Địa lý học: Gỡ bỏ nhãn ngành học lý thuyết

GD&TĐ - Địa lý học, ngành học nặng về lý thuyết-Đó là những suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Bởi thực tế, Địa lý là ngành học thú vị với nhiều cơ hội việc làm.

TS Lê Thanh Hòa - Trưởng khoa Địa lý hướng dẫn sinh viên sử dụng phòng thực hành GIS - Ảnh: HCMUSSH.
TS Lê Thanh Hòa - Trưởng khoa Địa lý hướng dẫn sinh viên sử dụng phòng thực hành GIS - Ảnh: HCMUSSH.

Thuận Phong - Sinh viên khoa Địa lý, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM không nghĩ một ngày mình lại bước trên hành trình trở thành một Kỹ sư môi trường.

“Lúc trúng tuyển nguyện vọng 2 là ngành Địa lý học, tâm thế học tập của mình chưa thực sự tốt lắm, nhưng càng học sâu hơn, mình càng yêu thích. Sau 3 năm học, mình nhận ra ngành Địa lý đầy những điều mới mẻ, khám phá!” – Thuận Phong chia sẻ.

Xóa bỏ những lầm tưởng

Từng có nhiều kinh nghiệm trong việc hướng dẫn học sinh giỏi Địa quốc gia thông qua trang Kiến thức Địa lý, anh Lai Duy Long – Cựu sinh viên K39 khoa Địa lý, Trường ĐH KHXH&NV, cho biết hiện nay học sinh có hai hiểu lầm về ngành Địa lý học. Đầu tiên, Địa lý học đơn thuần là ngành khoa học xã hội. Và lầm tưởng thứ hai là Địa lý học là ngành lý thuyết, học thuộc.

“Lý do có hai lầm tưởng này là học sinh cấp 3 chủ yếu tiếp xúc với kiến thức về địa lý dân số, xã hội, kinh tế trong sách giáo khoa. Ngoài ra cũng có thể do phương pháp học tập khiến học sinh chủ yếu quen học nhớ để làm bài, thiếu sự khám phá.” – anh Lai Duy Long lý giải.

Vì sự khác biệt giữa kiến thức bậc phổ thông với đại học khiến nhiều tân sinh viên bỡ ngỡ vào những ngày đầu tại giảng đường. Kể về cú sốc “đầu đời”, Nguyễn Ngọc Tâm Như (sinh viên năm 2) cho biết dù bản thân đã có nền tảng là học sinh giỏi môn Địa lý từ năm cấp 3 nhưng vẫn không tránh khỏi cảm xúc chới với giữa bể kiến thức và phương pháp học tập mới lạ của đại học.

Thực tế, ngành Địa lý học là một lĩnh vực khoa học nghiên cứu về các vùng đất, địa hình, dân cư và các hiện tượng trên trái đất.

Địa lý học gồm hai nhóm ngành khoa học chính gồm Địa lý tự nhiên và Địa lý kinh tế – xã hội. Cụ thể, có 4 chuyên ngành chính tại Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG-HCM): Địa lý Môi trường, Địa lý Kinh tế - Phát triển vùng, Địa lý Dân số - Xã hội hoặc Bản đồ, Viễn thám và GIS.

Sinh viên lớp Môi trường khóa 41 cùng TS Nguyễn Thanh Hải và ThS Nguyễn Thị Thu Hiền tại phòng thí nghiệm môi trường - Ảnh: NVCC.

Sinh viên lớp Môi trường khóa 41 cùng TS Nguyễn Thanh Hải và ThS Nguyễn Thị Thu Hiền tại phòng thí nghiệm môi trường - Ảnh: NVCC.

Có thể nói, Địa lý học còn là ngành khoa học cơ bản có tính liên ngành cao, có sự kết hợp giữa khoa học xã hội và khoa học tự nhiên.

Ví dụ với chuyên ngành Bản đồ, Viễn thám và GIS, sinh viên phải áp dụng các kiến thức về lập trình. Trong khi đó, chuyên ngành Môi trường yêu cầu thêm các kiến thức về hóa học.

“Ban đầu, mình cũng khá lo lắng khi chọn ngành Địa lý vì bản thân còn yếu các môn Khoa học tự nhiên. Thế nhưng khi vào học, các thầy cô hiểu rõ tâm lý của sinh viên nên thường tạo điều kiện cho hệ thống lại các kiến thức, các dạng bài tập cũng không quá đánh đố. Dần dần, từ một người sợ Hóa học, mình đam mê với ngành học một cách tự nhiên” – Thuận Phong chia sẻ.

Bên cạnh những kiến thức trên giảng đường, sinh viên Địa lý thường có những giờ học thực tế. Điều này được thể hiện rõ thông qua tỷ trọng thực hành và lý thuyết tương đương với nhau trong từng môn học và trong chương trình đào tạo.

Từ những trải nghiệm cá nhân, anh Lai Duy Long cho biết từ năm nhất, năm hai anh đã phải thực hành đào đất để lấy phẫu diện đất, thực hành cách phơi đất, phân tích đất. Anh khẳng định: “Ở mỗi môn học sẽ có những trải nghiệm, thực hành thực tế khác nhau. Dù chuyên ngành Địa lý học có nhiều lý thuyết thật nhưng các thầy cô tạo điều kiện tối đa để sinh viên áp dụng kiến thức vào đời sống.”

Bùi Nguyễn Duy Phương (năm 1, khoa Địa lý, Trường ĐH KHXH&NV) cho biết ngay từ đầu năm khoa đã tạo điều kiện cho sinh viên năm nhất tiếp cận với nghiên cứu khoa học. Để chuẩn bị cho đề tài nghiên cứu về hoạt động sinh kế ở huyện Cần Giờ, Duy Phương đã phải đi khảo sát tại địa phương, phỏng vấn sâu ban quản lý khu vực. Qua đó, bạn không chỉ hiểu thêm về địa phương hay áp dụng được những gì đã học mà còn mở rộng mạng lưới quan hệ.

Sinh viên khoa Địa lý tham quan công trình ga tàu ngầm Nhà hát Thành phố thuộc tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) - Ảnh: CLB GEOID.
Sinh viên khoa Địa lý tham quan công trình ga tàu ngầm Nhà hát Thành phố thuộc tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) - Ảnh: CLB GEOID.

Học Địa lý ra để… đi đào đất?

Đây là câu hỏi mà Thuận Phong nhận được nhiều nhất khi được hỏi về công việc tương lai.

Dự định làm việc trong lĩnh vực điện lực, Thuận Phong cho biết đây là một ngành có rất nhiều cơ hội cho sinh viên chuyên ngành Môi trường vì các công ty này luôn cần những kỹ sư đánh giá tác động môi trường xung quanh khi xây dựng hay quy hoạch dự án mới.

Theo Thuận Phong, đây còn là ngành năng lượng tái tạo, vừa có giá trị thặng dư cao, vừa bảo vệ môi trường theo hướng phát thải ròng bằng 0 và cũng là một ngành năng lượng bền vững trong tương lai.

Hiện nay, sinh viên tốt nghiệp ngành Địa lý học có đa dạng cơ hội nghề nghiệp như giảng dạy, nghiên cứu các vấn đề địa lý kinh tế; Làm việc trong các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan phụ trách các vấn đề kinh tế, dân số, phát triển xã hội, cơ quan đo đạc bản đồ, tài nguyên môi trường; công ty du lịch, các đơn vị tư vấn phát triển, công nghệ viễn thám hoặc theo học Thạc sĩ, Tiến sĩ tại khoa,…

Hiện đang làm tại một doanh nghiệp chuyên về môi trường ở TPHCM, chị Nguyễn Yến Như - Cựu sinh viên khóa 39 khoa Địa lý tiết lộ ngay sau khi tốt nghiệp bản thân chị đã nhanh chóng có công việc ổn định. “Khi học tập tại khoa Địa lý, tôi đã học được nhiều kiến thức cần thiết cho công việc hiện tại về môi trường như luật, chính sách bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường...

Theo tôi, cơ hội nghề nghiệp không chỉ đến từ kiến thức thầy cô cung cấp hay lĩnh vực đó có đang ‘hot’ hay không mà còn qua sự nỗ lực rèn luyện, quyết tâm tích lũy kinh nghiệm của chính sinh viên.” - chị Yến Như nhấn mạnh.

Thực tế hiện nay, một số sinh viên còn tranh thủ thời gian ngồi trên ghế nhà trường để thực hành, trau dồi kỹ năng MC, truyền thông – sự kiện, hoạt động kinh doanh… Từ đó, làm giàu CV, gia tăng cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.

Nguyễn Ngọc Tâm Như (sinh viên năm 2) chia sẻ: “Tại Khoa Địa lý, mình không chỉ được học đúng với đam mê mà còn được phát triển bản thân qua nhiều lần thử sức ở các vai trò khác nhau thông qua một số hoạt động Đoàn – Hội, câu lạc bộ.”

Từng thử sức ở nhiều lĩnh vực như tổ chức sự kiện, biên tập viên cho trang thông tin điện tử, anh Lai Duy Long cho biết: “Theo quan sát và trải nghiệm thực tế của tôi thì thị trường luôn cần lao động giỏi ở khối ngành xã hội. Do đó, đây là vấn đề năng lực của từng cá nhân vì bất kỳ nghề nghiệp nào cũng sẽ có cơ hội riêng. Vì Địa lý là một môn khoa học liên ngành nên học Địa lý, sinh viên vẫn có đa dạng cơ hội nghề nghiệp để lựa chọn”.

Sinh viên trải nghiệm mô hình của các dự án điện gió, điện mặt trời bên trong Nhà máy Điện gió Trung Nam - Ảnh: khoa Địa lý.

Sinh viên trải nghiệm mô hình của các dự án điện gió, điện mặt trời bên trong Nhà máy Điện gió Trung Nam - Ảnh: khoa Địa lý.

“Think Global – Act Local”

“Tư duy toàn cầu, Hành động địa phương” - Đây là khẩu hiệu được nhiều sinh viên khoa Địa lý thuộc nằm lòng ngay từ khi bước vào khoa.

Theo TS Lê Thanh Hòa - Trưởng khoa Địa lý, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TPHCM), khoa định hướng sinh viên tư tưởng “nghĩ việc lớn, làm từ việc nhỏ”, từ đó xây dựng lối sống bền vững, hiểu biết hơn về các hoạt kinh tế - xã hội và có ý thức bảo vệ môi trường địa phương. Từ đó, khuyến khích người trẻ suy nghĩ và giải quyết những thách thức quốc tế thông qua tư duy sáng tạo, học tập và nghiên cứu theo suy nghĩ toàn cầu.

Bên cạnh đó, khoa Địa lý kết hợp triển khai chương trình đào tạo song bằng Pháp - Việt (AUF). Sinh viên sẽ được giảng dạy bởi các giảng viên tu nghiệp tại các nước nói tiếng Pháp của Khoa Địa lý học hoặc bởi giảng viên thỉnh giảng tại Trường Đại học Pau và vùng Adour, Cộng hòa Pháp trong cùng một khoảng thời gian học tập tại trường.

Chia sẻ về quá trình theo học chương trình AUF, Nguyễn Ngọc Xuân Trà – sinh viên năm 3 khoa Địa lý Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG-HCM) cho biết: “Các môn mà mình được học trong AUF đều có sự liên hệ với các môn trong khoa như Phương pháp nghiên cứu khoa học, Địa lý đô thị,... nhưng cách tiếp cận lại có sự khác nhau. Các giảng viên tại AUF đã giúp mình hình thành được góc nhìn đa chiều ở một vấn đề Địa lý, từ đó đưa ra phương án giải quyết phù hợp với thực tế.”

Mỗi năm học, khoa Địa lý sẽ cùng AUF tổ chức để sinh viên thực tập, thực tế tại nhiều địa phương. Sau chương trình, sinh viên sẽ viết một bài báo cáo bằng tiếng Pháp. “Đây là dịp để lớp tìm hiểu, vận dụng kiến đã học vào việc nghiên cứu các vấn đề thực tế, nâng cao năng lực xử lý các vấn đề liên quan đến lĩnh vực Địa lý học.” - Xuân Trà chia sẻ.

Nhóm sinh viên chương trình AUF trải nghiệm tại Công ty Cổ phần Thủy sản Hà Nội - Cần Thơ - Ảnh: NVCC.

Nhóm sinh viên chương trình AUF trải nghiệm tại Công ty Cổ phần Thủy sản Hà Nội - Cần Thơ - Ảnh: NVCC.

Địa lý là ngành học với thế mạnh về tư duy liên ngành, tư duy hệ thống và tư duy không gian, đặt khoa học địa lý vào vị trí quan trọng trong nghiên cứu và đóng góp các giải pháp trong quy hoạch lãnh thổ, tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực và phát triển bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.