24 tỉnh, thành chưa khống chế được dịch bệnh, việc dạy học được tổ chức trực tuyến và trên truyền hình.
Ở các địa phương tổ chức dạy học trực tiếp, mọi việc diễn ra khá thuận lợi. Các đơn vị tranh thủ “thời gian vàng” để tổ chức dạy nội dung cơ bản, cốt lõi không thể thực hiện thông qua trực tuyến và sẵn sàng phương án chuyển đổi khi cần thiết.
Những địa phương giãn cách phải dạy học 100% online hoặc qua truyền hình gặp một số khó khăn: Học sinh thiếu thốn thiết bị học trực tuyến, chất lượng đường truyền chưa ổn định, phụ huynh không có điều kiện kèm cặp con em, giáo viên một số nơi còn chưa thành thạo trong kỹ năng dạy học…
Dù vậy, với sự tích cực chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, nỗ lực của thầy trò, đồng hành của phụ huynh, tiếp sức của xã hội, sau hai tuần đi vào thực dạy, thực học, việc học tập trực tuyến, trực tuyến kết hợp truyền hình của học sinh đã dần đi vào ổn định, đặc biệt ở cấp trung học.
Ở cấp tiểu học, một số nơi có điều kiện cũng đạt được thành quả ban đầu khi thầy trò đã làm quen, tương tác được với nhau. Tuy vậy tình hình vẫn chưa thể lạc quan 100% về chất lượng dạy học trực tuyến, đặc biệt ở cấp tiểu học. Gần đây, một số địa phương quyết định không áp dụng phương pháp học trực tuyến cho học sinh lớp 1 - 2, thậm chí có tỉnh còn dừng dạy học trực tuyến cho cấp học tiểu học như Cà Mau.
Thực tế cho thấy để chất lượng dạy học trực tuyến tốt đòi hỏi phải đáp ứng hai điều kiện căn bản là cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ của học sinh đầy đủ và phương pháp dạy học của giáo viên phù hợp. Cho đến nay, cả hai yếu tố này vẫn chưa đồng đều ở các địa phương, nhất là những nơi điều kiện kinh tế - xã hội còn hạn chế.
Thế nhưng nếu đợi đủ cả hai yếu tố mới bắt đầu tổ chức dạy học trực tuyến thì không biết đến bao giờ, khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Tuy không thể đạt hiệu quả như dạy học trực tiếp nhưng có thể nói, dạy học trực tuyến vẫn tốt hơn để học sinh nghỉ quá lâu.
Vì thế, các địa phương đang hết sức nỗ lực bảo đảm đủ thiết bị học tập cho học sinh, tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn giáo viên, dạy học bổ trợ trên truyền hình. Để khắc phục những hạn chế của dạy học trực tuyến, các trường vùng giãn cách còn linh động thêm nhiều phương thức dạy học gián tiếp khác như xây dựng các chuyên đề, câu hỏi để học sinh ôn tập, rèn luyện tại nhà (hoặc chuyển cho phụ huynh hướng dẫn) thông qua hình thức gián tiếp như các phần mềm dạy học Zoom, Zalo, Gmail, Facebook …
Cùng với đa dạng hoá phương thức dạy học để nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến, việc nhanh chóng chuẩn bị điều kiện mở cửa lại trường học ở vùng an toàn trong các địa phương có dịch được xem là giải pháp hết sức cần thiết. Bởi ai cũng biết dạy học trực tiếp hiệu quả, chất lượng hơn nhiều. Việc ngành Giáo dục TPHCM kiến nghị tiêm ngừa vắc-xin cho học sinh, xây dựng bộ tiêu chí trường học an toàn trước Covid-19 và đang tính toán triển khai chương trình học trực tiếp tại nơi được kiểm soát là hướng đi phù hợp xu thế sống chung an toàn cùng dịch bệnh.
Cũng cần thấy rằng điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng dạy học, tình hình dịch bệnh ở mỗi địa phương là khác nhau, do đó khó thể có một lời giải chung, duy ý chí trong bài toán đảm bảo chất lượng. Bối cảnh bắt đầu năm học đặc biệt cần phải có cách ứng xử đặc biệt. Vì thế, các địa phương phải giãn cách xã hội dài ngày cần lưu ý Công điện mới nhất của Chính phủ về giải pháp tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện kế hoạch năm học mới. Đó là chủ động điều chỉnh kế hoạch năm học; có phương án đặc cách kết thúc năm học, thi cuối cấp, tuyển sinh nếu cần thiết.