Đây là thành quả đáng tự hào từ sự quan tâm, đầu tư đúng hướng của tỉnh, ngành Giáo dục, nhà trường, thầy cô.
Thực hiện tốt chế độ chính sách
NGƯT Nguyễn Thế Dũng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai - cho biết: Để giáo dục dân tộc (GDDT) đạt thành quả, những năm qua bên cạnh chế độ, chính sách, hỗ trợ của Nhà nước, Lào Cai cũng đầu tư đáng kể. Cụ thể, tỉnh có chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển sự nghiệp GD-ĐT giai đoạn 2021 - 2025. HSDT có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ về điện nước, sinh hoạt ở ký túc xá; tiền ăn bán trú; học phẩm, sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương…
Anh Quan Văn Tuấn có con học lớp 7, Trường PTDTNT THCS & THPT huyện Si Ma Cai (Lào Cai) trao đổi: Nhờ có chế độ, chính sách cho HSDT và vùng khó nên dù điều kiện gia đình eo hẹp nhưng con tôi vẫn được tới trường học tập từ mầm non tới THCS, THPT.
Nhờ chỉ bảo của thầy cô, nhà trường nên 6 năm liền con đạt học sinh giỏi, thể chất phát triển... “Hàng ngày gọi điện với bố mẹ, con đều bày tỏ niềm vui và hòa nhập với môi trường sinh hoạt, học tập khi xa gia đình. Gia đình biết ơn thầy cô và đánh giá cao những hỗ trợ, chính sách cho HSDT…”, anh Tuấn chia sẻ.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai Nguyễn Thế Dũng cũng cho biết thêm: Ngành GD-ĐT không chỉ chỉ đạo các nhà trường có HSDT thực hiện tốt chế độ chính sách, mà còn khuyến khích thầy cô tăng cường động viên, khen thưởng học sinh (bằng vật chất dù nhỏ với những tiến bộ của học trò). Điều đó giúp HSDT được khích lệ, tăng tự tin và nỗ lực học tập…
Để nâng cao chất lượng GDDT, năm học tới ngành Giáo dục Lào Cai sẽ đẩy mạnh, triển khai nhiều đề án, giải pháp như: “Phát triển, nâng cao chất lượng hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú giai đoạn 2021 - 2025”; “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ, học sinh người dân tộc thiểu số” giai đoạn 2. Đặc biệt, sở sẽ quán triệt các trường tăng cường kỷ cương, nền nếp trong quản lý thực hiện nhiệm vụ GDDT, thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh.
Mặt khác, tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở trường PTDTNT, PTDTBT, trường phổ thông có học sinh bán trú; bảo đảm an toàn cho học sinh nội trú, bán trú, an toàn vệ sinh thực phẩm; vận động tối đa HSDT bán trú ở trường…
Thầy tâm huyết, trò tận tụy
Trường THPT DTNT tỉnh Lào Cai là nơi đào tạo, nuôi dưỡng học sinh 15 dân tộc khác nhau từ các huyện, thị xã tỉnh Lào Cai. Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, 100% học sinh nhà trường đỗ tốt nghiệp; 70 - 80% đỗ đại học. Điểm xét bình quân tốt nghiệp (cộng cả học bạ) của học sinh khối 12 là 8,3 điểm/môn; Điểm xét bình quân đỗ đại học là 23 điểm/3 môn... Để có thành tích này, cô Lê Ngọc Quỳnh - Hiệu trưởng cho rằng, đó là nhờ sự tận tâm, nỗ lực của đội ngũ giáo viên trong công tác dạy, ôn thi và chăm sóc học trò.
“Đợt ôn thi tốt nghiệp, dù vào thứ 7, Chủ nhật nhưng giáo viên vẫn miệt mài lên lớp ôn tập miễn phí cho HS các buổi sáng. Nhà trường không có kinh phí hỗ trợ nhưng thầy cô vẫn tự nguyện dạy ôn với tinh thần vì học trò. Các giờ học luôn nghiêm túc, bảo đảm chất lượng, giáo viên tận tình giải đáp tới khi học sinh hiểu bài…” - cô Lê Ngọc Quỳnh chia sẻ.
Theo Hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh Lào Cai, gửi con vào trường đồng nghĩa nhiều phụ huynh ủy thác trách nhiệm nuôi dạy hoàn toàn cho thầy cô. Có phụ huynh suốt 3 năm không biết con học thế nào? Không phải đóng góp bất kỳ khoản nào. Tuy nhiên, giáo viên đều xác định tâm thế và đặt chất lượng giáo dục của trường và học sinh lên hàng đầu…
Thầy Cao Xuân Lâm – Hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS & THPT Si Ma Cai (Lào Cai) - cũng khẳng định, chất lượng giáo dục HSDT phụ thuộc lớn vào năng lực chuyên môn, trách nhiệm, sự tận tình của đội ngũ giáo viên. Bởi HSDT chịu nhiều thiệt thòi (về điều kiện kinh tế - xã hội, gia đình, tiếng nói…). Trong học tập còn chậm, rụt rè trong giao tiếp. Vì vậy, để phát huy năng lực, phẩm chất của các em, thầy cô nhất định phải làm tốt công tác chăm sóc, động viên, dạy bảo. Chỉ khi nào trò cảm nhận tình thương, trách nhiệm của thầy, các em mới mở lòng và tiếp thêm động lực học tập…
Một vấn đề mà thầy Cao Xuân Lâm cũng cho rằng giáo viên đã làm tốt để giúp HSDT học tập hiệu quả khi xa nhà là khuyến khích, hướng dẫn học sinh cách tự học, tự tìm kiếm nghiên cứu tài liệu, kiến thức từ các nguồn khác nhau. Thầy cô đã làm tốt nhiệm vụ “một vai hai gánh” vừa làm thầy, vừa làm cha mẹ...
Nhiều năm dạy HSDT, thầy Nguyễn Việt Dũng – giáo viên Trường THPT chuyên Lào Cai - cũng nhận định, HSDT có xuất phát điểm thấp hơn, song các em lại có sự quyết tâm học tập cao để vươn lên trong cuộc sống. Chính vì vậy, ở vai trò giáo viên chủ nhiệm hay lãnh đội tuyển nhất định phải “tinh tường” để nhìn ra tố chất trong HSDT; quan tâm, tìm hiểu sát sao hoàn cảnh, tâm lý, tính cách để có sự chỉ bảo, định hướng phù hợp...
Vàng Thị Chử - dân tộc Mông, học sinh lớp 12 chuyên Sử - Địa, Trường THPT chuyên Lào Cai - chia sẻ: Được tới trường học tập với em là may mắn lớn bởi gia đình thuộc hộ nghèo, đông con trong độ tuổi đi học. Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, tỉnh Lào Cai, nhà trường với HSDT thì chắc chắn cơ hội tới trường của em đã khép lại.