Ngôn ngữ Nga - ngành học đa ứng dụng

GD&TĐ -Cùng với sự phát triển của xã hội, công nghệ hiện đại, nhu cầu về nguồn nhân lực tiếng Nga trong các doanh nghiệp ngày càng lớn. 

Khoa Ngôn ngữ Nga - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn-ĐHQG TPHCM luôn mang đến các sân chơi văn hóa bổ ích cho sinh viên.
Khoa Ngôn ngữ Nga - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn-ĐHQG TPHCM luôn mang đến các sân chơi văn hóa bổ ích cho sinh viên.

Biết và nói tiếng Nga ngày càng có nhiều lợi thế trong việc mở rộng cơ hội việc làm, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Ngôn ngữ Nga là ngành học có truyền thống tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM.

Học ngôn ngữ, hiểu văn hóa

Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM là một trong các đơn vị có ưu thế trong việc thu hút sinh viên quốc tế. Điều này hình thành nên một môi trường học tập mang tính đa dạng về văn hóa với nhiều hoạt động giao lưu và tìm hiểu về văn hóa của các quốc gia. Với riêng bộ môn ngôn ngữ Nga, nhà trường thường mang đến các sân chơi bổ ích cho sinh viên với nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi và tìm hiểu thêm về văn hóa, ngôn ngữ của đất nước xứ sở bạch dương.

Trong năm 2022, các sinh viên đại diện Khoa Ngữ văn Nga của trường đã có cơ hội tham gia Festival “Đa sắc màu Việt-Nga” được tổ chức tại Trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy - Cơ sở 2 (Hòa Bình). Đây là đại diện duy nhất đến từ phía Nam tham gia sân chơi văn hóa và đạt được những thành tích đáng tuyên dương.

Ngoài các hoạt động giao lưu và trao đổi, văn hóa Nga còn được truyền tải thông qua các học phần về văn hóa trong chương trình đào tạo của chuyên ngành Ngữ văn Nga. Chính vì vậy, các cử nhân tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Nga không chỉ đạt đầu ra về ngôn ngữ Nga mà còn được trang bị vốn kiến thức đầy đủ về văn hóa của đất nước này.

Nhiều hơn câu chuyện dịch thuật

Biên, phiên dịch luôn là ngành nghề được rất nhiều sinh viên ngành ngôn ngữ lựa chọn sau khi tốt nghiệp. Không nằm ngoài xu thế đó, sinh viên tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Nga có thể trở thành biên/phiên dịch viên cho các cơ quan ngoại giao, các tổ chức kinh tế, văn hoá hay nắm vai trò cầu nối giao tiếp tại các cơ quan thông tấn báo chí, truyền thông.

Tuy nhiên, tiếng Nga không chỉ có ứng dụng trong biên/phiên dịch mà còn nhiều thế mạnh ứng dụng trong các lĩnh vực khác như du lịch, dịch vụ, thương mại. Theo giới lữ hành Nga, Việt Nam vẫn là một “thị trường” du lịch đầy hứa hẹn với nhiều địa điểm được giới thiệu hấp dẫn du khách nước Nga tìm đến. Vì vậy, cơ hội làm việc trong lĩnh vực du lịch của sinh viên ngành ngôn ngữ Nga khá cao.

Sinh viên Khoa Ngữ văn Nga có nhiều cơ hội ứng dụng thực hành tiếng Nga thông qua việc thực tập thực tế.
Sinh viên Khoa Ngữ văn Nga có nhiều cơ hội ứng dụng thực hành tiếng Nga thông qua việc thực tập thực tế.

Cụ thể, sinh viên ngành ngôn ngữ Nga khi ra trường có thể làm tại các vị trí: Hướng dẫn viên du lịch, nhân viên tổ chức, điều hành hoạt động du lịch, lễ tân, nhân viên chăm sóc khách hàng tại các khu nghỉ mát, khu du lịch.

Hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại của Việt Nam - Liên bang Nga vẫn đang được chú trọng đẩy mạnh để hình thành “hệ sinh thái” hợp tác toàn diện giữa 2 nước. Vì vậy, tiếng Nga cũng trở thành ngôn ngữ có nhiều ứng dụng trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại.

Với cử nhân ngành ngôn ngữ Nga, các vị trí việc làm phổ biến trong lĩnh vực này có thể kể đến: Trợ lý, thư ký nhân viên hành chính văn phòng những đơn vị đòi hỏi nguồn nhân lực biết sử dụng tiếng Nga. Ngoài ra, sinh viên cũng có thể lựa chọn phương hướng nghiên cứu để làm việc trong các viện nghiên cứu về ngôn ngữ, lịch sử và văn hóa của đất nước Nga hoặc theo định hướng sư phạm để giảng dạy tiếng Nga tại các trường đại học, cao đẳng, phổ thông và các trung tâm ngôn ngữ.

Kết nối doanh nghiệp, mở rộng cơ hội cho sinh viên

Trao đổi với Báo Giáo dục & Thời đại về các cơ hội thực tập thực tế cho sinh viên, TS Nguyễn Vũ Hương Chi – Trưởng khoa Ngữ văn Nga, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM, cho biết: Chủ trương chính của khoa Ngữ văn Nga là kết nối với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, các công ty liên doanh nhằm tạo điều kiện cho SV sắp tốt nghiệp có điều kiện thực hành chuyên môn và kỹ năng ngôn ngữ trong môi trường làm việc thực tiễn.

"Với mục tiêu đào tạo gắn với nhu cầu thực tế, khoa Ngữ văn Nga của trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM luôn tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội quan sát, trải nghiệm thực tế cũng như tiếp xúc và ứng dụng tiếng Nga trước khi bước ra môi trường làm việc chính thức"- TS Nguyễn Vũ Hương Chi nói.

TS Nguyễn Vũ Hương Chi cho biết thêm, hiện nay, ngành dầu khí là lĩnh vực có thế mạnh phát triển mà Nga đã và đang đầu tư mạnh vào Việt Nam. Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh xuất khẩu dầu khí lớn nhất cả nước. Đây là địa điểm duy nhất ở Việt Nam còn tồn tại làng Nga dành cho các chuyên gia Nga làm việc trong lĩnh vực khai thác dầu khí sinh sống cùng gia đình và trường học cho con em họ. Nhiều cửa hàng bên cạnh làng Nga hay các cơ quan thuộc liên doanh dầu khí Vietsovpetro ở Vũng Tàu mang biển hiệu bằng hai thứ tiếng: tiếng Việt và tiếng Nga.

Sinh viên năm 3 khoa Ngữ Văn Nga tham gia kiến tập tại Trường THPT Vietsovpetro (Thành phố Vũng Tàu).
Sinh viên năm 3 khoa Ngữ Văn Nga tham gia kiến tập tại Trường THPT Vietsovpetro (Thành phố Vũng Tàu).

"Chính vì vậy, Khoa Ngữ văn Nga - Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM - đã có nhiều kết nối với Trường THPT Vietsovpetro (Vũng Tàu) tổ chức các buổi kiến tập, tham quan giúp sinh viên hòa mình vào môi trường học tập, sinh hoạt với các bạn học sinh Nga ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đồng thời, sinh viên còn được tham quan doanh nghiệp dầu khí đầu ngành tại Việt Nam là Vietsovpetro. Đây là dịp để các bạn có thể sử dụng trực tiếp tiếng Nga trong cuộc sống hằng ngày, ví dụ trong cửa hàng, nhà ăn, trong trường học và thư viện"- TS Chi nói.

Đối với sinh viên năm 4 ngành ngôn ngữ Nga, các em có nhiều lựa chọn thực tập tại các công ty - đơn vị sự nghiệp trong nhiều lĩnh vực hoạt động, điển hình như các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành và lưu trú, các trung tâm dịch thuật. Cuối học phần, nhà trường sẽ tạo cơ hội cho sinh viên thực hiện các khâu của một hướng dẫn viên du lịch thực thụ, được tham gia dẫn tour du lịch phục vụ du khách Nga để luyện nói, luyện nghe và tìm hiểu kỹ về văn hóa của người bản xứ.

Ngành học đào tạo gắn liền với thực tiễn

Ngôn ngữ Nga của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐHQG TPHCM là ngành học cung cấp những kiến thức chuyên sâu về tiếng Nga và kỹ năng sử dụng ngôn ngữ này trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngoài những môn học đại cương thuộc khối ngành khoa học xã hội và nhân văn, sinh viên được trang bị kiến thức cơ bản về ngôn ngữ và văn hóa Nga qua nhiều môn học chuyên ngành: Dịch Việt - Nga, Nga - Việt; Tiếng Nga du lịch; Văn hóa Nga; Đất nước học; Ngữ âm học; Cấu tạo từ;…Bên cạnh việc cung cấp kiến thức chuyên sâu về tiếng Nga, chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Nga còn định hướng và trang bị cho SV các học phần chuyên ngành Tiếng Nga Du lịch, Tiếng Nga thương mại, Dịch Nga – Việt, Việt – Nga ở năm thứ 3.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.