New Star (Ngôi Sao Mới) cùng chơi trò chơi Con Học Giỏi.

Dù được trực tiếp đào tạo về chuyên ngành chậm phát triển trí tuệ nhưng khi tiếp xúc trực tiếp với rất nhiều trẻ tự kỉ chị Thanh cũng gặp không ít khó khăn. “Lúc đầu tiếp xúc với các con mình cũng sợ lắm. Nhiều con có những biểu hiện bất thường như la hét, chạy nhảy, nói quá nhiều,… thậm chí là đánh và cắn, giật cả tóc cô giáo. Có lần có trẻ còn bỏ trốn, đi lang thang trên đường Trần Duy Hưng, may mắn được các bác xe ôm phát hiện đưa vào đồn công an gần đó. Nhưng khi đã quen rồi thì mình coi các con như chính ruột thịt của mình. Giờ mỗi khi đi đâu xa, mình đều rất nhớ các cháu”, chị Thanh tâm sự.

Dạy trẻ tự kỉ là cả một quá trình, mà cần nhất ở người giáo viên là sự kiên trì vì không hề có giáo án hay phương pháp cụ thể mà hầu hết là tùy tình trạng của từng trẻ mà có cách dạy và trị liệu riêng. Mỗi trẻ lại là một thế giới riêng: em thì thu mình không nói chuyện, em thì nói quá nhiều, có em lại rất hay quậy phá, gào thét, rồi không tập trung,… Hầu hết các trẻ khi tới trường, có những em đã 5 – 6 tuổi nhưng vẫn là đứa “trẻ sơ sinh”. Những kĩ năng cơ bản nhất như nói chuyện, cầm nắm, tắm giặt,… tất cả đều phải có sự hỗ trợ của người lớn.

Công việc vất vả là thế, nhưng cứ khi nào không phải lên trường với cương vị Phó Trưởng khoa chị lại dành trọn thời gian cho những đứa trẻ của mình tại “ngôi nhà” New Star. Dường như ngày nào cũng phải 8 – 9 giờ tối anh chị mới được ăn cơm, những khoảng thời gian dành riêng cho hai đứa con của mình cũng rất ít ỏi. Tôi gợi ý hỏi chị tại sao lại chọn đặt tên trường là New Star, chị mỉm cười: Vì đó cũng chính là ước mơ của chị, ước mơ của một người Mẹ về những đứa con sau khi hòa nhập cộng đồng, mỗi con sẽ là một ngôi sao mới luôn luôn tỏa sáng, luôn luôn hướng tới tương lai với rất nhiều khát vọng bỏng cháy về cuộc sống.

Những vui buồn trong đời làm giáo

Thời gian trôi đi đã để lại trong chị biết bao dấu ấn, những kỉ niệm vui buồn luôn luôn hiện về trong chị như những thước phim quay chậm. Những lần được các con nắm tay hay nói được những câu biểu lộ tình cảm, rồi cả những khi nhận được những bó hoa, những món quà từ các bé đã tốt nghiệp,… lòng chị như vỡ òa cảm xúc. Có lẽ đó là những khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong sự nghiệp “trồng người” của chị.

Nhưng cũng có những lúc lòng chị trùng lại khi chợt nhớ tới những kỉ niệm buồn, những phút giây đã trôi qua nhưng dấu ấn không khi nào phai nhòa. Chị kể tôi nghe câu chuyện về hai vợ chồng ở ngoại tỉnh, chồng làm bộ đội, nhưng sau khi nghe bác sĩ kết luận đứa con trai duy nhất của mình bị tự kỉ, nỗi thất vọng hiện rõ trên gương mặt đôi vợ chồng trẻ. Những suy nghĩ bi quan, những hành động tiêu cực đã khiến người vợ tìm đến cái chết, cũng may được cấp cứu kịp thời. Nhưng những ảnh hưởng của lần tự tử ấy đã để lại dư âm mãi mãi, chị không còn nhận thức được cuộc sống xung quanh mình nhanh nhạy như xưa. 3 tháng sau, người chồng đưa con tới gặp chị. Thương hoàn cảnh của gia đình, chị đã nhận bé vào trường. Sau 11 tháng can thiệp, bé có thể nói được, chị chuyển bé sang trường Mầm non Hoa Hồng (Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội) và giờ bé đã là một cậu học sinh tiểu học ngoan ngoãn.

Để có thể dạy tốt, chị Thanh thường xuyên tìm kiếm tài liệu, tham khảo các phương pháp mới của nước ngoài trên internet để đưa ra những phương án điều trị tốt nhất cho các con. 90% trẻ tự kỉ ở trường chị sau khi tốt nghiệp đã hòa nhập cộng đồng, có những em khi đi học tại các trường tiểu học còn nằm trong danh sách thi học sinh giỏi toán của trường, thi năng khiếu hội họa cấp huyện,… Chị chưa bao giờ nghĩ học sinh của mình là những đứa trẻ bị bệnh thiểu năng hay chậm phát triển. Đối với nhiều người, các em có vẻ hơi đáng sợ, nhưng với chị các em luôn là những ngôi sao mới, những thiên thần rất đáng yêu. Đón các con đã tốt nghiệp quay lại trường học, lại là những lúc chị thấy lòng mình như trống trải hơn vì mỗi khi có bé ra trường, nơi chị muốn gặp lại các con không phải tại New star hay bất kì ngôi trường nào dành cho trẻ tự kỉ.

Là một giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề với rất nhiều thành tích: giáo viên giỏi; chiến sĩ thi đua nhiều năm liền, chị Thanh không chỉ cứu lại những hoàn cảnh éo le mà còn hàn gắn được rất nhiều cặp vợ chồng có con bị tự kỉ. Những gia đình khi đưa con vào đây học, chị đều tìm mọi để hai vợ chồng cùng tham gia những hoạt động can thiệp, những rạn nứt gia đình cũng từ đó dần dần bị xóa nhòa.

Tuy trực tiếp tham gia giảng dậy nhưng chị luôn nhận mình là người đứng sau. Cuộc sống đã cho chị rất nhiều ý nghĩa mà ý nghĩa lớn nhất chính là nụ cười và sự hòa nhập cộng đồng của những đứa trẻ tự kỉ.

Nguyễn Huệ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ