(GD&TĐ) - Việt Nam chưa có thống kê chính xác tỷ lệ mắc chứng tự kỉ. Nếu ước lượng theo tỉ lệ của Anh: Việt Nam có khoảng 80 triệu dân thì sẽ có khoảng 160.000 trẻ tự kỉ. Đó là nhận định của bác sĩ Đỗ Thúy Lan, nguyên giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương Hà Nội - Giám đốc Trung tâm tư vấn phát hiện sớm và chăm sóc trẻ em khuyết tật trí tuệ (Trung tâm Sao Mai).
Chăm sóc trẻ tự kỷ cần sự nhẫn nại và tình thương vô bờ của cô giáo |
Bàng hoàng khi con không được… bình thường
Chị Nguyễn Lệ Thủy, giáo viên dạy PTCS huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang khi mang bầu cháu Duy Anh bị chấn động tâm lí. Khi sinh, thấy con lành lặn chị rất mừng. Chồng công tác xa, ở nhà chỉ có 2 mẹ con. 6 tháng bé mới biết lẫy, 10 tháng mới biết bò và 19 tháng mới biết đi. Lên 2 tuổi, cháu chưa nói được một từ nào. Đưa con đi khám thì bé được kết luận “điếc bẩm sinh”. Bàng hoàng, đau xót, có lần bố cháu đã phi xe máy vào ô tô với ý nghĩ mình chết đi thì gia đình sẽ có một khoản tiền để cho con vào TP Hồ Chí Minh gắn chíp điện tử may ra cháu có thể nói được. Cũng may bố cháu chỉ xây xát nhẹ. Vay tiền mua được chiếc máy trợ thính cho cháu đeo nhưng một năm trôi qua bé Duy Anh vẫn chưa nói được. Chị nghỉ dạy, đưa con đi Hà Nội khám lần nữa. Kết luận ghi “Hội chứng tự kỉ” khiến chị lo lắng hơn vì nó còn trầm trọng hơn cả câm điếc. Thương con, chị bàn với chồng xin đi học cao học ở Hà Nội, vay tiền mua một căn hộ rẻ tiền để đưa con về Hà Nội chữa bệnh. Chị đã tìm tới Trung tâm Sao Mai để gửi bé. Hằng ngày đưa con đến lớp xong, chị Thủy quay về làm gia sư, giúp việc để kiếm tiền chu cấp cho bé. Bên chị luôn thường trực nỗi lo, khi 16 tuổi con chị sẽ học ở đâu? Ai sẽ lo cho con khi anh chị khuất núi? Chị luôn mong ước, một buổi mai thức dậy, con trai sẽ gọi chị “mẹ ơi”.
Trong lần dự lớp tập huấn cho phụ huynh cách chăm sóc dạy dỗ trẻ tự kỉ, chị đã được mời tham gia ban chấp hành Hội cha mẹ trẻ khuyết tật trí tuệ. Hiện tại, chị thường trực tại văn phòng Hội cha mẹ, hàng ngày được nhìn thấy sự tiến bộ của con trai trong sự dạy dỗ yêu thương của các cô giáo. Mới đây, chị rất vui vì con trai chị dù chưa nói được từ nào nhưng đã biết ghép chữ khi cháu muốn; “con muốn uống sữa, con muốn chơi đất nặn”... khiến chị tuôn rơi giọt nước mắt sung sướng.
Hầu như tất thảy phụ huynh đều bị sốc khi bác sĩ kết luận con họ mắc hội chứng tự kỉ. Bởi hiện tại, tự kỉ chưa có thuốc chữa, trẻ mắc tự kỉ khi nhỏ thì lớn lên, trưởng thành vẫn là người tự kỉ. Khoa học đang nghiên cứu để tìm nguyên nhân và thuốc chữa. Tuy nhiên nếu trẻ tự kỉ được phát hiện, chẩn đoán sớm và được can thiệp sớm một cách bài bản, toàn diện, hợp lí và kiên trì thì trẻ có thể tiến bộ tốt, phát triển tương đối bình thường để hòa nhập một cách tương đối trong môi trường gia đình, nhà trường và xã hội.
Trong quá trình can thiệp, một số trẻ phải dùng thuốc để điều chỉnh một số hành vi: tăng động, giảm chú ý, trầm cảm, lo âu, tự làm đau, động kinh...
Nhận biết tự kỉ
Tự kỉ (rối loạn tự kỉ - ASD - Autism Spectrum Disorders) là một khuyết tật phát triển lan tỏa phức tạp, xuất hiện đặc trưng trong những năm đầu đời của trẻ, là kết quả của một rối loạn thần kinh gây ảnh hưởng tới chức năng bình thường của não, tác động đến các lĩnh vực phát triển ở các kỹ năng tương tác xã hội và giao tiếp. Biểu hiện rõ nhất về tự kỉ là khi trẻ được 3 tuổi. Chứng tự kỉ là một hội chứng về giao tiếp - ứng xử, có nghĩa là có một nhóm các loại hình ứng xử bất thường. Trẻ tự kỉ được chia làm 5 nhóm nhỏ, song phụ huynh khi thấy con mình khác thường ở những biểu hiện sau thì nên đưa trẻ tới bác sĩ nhi:
Trước 12 tháng tuổi: Trẻ khó ngủ, quấy khóc nhiều, hờn dỗi không rõ lí do, khó dỗ; Yên lặng, ít đòi hỏi sự chăm sóc, thích ở một mình; Tập trung kém, không chú ý đến chung quanh.
Sau 12 tháng tuổi: Không đáp ứng với âm thanh (điếc giả); ít hoặc không cười khi giao tiếp; ít bập bẹ; tác động qua lại bằng phát âm, hoạt động giảm; không giao tiếp mắt- mắt, ánh mắt trống vắng vô cảm; giọng nói, âm thanh cao đơn điệu, lặp đi lặp lại; bị cuốn hút vào một vật nhất định; ít tham gia vào các hoạt động xã hội.
Chú ý các dấu hiệu: 6 tháng tuổi trẻ vẫn không mỉm cười; 12 tháng tuổi vẫn chưa tập nói, không biết dùng ngón tay để chỉ hoặc có các cử chỉ điệu bộ khác thường; 16 tháng tuổi không nói được các từ đơn; 24 tháng tuổi không nói được câu 2 từ; đặc biệt có biểu hiện thoái lùi về phát triển lứa tuổi.
Thúy Hằng