Ngành Nhân học - Đa dạng cơ hội nghề nghiệp

GD&TĐ -Với nhiều hoạt động trải nghiệm thực tế được thiết kế trong chương trình học, ngành Nhân học đang từng bước phát triển theo hướng hội nhập quốc tế.

Sinh viên khoa Nhân học trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc trong Ngày hội văn hóa - Ảnh: Đoàn Hội khoa Nhân học.
Sinh viên khoa Nhân học trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc trong Ngày hội văn hóa - Ảnh: Đoàn Hội khoa Nhân học.

Nhân học - Từ con người đến thực tiễn

Theo PGS.TS Huỳnh Ngọc Thu - Trưởng khoa Nhân học, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG-HCM), để học tốt ngành Nhân học, sinh viên phải nắm vững lý thuyết và các phương pháp nghiên cứu của ngành. Song, sinh viên cần có trải nghiệm thực tập - thực tế để vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn. Trong suốt 4 năm học, sinh viên Nhân học có hai đợt thực tập, mỗi đợt kéo dài 2 tuần.

Đợt thực tập đầu tiên liên quan đến kiến thức chuyên môn. Cụ thể, sinh viên được tự chọn 1 chủ đề nghiên cứu về dân tộc hoặc tôn giáo. Trong hai tuần lễ, sinh viên sẽ trải nghiệm đời sống cùng người dân thông qua việc: cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc để khám phá và đào sâu văn hóa - con người địa phương.

Đợt thực tập thứ hai liên quan đến nghề nghiệp hay còn gọi là “thực tập mở”. Trong đợt này, sinh viên được chọn thực tập tại cơ quan hoặc doanh nghiệp theo đúng nguyện vọng của mình. Theo đó, khoa và nhà trường sẽ hỗ trợ công văn liên lạc và tạo điều kiện tốt nhất, giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận và trải nghiệm thực tập tại đơn vị.

PGS.TS Huỳnh Ngọc Thu cũng chia sẻ thêm: “Đợt thực tập thứ 2 là cơ hội để sinh viên tự giới thiệu mình với cơ quan thực tập, đây cũng là cơ hội nghề nghiệp của sinh viên khi tốt nghiệp nếu sinh viên có biểu hiện tốt trong quá trình thực tập tại đây.”

Nhân học - không đơn thuần là hiểu về con người

Trên phương diện dân tộc, Việt Nam có 54 dân tộc tương đương với 54 đặc trưng văn hóa khác nhau. Theo PGS.TS Huỳnh Ngọc Thu, sự đa dạng về dân tộc, văn hóa là sự đa dạng mang tính thực tiễn của xã hội. Vì thế, học tốt ngành Nhân học sẽ giúp người học thấu hiểu được văn hóa tộc người, con người và cụ thể hơn là hiểu được mỗi cá thể hoặc tộc người đối diện mình.

Qua đó, sinh viên hình thành cung cách ứng xử phù hợp, linh hoạt, giúp điều hòa tốt các mối quan hệ, góp phần thực hiện tốt vai trò quản lý nhân sự trong môi trường làm việc đa tộc người, đa văn hóa.

“Ví dụ như trong lĩnh vực báo chí và truyền thông, việc am hiểu về sự khác biệt trong môi trường sống, nét văn hóa đặc trưng hoặc thậm chí là những kiêng kỵ riêng của đồng bào thiểu số là điều kiện tiên quyết để khai thác thông tin sâu sắc và đa chiều” - PGS.TS Huỳnh Ngọc Thu chia sẻ.

Nghiên cứu khoa học là thế mạnh của sinh viên Nhân học - Ảnh: Khoa Nhân học.
Nghiên cứu khoa học là thế mạnh của sinh viên Nhân học - Ảnh: Khoa Nhân học.

Anh Nguyễn Thái Bảo - Cựu sinh viên ngành Nhân học khóa 2006 - 2010, cho biết chuyên ngành Nhân học Văn hóa - Xã hội đã tạo cơ hội nghề nghiệp cho anh khá nhiều sau khi ra trường, trong đó có chức vụ là Phó trưởng Ban Dân chủ, Pháp luật - Dân tộc, Tôn giáo, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh.

Anh Bảo cho biết: “Ngành Nhân học bước đầu cung cấp kiến thức nền về con người và xã hội, từ đó người học có thể tự học hỏi và nghiên cứu trong môi trường làm việc mà mình hướng đến, nhất là các kỹ năng và phương pháp tiếp cận, thu thập thông tin và cách nhìn về giải pháp cho vấn đề”.

Trong khi đó với sinh viên đang theo học tại Trường ĐH KHXH&NV, những trải nghiệm thực tế thông qua chương trình học đã đem đến một cách nhìn khác về ngành Nhân học.

Vừa trở về sau chuyến đi thực tế môn Nhân học Sinh thái tại tỉnh An Giang, sinh viên Võ Lê Ngọc Trân - năm 3 hào hứng chia sẻ đây là cơ hội cho sinh viên tiếp cận với các hệ sinh thái đặc trưng của tỉnh An Giang và lắng nghe những câu chuyện gần gũi về đời sống người nông dân. Với Ngọc Trân, trải nghiệm ấy không chỉ là cơ hội rèn luyện giao tiếp, thích nghi với những con người, văn hóa mới mà còn bồi đắp kiến thức, tình yêu với văn hóa và con người Việt Nam.

Từng bước phát triển theo xu hướng đào tạo của thế giới

Hàng năm, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG-HCM) tiếp nhận rất nhiều học bổng từ các trường đại học danh tiếng trên thế giới. Trong đó, nhiều học bổng liên quan đến lĩnh vực Nhân học từ các trường đại học như Yale, Toronto…

Ngoài ra, khoa Nhân học còn mời những giảng viên nổi tiếng đến thỉnh giảng, trao đổi học thuật cho sinh viên, học viên sau đại học của khoa như: GS.TS Lương Văn Hy (ĐH Toronto, Canada), GS.TS Akifumi Iwabuchi (ĐH Tokyo, Nhật Bản), GS.TS Andrew Willford (ĐH Yale, Mỹ), GS.TS Janet Hoskins (ĐH Nam Cali, Mỹ), GS.TS Erik Harms (ĐH Yale, Mỹ), GS.TS Michael Herzfeld (ĐH Harvard, Mỹ)...

“Nếu sinh viên có định hướng nghiên cứu, kiến thức và trình độ tiếng Anh tốt, các giáo sư luôn khuyến khích và hỗ trợ sinh viên làm thủ tục du học tại các ngôi trường danh tiếng này.” - Thầy Huỳnh Ngọc Thu cho biết thêm.

Trong hai chuyên ngành đào tạo, chuyên ngành Nhân học Phát triển có chương trình đào tạo gần hơn với xu hướng đào tạo của thế giới. Bởi lẽ, việc sử dụng tài liệu giảng dạy bằng tiếng Anh và sử dụng một phần tiếng Anh để trình bày và thảo luận trong buổi học sẽ góp phần rèn luyện kỹ năng giao tiếp, gia tăng khả năng hội nhập của sinh viên khi trao đổi về các vấn đề quốc tế. Bên cạnh đó, trình độ ngoại ngữ và phương pháp nghiên cứu cũng là yêu cầu chính yếu của các tổ chức phi chính phủ (NGOs) khi tuyển nhân sự.

Về chất lượng đào tạo, chương trình đào tạo sau đại học đã được đánh giá và đạt chuẩn chất lượng giáo dục theo chuẩn của Bộ GD&ĐT (MOET). Trong khi đó, chương trình cử nhân sẽ được đánh giá chất lượng theo chuẩn AUN-QA vào tháng 10/2023. Để đạt được chứng nhận này, chương trình đào tạo phải được xây dựng theo hướng hội nhập với sự phát triển của thế giới.

Trong nhiều năm qua, chương trình đào tạo của khoa Nhân học ở cả hai chuyên ngành Nhân học Văn hóa - Xã hội và Nhân học Phát triển đều được xây dựng theo xu hướng hội nhập chuẩn quốc tế, chỉ khác ở hình thức sử dụng ngoại ngữ trong giảng dạy và thảo luận. Đối với chuyên ngành Nhân học Phát triển, tỷ lệ sử dụng tiếng Anh nhiều hơn. Tuy nhiên, tính hội nhập của hai chuyên ngành như nhau. Các môn học của hai chuyên ngành đều có nội hàm tương đương với các môn học ở những trường đại học danh tiếng trên thế giới giảng dạy về Nhân học.

Sinh viên Nhân học được kiến tạo nhiều hoạt động phát triển bản thân, cộng đồng. Ảnh: Khoa Nhân học.
Sinh viên Nhân học được kiến tạo nhiều hoạt động phát triển bản thân, cộng đồng. Ảnh: Khoa Nhân học.

Khuyến khích người học chủ động tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp

Theo thông tin trên website Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG-HCM), chuẩn đầu ra của ngành Nhân học được xây dựng và cam kết với người học sau khi tốt nghiệp là có đủ kiến thức, kỹ năng chuyên môn để đảm nhận nhiều vị trí việc làm khác nhau.

Về vị trí học thuật, sinh viên sau tốt nghiệp có thể trở thành cán bộ nghiên cứu khoa học, giảng dạy trong các trường đại học, viện nghiên cứu, các trung tâm đào tạo.

Về vị trí trong các cơ quan quản lý, trực tiếp đảm nhiệm các vị trí công chức, viên chức ở các cơ quan nhà nước để quản lý và thực thi chính sách văn hóa - xã hội, dân tộc, tôn giáo, kinh tế (các cơ quan văn hóa - xã hội, kinh tế, tôn giáo thuộc chính quyền cấp tỉnh, thành và các phòng chức năng thuộc chính quyền cấp quận, huyện, xã, phường…).

Về vị trí tư vấn - phản biện, tham gia tư vấn, phân tích phản biện xây dựng chính sách, thực thi và giám sát chính sách dân tộc và các chính sách phát triển kinh tế - xã hội; Phân tích đánh giá các dự án, chương trình hay môi giới văn hóa; Chuyên gia xã hội hay các vai trò khác để hỗ trợ chính quyền trung ương hoặc địa phương xử lý các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội.

Về vị trí tập huấn - bồi dưỡng, tham gia tập huấn nâng cao năng lực, cập nhật trình độ và kỹ năng công tác văn hóa - xã hội, kinh tế, dân tộc, tôn giáo cho các đối tượng cụ thể như: cán bộ Nhà nước ở trung ương và địa phương; các cộng đồng dân tộc thiểu số để nâng cao nhận thức và tăng cường cho họ kỹ năng nhận diện giá trị kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa hay biến các giá trị văn hóa của họ thành di sản để phát triển du lịch.

PGS.TS Huỳnh Ngọc Thu cho biết, nhiều học sinh, sinh viên thường thắc mắc về cơ hội nghề nghiệp của ngành Nhân học nhưng khó nhận lại câu trả lời thỏa mãn. Bởi lẽ, đây là ngành học cung cấp kiến thức nền tảng, giúp ích trong nhiều lĩnh vực của xã hội nên sẽ khó có câu trả lời chính xác về công việc cụ thể cho người học sau tốt nghiệp.

Thầy chia sẻ thêm: “Khi chọn học những ngành khoa học cơ bản và quan tâm đến công việc tương lai, người học nên đặt câu hỏi bản thân muốn làm công việc gì khi học và sau khi tốt nghiệp. Câu hỏi này sẽ định hình công việc mà bạn sẽ theo đuổi để tìm cách đạt được nó. Đồng thời, giúp bạn điều chỉnh phương pháp học tập cũng như kỹ năng, thái độ để hướng đến mục tiêu thực sự của mình trong tương lai.”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.