Điểm nhấn mới

GD&TĐ - Ba năm qua, chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT thông qua Chương trình ETEP triển khai mô hình bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lí cơ sở GD phổ thông với nhiều điểm mới.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đó là mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ; kết hợp trực tiếp với trực tuyến; biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng có hỗ trợ của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lí cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán, giảng viên sư phạm chủ chốt. Từ đó, xây dựng cộng đồng học tập tại nhà trường phổ thông; nâng cao vai trò của các trường sư phạm nói chung và giảng viên sư phạm trong bồi dưỡng thường xuyên; gắn kết trường đại học sư phạm với cơ sở giáo dục phổ thông.

Một trong những điểm quan trọng của mô hình bồi dưỡng mới thể hiện ở biên soạn bộ tài liệu phù hợp với việc tự bồi dưỡng trên Hệ thống LMS và theo hướng tiếp cận phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên. Các tài liệu bồi dưỡng được xây dựng theo quy trình chặt chẽ với sự tham gia của đội ngũ giảng viên sư phạm, đa số là tác giả của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng như chuyên gia quốc tế, sự vào cuộc của các Vụ Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT)…

Tài liệu được xây dựng theo hướng giảm kênh chữ, tăng kênh hình, video, tình huống sư phạm và có thực nghiệm, thẩm định nhiều vòng. Sau đó được tải trên hệ thống bồi dưỡng trực tuyến nên giáo viên có thể học đi, học lại, thực hiện các bài tập, bài kiểm tra...

Với mô hình bồi dưỡng mới, tất cả giáo viên được tiếp cận với nguồn tài liệu gốc, tự nghiên cứu, tự học với sự hỗ trợ trực tuyến của đội ngũ cốt cán, giảng viên sư phạm chủ chốt trong suốt quá trình và ngay cả khi giáo viên học xong, áp dụng vào thực tiễn. Bất cứ khó khăn nào khi vận dụng kiến thức vào thực tế giảng dạy, giáo viên đều có thể tìm sự hỗ trợ từ giáo viên cốt cán và giảng viên sư phạm và đồng nghiệp bằng nhiều hình thức, thông qua nhiều kênh khác nhau như điện thoại, Zalo, email...

Qua các đợt bồi dưỡng, tài liệu, học liệu và e-course (khóa học qua mạng) được giảng viên, học viên đánh giá tốt về chất lượng, phù hợp với thực tiễn giảng dạy và bối cảnh hiện nay. Các giáo viên phổ thông, cán bộ quản lí cơ sở giáo dục phổ thông công nhận sự đổi mới trong thiết kế tài liệu và e-course; cảm thấy hữu ích bởi cơ hội được tiếp cận bình đẳng với nguồn tài liệu, học liệu gốc, được nghe trực tiếp chủ biên chương trình, giảng viên đại học giảng dạy và hướng dẫn; có thể linh hoạt thời gian tự bồi dưỡng phù hợp với kế hoạch của cá nhân. Nội dung tài liệu các mô-đun đáp ứng được nhu cầu thiết thực trong dạy học, quản trị nhà trường trước bối cảnh thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, mô hình bồi dưỡng trên Hệ thống LMS thể hiện được tính hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu “dừng đến trường, không dừng việc học”. Mô hình bồi dưỡng với nguồn tài liệu, học liệu số hóa, các e-course mở trên LMS khẳng định tầm nhìn chiến lược của Bộ GD&ĐT, tính hiệu quả và sự phát triển phù hợp với xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ