Ngành Tôn giáo học -Cơ hội việc làm đi đôi với giá trị nhân văn

GD&TĐ -Không đơn thuần là ngành học cung cấp kiến thức chuyên môn về tôn giáo, ngành Tôn giáo học mang lại nhiều lợi thế nghề nghiệp cho người học.

Môi trường năng động giúp sinh viên Tôn giáo học phát triển và hội nhập tốt. Ảnh: OCER.
Môi trường năng động giúp sinh viên Tôn giáo học phát triển và hội nhập tốt. Ảnh: OCER.

Ngành Tôn giáo học đã và đang mang lại những lợi thế cho người học với nhiều cơ hội nghề nghiệp và tính đa ứng dụng.

Để có cái nhìn sâu sắc về ngành Tôn giáo học, Báo Giáo dục & Thời đại có buổi trò chuyện với TS Dương Hoàng Lộc - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo - Đạo đức, Trưởng Bộ môn Nhân học Tôn giáo, khoa Nhân học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM.

Ngành học ứng dụng trên nhiều phương diện của đời sống

PV: Được biết, Tôn giáo học là ngành học trang bị kiến thức, kỹ năng nhằm phân tích các hệ giá trị tôn giáo ảnh hưởng vào đời sống cá nhân và xã hội. Xin thầy phân tích cụ thể về tính cấp thiết và vai trò ứng dụng của ngành đối với nước ta hiện nay?

TS Dương Hoàng Lộc: Tôn giáo học là ngành học mới trên thế giới cũng như Việt Nam. Từ nửa cuối thế kỷ XX trở đi, nhân loại chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của tôn giáo, nhất là những tác động của tôn giáo đối với con người trên nhiều phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Ở Việt Nam, các tôn giáo lớn như Phật giáo, Công giáo… có ảnh hưởng lớn và trở thành một bộ phận của văn hóa dân tộc. Trước kia nhận thức về tôn giáo ở nước ta gắn liền với phạm trù đạo đức và văn hóa, ngày nay, Đảng và Nhà nước xem tôn giáo là một trong những nguồn lực phát triển đất nước.

Nguồn lực tôn giáo bao gồm nguồn lực vật chất và tinh thần. Các nguồn lực này có mối quan hệ với an sinh xã hội, xây dựng nhân cách con người, phát triển kinh tế, bảo tồn di sản văn hóa, thậm chí an ninh quốc gia.

Vì vậy, ngành Tôn giáo học có nhiệm vụ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nhằm đảm bảo những kiến thức và kỹ năng quan trọng trong công tác quản lý tôn giáo các cấp. Bên cạnh đó, cử nhân Tôn giáo học có thể giảng dạy tại các trường đại học; tham gia nghiên cứu tại các viện nghiên cứu về tôn giáo hoặc tham gia các tổ chức phi chính phủ (NGOs) liên quan đến tôn giáo.

Đặc biệt, ngành học còn cung cấp kiến thức cần thiết trong mảng du lịch tâm linh đang phát triển hiện nay. Theo tôi nghĩ, tôn giáo học là ngành học bổ ích, hấp dẫn và mở ra nhiều cơ hội cho các bạn sinh viên có niềm đam mê tìm hiểu, nghiên cứu về tôn giáo.

TS Dương Hoàng Lộc - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo - Đạo đức, Trưởng Bộ môn Nhân học Tôn giáo, khoa Nhân học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM.

TS Dương Hoàng Lộc - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo - Đạo đức, Trưởng Bộ môn Nhân học Tôn giáo, khoa Nhân học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM.

PV: Bên cạnh việc cung cấp những kiến thức chuyên sâu về tôn giáo và tín ngưỡng, chương trình đào tạo của ngành sẽ tổ chức các hoạt động ngoại khóa và thực tập thực tế ra sao, thưa thầy?

TS Dương Hoàng Lộc: Ngành Tôn giáo học của Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM chú trọng đào tạo kết hợp lý thuyết với thực hành nhằm tăng cường tính thực tiễn, tạo cơ hội cho sinh viên tiếp xúc và cọ xát với thực tế. Qua đó, giúp các em nhận thức rõ hơn về giá trị ngành học.

Trong chương trình đào tạo, vào năm thứ 3 và 4, sinh viên được tham gia hai môn học thực tập thực tế 1 và 2. Chủ trương của chúng tôi là đưa sinh viên đến các cộng đồng tôn giáo điền dã, khảo sát các hoạt động tôn giáo. Tiếp đến là giới thiệu sinh viên đến thực tập tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động liên quan đến tôn giáo để các em mở rộng cơ hội tiếp cận nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, các môn học tăng cường tổ chức những chương trình ngoại khóa nhằm cung cấp kiến thức thực tiễn cho sinh viên. Chẳng hạn, với môn Tâm lý học tôn giáo, sinh viên sẽ đến chùa để biết thêm phương pháp hành thiền, vai trò của thiền đối với cuộc sống. Năm 2022, ngành Tôn giáo học nhận được nhiều hỗ trợ từ đại diện các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo tại Thành phố Hồ Chí Minh và doanh nghiệp du lịch tâm linh có uy tín.

Cụ thể, ngay từ học kỳ đầu năm nhất, chúng tôi phối hợp với các cơ quan tổ chức những buổi chia sẻ liên quan đến cơ hội nghề nghiệp và các kỹ năng liên quan đến Tôn giáo học. Ngoài ra, các môn học Du lịch tâm linh, Các loại hình tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Tôn giáo học đại cương được nhà trường tài trợ kinh phí trọn gói cho sinh viên đi thực tế tại Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Các hoạt động thực tập, thực tế này đều mang lại hiệu quả tốt, giúp sinh viên quan tâm nhiều hơn ngành học và thấy được vai trò, ý nghĩa ngành Tôn giáo học đối với xã hội hiện nay.

Đa dạng cơ hội việc làm

PV: Thưa thầy, với tính liên ngành cao, sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Tôn giáo học sẽ có cơ hội việc làm như thế nào?

TS Dương Hoàng Lộc: Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành Tôn giáo học có thể làm việc tại các vị trí như: Cán bộ nghiên cứu tại các viện, trung tâm, tổ chức phi chính phủ (NGOs); cán bộ công tác tôn giáo ở Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ/Phòng Nội vụ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, Ban Dân vận các cấp; phóng viên, biên tập viên…

Ngoài ra, cử nhân Tôn giáo học có thể học lên Thạc sĩ, Tiến sĩ để trở thành giảng viên ở các trường đại học, cao đẳng; hoặc có thể trang bị các chứng chỉ về hướng dẫn viên du lịch… để trở thành hướng dẫn viên du lịch.

Tuy nhiên, dù công tác trong lĩnh vực nào thì điều quan trọng nhất là sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Tôn giáo học cần có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị và ý thức phục vụ cộng đồng, xã hội, Tổ quốc.

Sinh viên Tôn giáo học tìm hiểu hoạt động doanh nghiệp.
Sinh viên Tôn giáo học tìm hiểu hoạt động doanh nghiệp.

PV: Tôn giáo học là một ngành học khá mới tại Việt Nam. Vậy theo thầy, cử nhân ngành Tôn giáo học sẽ có những lợi thế gì trong thị trường lao động?

TS Dương Hoàng Lộc: Lợi thế của ngành Tôn giáo học là hiện nay đội ngũ tham gia công tác Nhà nước liên quan đến tôn giáo ở các cấp chưa được đào tạo một cách bài bản còn khá nhiều.

Trong khi đó, yêu cầu về kiến thức chuyên môn, kỹ năng đặt ra ngày một cao nhằm đáp ứng tình hình thực tiễn hiện nay. Đây là cơ hội lớn cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Tôn giáo học.

Mặt khác, ngoài xã hội, ngày càng có nhiều tổ chức NGOs, các cơ quan truyền thông, các doanh nghiệp hoạt động liên quan đến tôn giáo. Vì vậy, sinh viên ngành học này sẽ có nhiều cơ hội việc làm dựa trên những kiến thức và kỹ năng được đào tạo.

PV: Thầy có lời khuyên gì dành cho các bạn trẻ mong muốn theo đuổi ngành Tôn giáo học?

TS. Dương Hoàng Lộc: Để theo học ngành Tôn giáo học, các bạn cần có tinh thần tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm công dân, tinh thần phục vụ cộng đồng xã hội, có bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, có năng lực tự học, tự nghiên cứu...

Nhưng theo tôi, điều hơn hết vẫn là niềm đam mê, lòng yêu mến về truyền thống văn hóa dân tộc, nhất là giá trị văn hóa tâm linh tạo ra những ứng xử đạo đức, lối sống nhân văn của con người Việt Nam.

Các bạn cũng cần là người có ý tưởng vận dụng các vấn đề lý thuyết vào thực tiễn vì chương trình rất khuyến khích khả năng ứng dụng, sáng tạo của người học.

Trân trọng cảm ơn thầy!

Thực hiện phương châm “Biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo” cho sinh viên

Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM đào tạo bậc cử nhân ngành Tôn giáo học từ năm 2021. Ngành Tôn giáo học cung cấp cho người học những kiến thức liên ngành toàn diện và chuyên sâu về tôn giáo, tín ngưỡng trong nước và trên thế giới; hình thành các kỹ năng vận dụng các hệ giá trị tôn giáo vào trong đời sống cá nhân và xã hội. Đây cũng là ngành học được ĐHQG TPHCM tài trợ một phần chi phí đào tạo thông qua hỗ trợ học phí và các hoạt động phát triển năng lực sinh viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ