Hỗ trợ học phí cho sinh viên sư phạm: Phải đi kèm chính sách tuyển dụng

GD&TĐ - Tỷ lệ sinh viên sư phạm tốt nghiệp không tìm được việc làm trong môi trường sư phạm, hay phải đi tìm việc mưu sinh ở những lĩnh vực khác… đang là mối quan tâm lớn của toàn xã hội. Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo Giáo dục & Thời đại có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Kim Hồng – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM kiến tập giáo dục mầm non
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM kiến tập giáo dục mầm non

Chính sách miễn học phí bộc lộ nhiều khiếm khuyết

Thưa PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, là một nhà giáo, từng lãnh đạo một trường ĐH sư phạm lớn tại TPHCM, PGS có nhận xét gì về chính sách học phí cho sinh viên sư phạm trong thời gian qua?

Chính sách miễn học phí đối với sinh viên các ngành sư phạm trong nhiều năm qua đã làm nên một thế hệ thầy cô giáo có chất lượng, nhất là 5 năm đầu triển khai! Giờ đây, sau 20 năm thực hiện, chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm bộc lộ nhiều khiếm khuyết.

Chẳng hạn, việc không được tuyển dụng và không muốn làm trong nghề dạy học cũng giống nhau. Sinh viên chỉ cần làm cam kết là không phải đóng học phí dù sau khi ra trường họ không tự nguyện làm trong trường học…

Mặc dù được ưu đãi miễn học phí, nhưng SV sư phạm sau khi tốt nghiệp phải tự đi xin việc. Và rất nhiều trường hợp không xin được việc làm phải đi làm nghề khác để mưu sinh. PGS có suy nghĩ gì về cách sử dụng và tuyển dụng nguồn lực sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp của chúng ta hiện nay?

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng

Gần đây, tôi được nghe nhiều về nhiều SV sư phạm ra trường không có việc làm. Việc này có nhiều nguyên nhân: Các trường sư phạm thì chỉ căn cứ vào năng lực đào tạo của mình mà đào tạo, đào tạo không gắn với địa chỉ.

SV tốt nghiệp thì tự tìm kiếm việc làm và mọi sự may rủi, kể cả những tiêu cực trong tuyển dụng đã không cho phép cả những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi không có việc làm.

Tôi còn nhớ, trong một lần làm việc với lãnh đạo các trường sư phạm, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã khá bức xúc về chuyện này.

Trước kia, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cũng đã yêu cầu các trường đại học đào tạo theo nhu cầu xã hội nhưng tất cả đâu vẫn đó. Gần đây Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo qui hoạch lại các trường sư phạm.

Các trường sư phạm phải điều tra nhu cầu sử dụng GV của các sở trong vòng 5 - 10 năm tới, trên cơ sở đó Bộ trưởng mới giao chỉ tiêu cho các trường sư phạm.

Điểm chuẩn đầu vào của các trường sư phạm Bộ phải can thiệp theo hướng đảm bảo chất lượng đầu vào… Theo tôi đây là một quyết định đúng đắn.

Tuy nhiên, cần thêm giải pháp phân công công tác với sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm như bên quân đội và công an thì mới có thể giải quyết được gốc rễ vấn đề gắn đào tạo với sử dụng.

Thay miễn học phí bằng tín dụng sinh viên

Từ kinh nghiệm thực tiễn của Trường ĐH Sư phạm TPHCM, PGS có đề xuất gì cho chính sách học phí ngành sư phạm trong bối cảnh hiện nay?

Theo tôi, chúng ta nên thay chính sách miễn học phí bằng chính sách tín dụng sinh viên. Chính sách tín dụng sinh viên ưu đãi cho một số ngành học, nhất là sinh viên sư phạm.

SV sư phạm được vay học phí và các chi phí khác trong quá trình học. Họ sẽ không phải trả học phí nếu sau khi tốt nghiệp họ làm trong các cơ sở giáo dục ít nhất trong thời gian 5 năm.

Khi SV sư phạm đóng học phí, các trường sư phạm sẽ thu học phí đủ để đảm bảo chi phí đào tạo.

Chúng ta đều biết hơn 60% dân cư sống ở vùng nông thôn, những SV xuất thân từ nông thôn rất cần Nhà nước hỗ trợ học phí và họ sẽ trở về nơi họ sinh ra để làm việc và Nhà nước cần hỗ trợ SV vùng kinh tế khó khăn, nhất là sinh viên sư phạm.

Xin cám ơn PGS!

“Vấn đề là cần những chính sách khác đi kèm, chẳng hạn phân công công tác cho sinh viên sư phạm theo hướng ưu tiên nhận nhiệm sở cho những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, giỏi. Những người không đủ năng lực làm nghề dạy học hoặc không muốn hành nghề dạy học sẽ phải hoàn trả học phí. Còn nữa, cần lắm sự quan tâm của cả xã hội đối với giáo dục và thầy cô giáo, thu nhập của giáo viên..”.

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.