Dịch bệnh kéo dài, nhiều trường miễn giảm học phí, hỗ trợ sinh viên

GD&TĐ - Với mục đích giảm gánh nặng, chia sẻ với khó khăn của sinh viên ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều trường đại học đã thực hiện chính sách giảm học phí, không tăng học phí.

Sinh viên HUFI được giảm học phí học kỳ I do ảnh hưởng dịch bệnh
Sinh viên HUFI được giảm học phí học kỳ I do ảnh hưởng dịch bệnh

Hỗ trợ sinh viên hết sức trong khả năng

Tiên phong trong chính sách miễn giảm và giữ nguyên mức học phí là Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM (HUFI). Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn- hiệu trưởng Nhà trường, HUFI quyết định giảm 5% học phí học kỳ I năm học 2021-2022 với toàn bộ sinh viên đang theo học.

Cụ thể, trong năm học 2021-2022, ngoài việc giảm 5% học phí học kỳ I cho sinh viên, nhà trường sẽ chi gói hỗ trợ hơn 30,6 tỉ đồng cho các quỹ học bổng và hỗ trợ sinh viên của trường.

“Theo lộ trình, năm học 2021-2022 nhà trường sẽ tăng học phí 5% so với năm học trước. Tuy nhiên, dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều gia đình sinh viên gặp khó khăn. Để đồng hành và hỗ trợ sinh viên, Trường quyết định giữ học phí khóa tuyển mới năm 2021 như năm trước. Tổng kinh phí dành hỗ trợ giảm học phí cho sinh viên trong đợt này khoảng 10 tỉ đồng”, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn cho biết.

Tương tự, Trường ĐH Văn Hiến cũng mới công bố hàng loạt chính sách miễn giảm, hỗ trợ học phí cho sinh viên. Cụ thể, Trường ĐH Văn Hiến hỗ trợ từ 30% đến 45% học phí học kỳ I cho thí sinh nhập học. Đại diện Nhà trường cho biết; với mức giảm trên, học phí  chỉ còn dao động từ 5,7 triệu – 8,1 triệu đồng. Mức học phí có thể gọi là thấp nhất hiện nay.

Đặc biệt, ĐH Văn Hiến còn dành chính sách đối với 500 thí sinh nhập học sớm. Những sinh viên này sẽ được hỗ trợ giảm 50% học phí học kỳ I. Nếu thí sinh không đủ khả năng đóng học phí trong một lần có thể chia học phí thành 2 lần đóng/học kỳ.

Trường ĐH Nha Trang năm học 2021-2022 cũng quyết định không tăng 10% học phí theo lộ trình để giúp đỡ và chia sẻ với sinh viên. Ông Tô Văn Phương - Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nha Trang cho biết ngoài việc không tăng học phí, Hội đồng trường cũng vừa quyết định dành 1,5 tỉ đồng hỗ trợ toàn bộ sinh viên mua mạng 4G để thi (nhà trường đã chuyển khoảng 75% các môn sang thi trực tuyến).

Bên cạnh đó, theo quy định, thay vì sinh viên phải hoàn thành học phí khi đăng ký học phần và chậm nhất là trước ngày thi nhưng nhà trường gia hạn để sinh viên thi xong vẫn có thể đóng học phí.

Sinh viên học tập online tại nhà
Sinh viên học tập online tại nhà

Song hành nhiều chính sách hỗ trợ sinh viên

Sinh viên các trường đại học không chỉ nhận được nhiều chính sách tài chính hỗ trợ học phí từ các trường, mà còn được Chính phủ, Nhà nước quan tâm về việc hỗ trợ tín dụng vay để đảm bảo quá trình học tập.

Nhằm khuyến khích sinh viên có thành tích học tập tốt và sinh viên có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM quyết định lập quỹ học bổng và hỗ trợ học phí cho sinh viên toàn trường (gồm sinh viên khóa cũ và sinh viên khóa mới nhập học năm học 2021-2022) với tổng số tiền là 60 tỉ đồng.

TS Phan Hồng Hải - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TPHCM cho biết: Quỹ học bổng hỗ trợ sinh viên gồm học bổng cho sinh viên có thành tích học tập xuất sắc và giỏi là 35 tỉ đồng và hỗ trợ cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng dịch Covid-19 là 25 tỉ đồng.

"Đối với sinh viên diện khó khăn, nhà trường sẽ xem xét từng trường hợp để có hỗ trợ phù hợp như giảm 50-75% hoặc miễn 100% học phí theo từng học kỳ. Nhà trường sẽ có thông báo hướng dẫn chi tiết hồ sơ miễn, giảm học phí để sinh viên thực hiện", ông Hải nói.

Hiện nay ngoài các chính sách được vay đóng học phí với mức lãi suất 0% từ các trường (bảo lãnh với ngân hàng, nguồn quỹ) sinh viên các trường ĐH- CĐ đang được Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính đề xuất gia tăng mức vay.

Cụ thể, Bộ Tài chính vừa có đề xuất tăng mức vay vốn cho học sinh, sinh viên từ 2,5 triệu đồng/tháng lên thành 4 triệu đồng/ tháng.

Theo Bộ Tài chính, Quyết định 157/2007 đã trải qua hơn 14 năm thực hiện. Quá trình triển khai chính sách có một số phát sinh, vướng mắc cần thay đổi cho phù hợp. Điển hình là quy định học sinh, sinh viên ra trường có việc làm và thu nhập mới trả nợ nên phụ thuộc vào tự kê khai của người vay và gia đình. Hạn mức vay tối đa 2,5 triệu đồng/tháng hiện không còn phù hợp, chỉ đủ trả học phí không thể kham thêm nổi chi phí sinh hoạt hàng tháng.

Mặt khác, theo khảo sát của Bộ GD&ĐT mức chi phí học tập (học phí và chi phí sinh hoạt) của một học sinh, sinh viên hiện tối thiểu rơi vào khoảng 6,5- 9,5 triệu đồng/tháng (tính với mức học phí cao nhất). Do đó, mức cho vay hiện hành (2,5 triệu đồng/tháng) mới chỉ đáp ứng 49% học phí của nhóm ngành có học phí cao nhất và 38,5% nhu cầu chi phí học tập.

Trên cơ sở đó, hai bộ kiến nghị Chính phủ tăng mức vay cho học sinh, sinh viên lên mức 4 triệu đồng/tháng (bằng 61% mức chi phí học tập tối thiểu và 42% mức chi phí học tập tối đa của học sinh, sinh viên).

Theo TS Lê Lâm- Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn, nếu đề xuất trên của Bộ Tài chính được thông qua sẽ tháo gỡ và chia sẻ rất nhiều cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo đuổi con đường học tập.

“Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung Quyết định số 157/2007 lần này, đối tượng được vay cũng đã được mở rộng hơn. Ngoài đối tượng vay là học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ gặp tai nạn, thiên tai, dịch hoạ trong thời gian đang đi học, Bộ Tài chính đã đề xuất bổ sung thêm nhóm học sinh, sinh viên thuộc hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình (theo chuẩn quy định của pháp luật).

Đây là tín hiệu rất vui mừng với không ít phụ huynh khó khăn có con đang theo học ĐH-CĐ ở các đô thị lớn. Mức vay trên sẽ giúp giảm áp lực tài chính hàng tháng cho phụ huynh, tạo điều kiện cho sinh viên yên tâm học tập, ra trường để thực hiện nghĩa vụ trả nợ”, TS Lê Lâm nói.

Ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.