Giải bài toán chất lượng trường phổ thông dân tộc nội trú

Giải bài toán chất lượng trường phổ thông dân tộc nội trú

(GD&TĐ) - Hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc  tạo nguồn đào tạo cán bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số.  Chính vì vậy chất lượng đào tạo luôn mang ý nghĩa quyết định và đòi hỏi giải pháp hiệu quả.

Khó chồng khó 

Từ thực tế cho thấy, học sinh trong các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT)  phần lớn là con em các dân tộc vùng sâu, vùng xa, với điều kiện kinh tế khó khăn. Phụ huynh học sinh quanh năm mải miết với ruộng, rừng… kiếm sống nên nhận thức về  việc học tập của con cái chưa thấu đáo, ít có điều kiện quan tâm thậm chí phó mặc việc học tập của con cái cho thầy cô. 

Mặt khác, như ông Phạm Quang Công - Hiệu trưởng trường PTDTNT tỉnh Quảng Ninh chia sẻ thì vùng tuyển sinh hiện nay của trường khá thu hẹp, tập trung ở các xã đặc biệt khó khăn nên không tránh được tình trạng học sinh hổng kiến thức. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới công tác duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng giáo dục.

Không những thế, một bộ phận học sinh có thói quen, sống tự do, thiếu tính kỷ luật, một bộ phận học sinh hạn chế về kỹ năng sống, giao tiếp, tự ti, ngại khó… Trong khi đó, tại trường PTDTNT tỉnh quy mô lớp ít, đội ngũ giáo viên có sự thiếu thừa cục bộ nên dẫn tới sự khó khăn trong tổ chức hoạt động và trao đổi, bồi dưỡng chuyên môn. Một bộ phận giáo viên trẻ, nhân viên lao động hợp đồng (chiếm 50% số cán bộ, giáo viên, lao động) có thu nhập thấp nên đời sống cũng hết sức khó khăn. 

Còn tại trường PTDT NT huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh), băn khoăn của ban giám hiệu nhà trường tại thời điểm này chính là trường nằm trên địa bàn vùng khó khăn của tỉnh. Đối tượng học sinh hầu hết là con em dân tộc thiểu số từ các khe bản trong huyện về học tập. Sự tiếp thu kiến thức còn hạn chế, không đồng đều. Để giúp các em học tốt hơn, nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường thì việc làm tất yếu đó là đổi mới phương pháp dạy học. Và hơn thế, vấn đề đổi mới phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. 

Cũng theo thông tin từ ban giám hiệu của trường PTDT NT Ba Chẽ, không chỉ khó khăn trong vấn đề chất lượng học sinh mà vấn đề đội ngũ cũng còn hạn chế. Giáo viên trẻ chưa có kinh nghiệm công tác, vận dụng đổi mớp phương pháp dạy học chưa thành thạo. Thiết bị dạy học dẫu được cung cấp với số lượng lớn nhưng thiếu tính đồng bộ, độ chính xác không cao, kỹ năng sử dụng của giáo viên còn bất cập… 

Tự học - hoạt động cần thiết của học sinh dân tộc Ảnh: V. HẢI
Tự học - hoạt động cần thiết của học sinh dân tộc   Ảnh: V. HẢI
 

Giải bài toán chất lượng cách nào?

Với nhiều khó khăn đặc thù, nên việc tìm ra các giải pháp tạo động lực phát triển, nâng cao chất lượng GD luôn là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển bền vững của các trường PTDTNT. Ðiển hình như tại Trường PTDTNT tỉnh Quảng Ninh, ban giám hiệu nhà trường đã xác định thực hiện đổi mới phương pháp dạy học đồng thời đổi mới kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh. Nhà trường luôn quan tâm chỉ đạo giáo viên thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh. Tổ chức hoạt động tự học của học sinh theo hướng phát  huy tính chủ động, tích cực. Giáo viên nhà trường khi tổ chức kiểm tra đánh giá học sinh thường bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng môn học, tăng cường kiểm tra việc tự học của học sinh kết hợp với thực hiện nghiêm túc các kỳ thi cử.

Việc thực hiện dạy học theo phân hóa năng lực của học sinh cũng được giáo viên nhà trường tiến hành dựa trên chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục THPT đồng thời cho học sinh làm việc cá nhân và theo nhóm, rèn luyện kỹ năng tự học, tạo điều kiện cho học sinh tự nghiên cứu sách giáo khoa và tài liệu tham khảo. Chú trọng việc phát huy tính tích cực, hứng thú trong học tập của học sinh và vai trò chủ đạo của giáo viên trong tổ chức dạy học…

Bằng những biện pháp nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường đã mang lại kết quả tích cực, năm học 2012 - 2013 khi học lực và hạnh kiểm học sinh có sự ổn định, chất lượng giáo dục tăng. Năm học vừa qua, học sinh của trường đã đạt tổng cộng 20 giải cấp tỉnh trong đó có 2 giải nhất, 1 giải nhì, 4 giải ba, 13 giải khuyến khích trong các môn Tiếng Anh, Casio, văn, Sử, địa, vật lý, sinh học.

Với trường PTDT Nội trú Ba Chẽ lại có các biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục khác. Bên cạnh việc nâng cao nhận thức cho đội ngũ giáo viên thông qua công tác tuyên truyền, giúp cán bộ, giáo viên, nhân viên nhận thức rõ sự cần thiết đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường… thì nhà trường đã đặc biệt chú trọng quan tâm tới vấn đề quản lý cơ sở vật chất và sử dụng thiết bị trong dạy học. 

Năm học qua, trường đã thành lập được ban quản lý tài sản – thiết bị, có đầy đủ hồ sơ sổ sách thống kê, kiểm tra tài sản định kỳ hàng quý, hàng năm. Để sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị có hiệu quả, tiết kiệm và tránh lãng phí, nhà trường đã giao trách nhiệm quản lý, bảo quản và sử dụng cho từng bộ phận, hàng tháng có kiểm tra, báo cáo, sửa chữa bảo dưỡng để phục vụ giảng dạy và học tập kịp thời. 

Để đảm bảo tốt hơn điều kiện phục vụ cho đổi mới phương pháp dạy học, nhà trường trang bị bổ sung số đầu máy vi tính, đủ 1 học sinh/lớp/máy; 05 máy vi tính xách tay được trang bị cho các tổ chuyên môn; đầu chiếu, màn hình đủ cho các phòng học thông thường, phòng bộ môn. Thiết bị dạy học được giao cho các cá nhân, các lớp và nhân viên thiết bị quản lý… Mặt khác, việc sử dụng thiết bị trong quá trình dạy học cũng được trường xác định là một điều kiện quan trọng để đổi mới phương pháp dạy học đạt hiệu quả. Việc quản lý cơ sở vật chất thiết bị dạy học từ Ban giám hiệu đến giáo viên bộ môn đã đi vào nền nếp. Việc sử dụng các thiết bị đã được giáo viên quan tâm. Với những thiết bị khó sử dụng, hiện đại đã được bàn bạc, trao đổi và thống nhất trong các buổi sinh hoạt chuyên môn. Nhiều giáo viên đã có sáng kiến cải tiến và tự làm thiết bị dạy học được áp dụng trong nhà trường, tích cực khai thác kiến thức qua mạng Internet. Những giáo viên được cử đi tập huấn về sử dụng thiết bị dạy học trong đổi mới phương pháp giảng dạy cũng được giao nhiệm vụ tập huấn lại cho giáo viên khác. Chính vì vậy, cán bộ, giáo viên toàn trường đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học, sử dụng triệt để  và có hiệu quả hệ thống máy chiếu trong giảng dạy. 

Từ việc quản lý khai thác cơ sở vật chất, thiết bị dạy học nhà trường đã từng bước đáp ứng được yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Trong năm học qua kết quả học sinh của trường đã đạt trên 50% danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến; Đạt 30 giải học sinh giỏi cấp huyện, 11 giải học sinh giỏi cấp tỉnh. 100% cán bộ giáo viên của trường biết sử dụng công nghệ thông tin vào quản lý, dạy học. 100% giáo viên được tập huấn và thực hiện đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học sinh…

Tăng cường vai trò của tổ trưởng chuyên môn trong công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên; chú trọng việc tự bồi dưỡng chuyên môn của giáo viên. Tích cực đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với học sinh dân tộc thiểu số và dạy học sát với khả năng, trình độ nhận thức của các đối tượng học sinh. Mỗi giáo viên, cán bộ quản lí trường PTDTNT, PTDTBT thực hiện một sáng kiến đổi mới trong phương pháp dạy học và quản lý. Từng trường có kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện hiệu quả về đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh.

(Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2013-2014 đối với giáo dục dân tộc)

Hà Linh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ