Phương Tây lo ngại ảnh hưởng của Nga
Các nhà phân tích cho rằng, nước Nga đang mở rộng ảnh hưởng và phóng đại căng thẳng sắc tộc ở các quốc gia đang hy vọng sẽ gia nhập Liên minh châu Âu. Sự tham gia của quốc gia này đã thúc đẩy Brussels khôi phục các mục tiêu không dành cho việc mở rộng; đồng thời khiến Washington phải để tâm tới các rủi ro an ninh đối với các thành viên NATO.
Mark Galeotti, một nhà Nghiên cứu cao cấp của Viện nghiên cứu Quốc tế, cho biết: Sau các phản ứng của phương Tây đối với vụ đầu độc cha con cựu gián điệp Nga ở Anh, bằng cách trục xuất khoảng 150 quan chức ngoại giao và tình báo Nga, thì khu vực bán đảo Balkan càng trở nên quan trọng hơn. “Nga đang tìm cách trả đũa và tạo cơ hội cho Moscow” - ông nói.
Trong một bài báo mới đây của Hội đồng Đối ngoại châu Âu, ông Galeotti phát biểu: “Nga đang nhìn nhận Balkan như một chiến trường trong cuộc chiến chính trị và tìm kiếm để tạo ra những mảnh vỡ, những cơ hội thương lượng tiềm tàng với Liên minh châu Âu”.
Charles A.Kupchan, Giám đốc khu vực châu Âu của Hội đồng An ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Barack Obama, cho rằng: “Người Nga đang tận dụng các nước cuối cùng của Tây Âu vẫn đang rối loạn chính trị”.
Tình hình ở đây có phần nào tương tự như Ukraine: Thoạt đầu, Nga đồng ý Kiev có thể gia nhập Liên minh châu Âu, nhưng sau đó lại thay đổi ý kiến, dẫn đến cuộc cách mạng đã thúc đẩy Moscow sáp nhập Crưm và kích động ly khai ở miền Đông Ukraine. Trong khu vực Balkan, sự cạnh tranh với Nga có khả năng gây bất ổn ở một khu vực vẫn đang luẩn quẩn với cuộc chiến từ những năm 1992 – 1995 khiến Nam Tư cũ tan rã.
EU có “mềm hóa” thủ tục gia nhập?
Ở Sarajevo, nhiều vết sẹo chiến tranh đã bị xóa đi. Holiday Inn, từng là ngôi nhà trú ẩn với các cửa sổ bị bịt kín cho các phóng viên trong cuộc chiến Bosnia, giờ đây đã hoạt động bình thường và rất sầm uất. Tòa thị chính Neo-Moorish, một tượng đài của đa văn hóa từng bị che chắn và bị đốt cháy, đã được khôi phục, tân trang đạt tiêu chuẩn cao.
Dù thế, Bosnia và Herzegovina, hai vùng đất từng gắn bó với nhau và tan vỡ năm 1995, vào cuối cuộc chiến, vẫn là những cấu trúc mong manh, đầy rẫy tham nhũng, lãnh đạo yếu kém, căng thẳng sắc tộc sẵn sàng bùng nổ, như một ẩn dụ của Balkan.
Đây cũng là một trong nhiều điểm tiếp cận quan trọng mà nước Nga muốn khai thác, trong khi lãnh đạo của người Serb ở vùng bán tự trị được gọi là Cộng hòa Srpska Milorad Dodik vẫn tiếp tục đòi trưng cầu độc lập. Những khu vực khác, trong đó bao gồm Macedonia, nơi mà mối quan hệ giữa người thiểu số Albania và người thiểu số Slavs vẫn rất căng thẳng; cũng như khu vực giữa Kosovo và Serbia.
Quan ngại về sự can thiệp của Nga, Liên minh châu Âu đang đưa ra viễn cảnh mới về việc gia nhập của Bosnia và 5 quốc gia khác ở Bờ Tây là Serbia, Montenegro, Macedonia, Albania và Kosovo, để đổi lại các cải cách cơ bản về cấu trúc.
Thực tế, các nước này có cái nhìn khá hoài nghi về Brussels. Nhiều người nghi ngờ về sự chân thành của Liên minh châu Âu đang trở nên mang màu sắc dân túy hơn, thận trọng hơn trong lĩnh vực người di cư và cũng thận trọng hơn trong việc chấp nhận các nước này vào Liên minh trước khi họ sẵn sàng – một sự rút kinh nghiệm cay đắng sau sự gia nhập của Rumani và Bungary. Cách đây 4 năm, người đứng đầu Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho biết khối sẽ không mở rộng nhanh chóng. Điều này tạo nên tình trạng giống như ngoại trưởng Macedonia
Niakola Dimitrov nhận định: “Bị khóa trong phòng đợi mà không có lối ra”. Tuy nhiên, với sự tách ra của Anh và sức ép của Nga ở khu vực này, Liên minh châu Âu đã phải đưa ra các kế hoạch chi tiết hơn cho Balkan. Kế hoạch này thậm chí đã được ghi nhận rằng nếu mọi việc suôn sẻ, Serbia và Montenegro, hai nước duy nhất tham gia quá trình gia nhập, có thể tham gia Liên minh châu Âu vào năm 2025.