Triết học là học mãi trong sách vở?
Triết học là một trong những bộ môn khoa học cơ bản, giữ vai trò nền tảng và định hướng cho các bộ môn khoa học khác cơ cấu và phát triển.
Kiến thức triết học cô đọng tri thức về tất cả các lĩnh vực. Vì thế, người học cần rất nhiều thời gian và công sức để tìm hiểu và chinh phục môn học này. Điều này vô hình trung khiến nhiều bạn trẻ “ngại” theo học triết.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS. TS Cao Xuân Long - Trưởng khoa Triết học Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM bày tỏ: “Khách quan mà nói, ngành khoa học nào cũng đòi hỏi người học phải nắm bắt kiến thức sâu rộng, chứ không riêng gì triết học. Triết học cũng thể hiện tính linh hoạt, khách quan và vận dụng sáng tạo. Vì vậy, người học triết nên tích cực đón nhận và nâng cao phương pháp luận phù hợp - phát huy tính sáng tạo, linh hoạt của triết học”.
Tại Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM, sinh viên ngành Triết học không chỉ được trang bị kiến thức cơ bản về triết và những ứng dụng của triết học trong đời sống, mà còn tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa liên quan. Trong đó có những hoạt động ngoại khóa về kỹ năng thực hành xã hội và đối thoại cùng với cơ quan doanh nghiệp; những hoạt động Đoàn - Hội về tình nguyện, sáng tạo và hội nhập quốc tế…
Ngoài ra, Nhà trường miễn học phí đối với các chuyên ngành: Triết học Mác - Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Tư tưởng Hồ Chí Minh theo quy định của Nhà nước để tạo điều kiện cho sinh viên theo đuổi đam mê.
Khoa Triết học là đơn vị uy tín trong đào tạo sau đại học khu vực phía Nam. Ảnh: Khoa Triết học |
Phạm Gia An, sinh viên năm thứ nhất khoa Triết học chia sẻ: “Kiến thức triết học đã giúp mình rất nhiều. Với góc nhìn biện chứng bao quát, có tư duy, tầm nhìn rõ ràng, mình dễ làm việc trong nhiều tập thể và dung hòa những cá nhân khác nhau. Nhờ đó, mình cũng phân công công việc phù hợp cho từng thành viên”.
Không chỉ có các hoạt động tại khoa, Nhà trường còn tổ chức nhiều tọa đàm, talkshow, chương trình thực tế cơ quan, doanh nghiệp. Điều này, tạo điều kiện để sinh viên dễ dàng vận dụng kiến thức vào thực tế. Nhờ đó, sinh viên khoa Triết càng có thêm nhiều lĩnh vực để thể hiện những thế mạnh của bản thân.
Thị trường lao động luôn cần triết học
Theo định hướng đào tạo, sinh viên ngành Triết học có thể chọn chương trình giáo dục chuyên ngành Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Tôn giáo học hoặc Khoa học chính trị. Ngoài những môn học đại cương thuộc khối ngành khoa học xã hội và nhân văn, sinh viên được trang bị kiến thức cơ bản về triết học và những ứng dụng của triết học trong đời sống qua nhiều môn học chuyên ngành.
Đặc biệt, khác với lầm tưởng của nhiều người rằng ngành Triết học không “kén” việc làm, thực tế, nhiều lĩnh vực trong thị trường lao động đều cần đến triết học.
Không chỉ có cơ hội việc làm tại các cơ quan Đảng và Nhà nước, cử nhân ngành Triết học còn có thể đảm đương nhiều vai trò và vị trí quan trọng khác. Chẳng hạn, nghiên cứu và giảng dạy tại các viện nghiên cứu; giảng dạy các môn lý luận chính trị; làm giáo viên bậc trung học các môn giáo dục chính trị và giáo dục công dân.
Ngoài ra, bạn trẻ có thể phụ trách công tác văn hóa - tư tưởng và biên tập tại các cơ quan truyền thông, nhà xuất bản hay làm việc tại phòng hành chính và nhân sự tại các công ty tư nhân và nhà nước…
Ngoài giờ học trên lớp, sinh viên có thể đăng ký tham gia các hoạt động tình nguyện ở nhiều địa phương - Ảnh: Đoàn Hội khoa Triết học |
Anh Nguyễn Bảo Minh hiện đang công tác ở Ban Cán sự Đoàn ĐHQG TPHCM cho biết: “Ở môi trường làm việc với các bạn trẻ, nhờ những kiến thức và kỹ năng tích luỹ ở khoa, mình có thể tự tin hơn về lý luận và cũng có thể truyền đạt, hỗ trợ và chia sẻ gần gũi với các bạn sinh viên, học sinh”.
Có thể hiểu, triết học không phải là một bộ môn nghề, tức không dạy kiến thức của một nghề nghiệp cụ thể nào. Vì vậy, cơ hội việc làm vẫn là tùy thuộc vào năng lực của mỗi người.
Chị Nguyễn Diệp Ái Lệ tốt nghiệp chuyên ngành Chính trị học hiện là trưởng phòng kinh doanh một công ty bảo hiểm nhân thọ. Chị tâm sự: “Thoạt nhìn, kiến thức 4 năm ở khoa Triết có vẻ chẳng liên quan đến công việc của tôi. Nhưng triết học đã cho tôi những góc nhìn, tri thức và lý luận để phân tích, đánh giá công việc.
Nói cách khác, tôi sống và làm việc có mục đích, mục tiêu rõ ràng. Với tôi, dù bạn làm ngành nghề nào đi chăng nữa thì tư duy, tầm nhìn, định hướng chiến lược… vẫn là những điều mà bạn phải học. Mà triết học là bộ môn giải quyết được những vấn đề đó”.
Chị Lê Thị Hoài Thu hiện đang công tác tại Trường Đào tạo & Phát triển Nguồn Nhân lực – Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) bày tỏ, thời gian đầu, bạn trẻ sẽ khó có thể hiểu sâu sắc những kiến thức chuyên ngành mà giảng viên truyền đạt. Tuy nhiên, những kiến thức, tư tưởng ấy sẽ dần dần hình thành kỹ năng tư duy lập luận để áp dụng cho mọi công việc trong tương lai.
Có thể thấy, kiến thức triết học vẫn luôn giữ vai trò quan trọng trong định hướng phát triển xã hội và cộng đồng. Trong 3 năm gần đây, điểm trúng tuyển của khoa Triết đang có xu hướng tăng. Điều này khẳng định sự ghi nhận của xã hội về khoa Triết và sự thiết yếu của bộ môn này đối với thị trường lao động.
Có thể nói, với người học triết học, cơ hội việc làm rộng mở, tư duy và thái độ sống được bồi đắp, chỉ cần bạn trẻ chủ động tích lũy thêm nhiều kỹ năng nghề, hành trình tương lai sẽ vô cùng rộng mở.
Sinh viên Khoa Triết học trong một hoạt động học tập, trải nghiệm. |