Còn nhiều khó khăn
Chia sẻ về khó khăn khi dạy học chuyên đề môn Địa lí, các thầy cô được giao nhiệm vụ này tại Trường THPT Trần Quang Khải cho rằng: nội dung chuyên đề môn Địa lí lớp 10 có nhiều kiến thức trừu tượng, khó hình dung, đặc biệt là đối với học sinh lớp 10, vốn còn đang trong giai đoạn phát triển nhận thức.
Ví dụ, chuyên đề “Biến đổi khí hậu” là vấn đề phức tạp, mang tính toàn cầu, với nhiều nguyên nhân và tác động khác nhau. Do đó, giáo viên cần có kiến thức chuyên môn sâu rộng để có thể truyền tải kiến thức một cách chính xác và đầy đủ cho học sinh.
Việc lựa chọn, sử dụng dụng phương pháp giảng dạy tích cực, phù hợp và phát huy được năng lực của tất cả các học sinh còn một số khó khăn. Lý do, mức độ nhận thức của học sinh không giống nhau, mức độ tham gia hoạt động trong các phương pháp giảng dạy mà giáo viên sử dụng cũng không đạt hiệu quả như nhau.
Bên cạnh đó, để đầu tư cho một bài dạy hiệu quả, thật sự tâm huyết, giáo viên phải bỏ thời gian và thật sự suy nghĩ về vấn đề đó. Trong khi cuộc sống còn bộn bề với nhiều mối quan tâm nên việc tâm huyết cho việc soạn giảng ra những giáo án, thiết kế ra những hoạt động sáng tạo còn một số hạn chế.
Ngoài những vấn đề trên còn có khó khăn bởi học sinh lớp 10 đang trong giai đoạn thay đổi tâm sinh lý, có nhiều mối quan tâm khác ngoài học tập, dẫn đến việc học tập môn Địa lí chưa được chú trọng.
Giải pháp triển khai tốt chuyên đề môn Địa lí
Để triển khai tốt chuyên đề môn Địa lí, các thầy cô cho rằng, trước hết giáo viên cần phải tự học, tự bồi dưỡng để có kiến thức chuyên môn vững vàng, chắc về phương pháp để dạy học lôi cuốn, hấp dẫn học trò.
Khi giáo viên có năng lực vững vàng, cùng sự sáng tạo, kinh nghiệm đứng lớp, phối hợp các kiến thức một cách linh hoạt, phù hợp sẽ mang đến một tiết học lý thú.
Ngoài tự học, giáo viên cũng cần được bồi dưỡng kiến thức chuyên môn từ những nhà giáo dục, giảng viên sư phạm, giảng viên chuyên ngành; đồng thời được cung cấp các tài liệu chuyên sâu phục vụ cho công tác giảng dạy.
Khi giảng dạy chuyên đề, giáo viên cần linh hoạt sử dụng các phương pháp giảng dạy, kết hợp giữa phương pháp truyền thống và phương pháp tích cực, nhằm tạo hứng thú học tập cho học sinh.
Để sử dụng phương pháp dạy học tích cực được hiệu quả, phát huy được năng lực của học sinh, trong quá trình tổ chức dạy học, người thầy phải truyền được năng lượng tích cực. Năng lượng đó chỉ có được khi thầy yêu nghề, yêu trò, yêu bài dạy, cống hiến hết mình với bài dạy đó.
Không có một phương pháp nào là toàn năng và phù hợp với tất cả các đối tượng học sinh. Mỗi phương pháp đều có ưu điểm và hạn chế riêng. Bởi vậy trong quá trình dạy học, giáo viên cần phải hiểu đối tượng học sinh của mình có mức độ nhận thức như thế nào? Có các thiết bị hỗ trợ nào cho quá trình học tập, kĩ năng của các em ra sao? Cơ sở vật chất của lớp, của trường như thế nào? Kiến thức của giáo viên về phương pháp đó? Để từ đó suy nghĩ, lựa chọn phương pháp dạy học cho phù hợp.
Một số phương pháp hiệu quả khi dạy chuyên đề học tập môn Địa lí gồm:
Phương pháp đóng vai: Học sinh đóng vai các nhà khoa học, chuyên gia để nghiên cứu, thảo luận về một vấn đề đô thị hóa, biến đổi khí hậu.
Phương pháp học tập theo dự án: Học sinh tự nghiên cứu, tìm hiểu một vấn đề đô thị hóa, biến đổi khí hậu theo nhóm.
Phương pháp học tập theo tình huống: Giáo viên đưa ra một tình huống đô thị hóa, biến đổi khí hậu để học sinh giải quyết.
Phương pháp trò chơi: Giáo viên tạo những trò chơi mang tính chất thi đua giữa các nhóm để tạo hứng thú trong quá trình học tập.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học: Giáo viên cần sử dụng các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin để minh họa, trực quan hóa kiến thức, giúp học sinh dễ dàng tiếp thu. Đồng thời, tăng cường sử dụng bản đồ, tranh ảnh, video clip để minh họa kiến thức đô thị hóa, biến đổi khí hậu…
Trong Chương trình GDPT 2018, mỗi môn học Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật có một số chuyên đề học tập, tạo thành cụm chuyên đề học tập của môn học nhằm thực hiện yêu cầu phân hoá sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức và kĩ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp.
Thời lượng dành cho mỗi chuyên đề học tập là 10 tiết hoặc 15 tiết; tổng thời lượng dành cho cụm chuyên đề học tập của một môn học là 35 tiết/năm học. Ở mỗi lớp 10, 11, 12, học sinh chọn 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.