Dịch bệnh gia tăng, trường học giải bài toán chất lượng

GD&TĐ - Giải pháp để kiên trì mục tiêu chất lượng là điều các nhà trường đặc biệt quan tâm trong bối cảnh bảo đảm an toàn phòng chống dịch, số lượng giáo viên (GV), học sinh (HS) F0 đang ngày một tăng.

Cô trò Trường Lômônôxốp trong giờ học.
Cô trò Trường Lômônôxốp trong giờ học.

Kiên trì mục tiêu chất lượng

Ngày 2/3, trên địa bàn quận Long Biên (Hà Nội) có 17/24 trường THCS triển khai dạy học trực tiếp cho HS lớp 7, 8, 9; số lượng HS đến trường học trực tiếp là 45.82%. Trong số các HS không tham gia học trực tiếp có 2.169 là F0; 3.564 là F1; 1.040 HS vắng mặt với lý do khác đặc biệt nhiều HS tiếp xúc gần với F0 nên cha mẹ có tâm lý e ngại và cho con học trực tuyến.

So với ngày 1/3, số HS F0 tại Long Biên tăng lên 177 trường hợp. Các trường: Bồ Đề, Ngọc Lâm, Wellspring, Thượng Thanh, Thanh Am, Lê Quý Đôn, Phúc Lợi chuyển dạy trực tuyến hoàn toàn do đang ở vùng dịch cấp độ 3.

Mặc dù, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng theo bà Vũ Thị Thu Hà, Trưởng phòng GD&ĐT quận Long Biên, công tác dạy học của 17/17 trường diễn ra an toàn. Để thực hiện giải pháp dạy học kết hợp trực tiếp - trực tuyến bảo đảm hiệu quả tối ưu nhất, 100% trường đã đầu tư lắp đặt webcam, thiết bị phục vụ dạy tại phòng học (432/474 phòng học, đạt tỷ lệ 91,14% có thiết bị và lắp đặt webcam). 100% phòng học có máy tính, máy chiếu, hệ thống âm thanh, mạng Internet.

“Hiện, 100% trường trên địa bàn quận đều có GV là F0, F1; tuy nhiên việc dạy học vẫn được tiến hành bình thường. GV F0, F1 đủ sức khỏe sẽ dạy học trực tuyến tại nhà. Để các tiết dạy vừa trực tiếp, vừa trực tuyến được ổn định, bảo đảm nền nếp học tập và chất lượng tốt nhất, các trường đã chỉ đạo Đoàn Thanh niên, Ban thiếu nhi, các GV trống tiết… hỗ trợ dạy thay và quản lý lớp khi có tình huống phát sinh. Bên cạnh đó, công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện theo đúng hướng dẫn của cơ quan y tế” - bà Vũ Thị Thu Hà chia sẻ.

Tại Trường Lômônôxốp (Hà Nội), thầy Hiệu trưởng Nguyễn Quang Tùng cho biết: Sau 3 tuần học trực tiếp nhà trường có 721 HS là F0. Hiện 315 HS xét nghiệm âm tính, có 423 HS là F1 và hơn 129 HS thuộc các phường mức độ dịch 3. Trường có 33 GV, 3 GV người nước ngoài là F0 (trên tổng số 108 GV) nên không đủ người dạy học trực tiếp và phải chuyển sang dạy học trực tuyến từ 1/3.

Để bảo đảm chất lượng dạy học tốt nhất trong bối cảnh này, giải pháp được thầy Nguyễn Quang Tùng chia sẻ là làm tốt công tác tư tưởng cho HS, cha mẹ HS; động viên tinh thần, chăm lo sức khỏe cho HS, GV là F0 nhanh chóng khỏi bệnh. Về chuyên môn, ngoài tinh giản chương trình của Bộ GD&ĐT, các tổ chuyên môn của trường chọn lọc kỹ và sắp xếp các module học tập hợp lý, gọn nhẹ để HS dễ tiếp thu với thời gian ngắn nhất. Các bài học được GV sử dụng công nghệ tối ưu, giúp HS vẫn khám phá được vấn đề mới và tiếp thu tốt kiến thức.

Ngoài ra, nhà trường hỗ trợ HS khối 12 tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, các kỳ thi lấy chứng chỉ quốc tế IELTS, thi thử tại trường. Cùng với đó, trường vẫn tổ chức các hoạt động ngoại khóa để HS có sân chơi, xả stress hay thể hiện khả năng của mình như: Đường lên đỉnh Olympia, nấu bánh chưng bán lấy tiền từ thiện dịp Tết Nguyên đán, tranh biện G-bate…

“Một giải pháp để bảo đảm chất lượng dạy học là chuẩn hóa các kỳ kiểm tra, đánh giá. Việc tổ chức kiểm tra giữa kỳ bằng hình thức trực tuyến đòi hỏi cách thức ra đề phải hiện đại trên phầm mềm Microsoft Teams, bảo đảm phân loại HS tốt; công tác phối hợp với cha mẹ HS về phương tiện học tập được chuẩn bị kỹ càng. Giáo dục sự trung thực trong thi cử đối với HS phải thường xuyên và đi kèm với các giải pháp về công nghệ, như hệ thống camera giám sát, phần mềm báo cáo khi HS chuyển sang trang ứng dụng khác (không phải phần mềm kiểm tra) và cả sự giúp đỡ của cha mẹ HS trong giám sát sự trung thực của trẻ” - thầy Nguyễn Quang Tùng chia sẻ thêm.

Tiết học kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Ảnh minh họa/INT
Tiết học kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Ảnh minh họa/INT

Rất cần sự linh hoạt, sáng tạo của mỗi nhà trường

Ở góc độ chuyên gia, ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam nhấn mạnh từ khóa “thích ứng và linh hoạt” là phương châm tổ chức, dạy học khả thi hiện nay tại các cơ sở giáo dục. Hai điểm cần lưu ý, trước hết, theo ông Ân là đánh giá tình hình dịch hiện nay cần có cách nhìn mới, cách làm mới, từ đó có phương án chống dịch phù hợp. Các trường không quá lo lắng khi có HS dương tính. Bộ Y tế cũng đã phân loại F0 thành 5 mức độ khác nhau. Biến thể mới Omicron tốc độ lây lan nhanh, nhưng đa phần ở thể nhẹ. Sau 7 ngày cách ly, có thực hiện tốt 5K cùng chăm lo sức khỏe bản thân tốt, HS từ dương tính trở về âm tính.

Lưu ý thứ 2 là dạy học theo phương thức trực tiếp và trực tuyến cần linh hoạt, cơ động. Với việc này, ông Đặng Tự Ân cho rằng: Xác định F0 và F1 nên trong phạm vi hẹp theo từng lớp và hạn chế phạm vi rộng toàn trường; những học sinh F0, F1 học trực tuyến; còn lại vẫn học trực tiếp tại trường. Giáo viên dạy trực tiếp một nhóm HS, đồng thời truyền qua mạng Internet để HS đang cách ly được học trực tuyến.

“Thiết nghĩ cách làm này là biến “nguy” thành “cơ” để giáo viên dạy học có tương tác trực tiếp với HS. Phương thức này cũng phù hợp cho nhiều trường hiện đang thiếu giáo viên vì phải cách ly, nhiễm bệnh. Trong tình hình dạy học hiện nay rất cần sự linh hoạt, sáng tạo của tập thể, cá nhân ở mỗi nhà trường. Tổ chức dạy học tiếp cận theo phương thức quản trị nhà trường, cùng sự thấu hiểu, sâu sắc đầy tính nhân văn của môi trường hạnh phúc, hay môi trường văn hóa học đường là cứu cánh cần thiết” - ông Đặng Tự Ân cho hay.

Trong phạm vi quốc tế, với sự bùng nổ trở lại của dịch bệnh Covid-19 do biến thể Omicron gây ra, câu hỏi trường học có thể tiếp tục mở cửa hay cần đóng cửa lại được đặt ra ở nhiều nước. Chuyên gia giáo dục Nguyễn Văn Cường (ĐH Potsdam, CHLB Đức) cho biết: Ở Đức, sau kỳ nghỉ Giáng sinh, năm mới, câu hỏi này cũng được đặt ra. Chính sách của chính quyền và ngành Giáo dục ở cấp liên bang cho câu hỏi này là: Trường học cần mở cửa cho đến khi còn có thể, chỉ đóng cửa trường học khi không còn lựa chọn khác. Hàng loạt quy định để bảo đảm vệ sinh, an toàn được thực hiện như tiêm chủng, đeo khẩu trang, thực hiện test nhanh…

Thực tế cho đến nay, dịch bệnh Covid-19 ở Đức vẫn ở đỉnh cao với khoảng 200.000 người nhiễm mỗi ngày. Nước Đức vẫn kiên định chính sách mở cửa trường học với những quy định cụ thể có thể khác nhau giữa các bang. Ví dụ ở Berlin, quy định mới áp dụng từ 1/3/2022 như sau: Học trực tiếp ở trường là bắt buộc (đối với học sinh bình thường); test Corona một tuần 3 lần; học sinh tiếp xúc với người nhiễm bệnh (F1) không còn phải cách ly tại cơ sở mà chỉ cần test hàng ngày; quy định đeo khẩu trang trong lớp đối với mọi lớp học vẫn tiếp tục duy trì.

Chuyên gia Nguyễn Văn Cường cho rằng: Chủ trương kiên định mở cửa trường học ở Việt Nam hiện nay là phù hợp, thể hiện sự quyết tâm cao của ngành Giáo dục nhằm bảo đảm chất lượng cho năm học 2021 - 2022, năm học bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh gây ra. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp, đang có xu hướng tăng của dịch bệnh gây ra nhiều khó khăn, thách thức cho các trường học trong tổ chức dạy học.

Giải pháp có thể giúp nhà trường duy trì mục tiêu chất lượng giáo dục trong bối cảnh hiện nay, giảm thiểu tác động của dịch bệnh, theo ông Nguyễn Văn Cường, là phải tuân thủ các quy định y tế về vệ sinh và an toàn dịch bệnh; áp dụng mọi biện pháp để duy trì học trực tiếp ở phạm vi rộng nhất, sớm nhất có thể. Đồng thời, linh hoạt kết hợp các hình thức dạy học trực tiếp, online, qua truyền hình, tự học với phiếu hướng dẫn và nhiệm vụ học tập.

Cần tăng cường hiệu quả dạy học online; điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp. Việc áp dụng máy móc thời khóa biểu cũng như nội dung dạy học trực tiếp vào dạy học online gây quá tải và ảnh hưởng đến chất lượng dạy học, tâm lý của học sinh. Ở những lớp nhỏ nên tập trung vào một số môn học lựa chọn, tinh giản, tích hợp các nội dung dạy học, môn học một cách mạnh mẽ dưới dạng các chủ đề, dự án học tập hấp dẫn học sinh. Cuối cùng là tăng cường sự phối hợp của phụ huynh trong hỗ trợ con em học trực tuyến, tự học tại nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ