Địa lý dân cư - Nội dung quan trọng và cách làm bài hiệu quả

GD&TĐ - Thầy Phan Ánh Quang - Giáo viên Trường THPT Trần Quốc Tuấn, TP Quảng Ngãi, đưa ra những nội dung cần lưu ý giúp HS giành trọn điểm phần kiến thức về địa lý dân cư khi làm bài thi Địa lý tốt nghiệp THPT.

Thầy Phan Ánh Quang và học trò. Ảnh: NVCC
Thầy Phan Ánh Quang và học trò. Ảnh: NVCC

Nội dung kiến thức cần lưu ý

Thầy Phan Ánh Quang cho biết: Địa lý dân cư gồm 3 nội dung chính: Đặc điểm dân số và phân bố dân cư ở nước ta (Bài 16 - SGK 12); Lao động và việc làm (Bài 17 - SGK 12); Đô thị hóa (Bài 18 - SGK 12). Mỗi nội dung đều có các kiến thức cốt lõi HS cần ghi nhớ.

Theo đó, nội dung về “đặc điểm dân số và phân bố dân cư ở nước ta”, HS cần nắm 3 nội dung cơ bản. Trước hết, các em cần phân tích được một số đặc điểm dân số và phân bố dân cư nước ta, cụ thể: Đông dân, có nhiều thành phần dân tộc (dẫn chứng); dân số còn tăng nhanh, cơ cấu dân số trẻ (dẫn chứng); phân bố dân cư chưa hợp lý giữa các đồng bằng với trung du và miền núi, giữa thành thị và nông thôn, sự thay đổi trong phân bố dân cư.

Địa lý dân cư - Nội dung quan trọng và cách làm bài hiệu quả ảnh 1
Click vào ảnh để xem nội dung.

HS phân tích được nguyên nhân, hậu quả của dân đông, gia tăng nhanh và phân bố không hợp lý. Về nguyên nhân, nêu được nguyên nhân từ tự nhiên, kinh tế - xã hội, lịch sử. Về hậu quả, nêu được ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, tài nguyên môi trường, chất lượng cuộc sống.

Thí sinh cần biết được một số chính sách dân số ở nước ta, cụ thể: Chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình; chính sách phân bố lại dân cư và lao động trên phạm vi cả nước.

Với nội dung về “lao động và việc làm”, HS cần nắm 2 nội dung cơ bản: Hiểu, trình bày được một số đặc điểm của nguồn lao động và việc sử dụng lao động ở nước ta. Nội dung kiến thức cần nắm: nguồn lao động nước ta rất dồi dào (nêu được dẫn chứng); chất lượng lao động; những mặt mạnh và hạn chế của nguồn lao động. Cơ cấu sử dụng lao động đang có sự thay đổi: Xu hướng thay đổi cơ cấu lao động theo các ngành kinh tế và nguyên nhân; xu hướng thay đổi cơ cấu lao động theo thành phần kinh tế, nguyên nhân; xu hướng thay đổi cơ cấu lao động theo thành thị, nông thôn; nguyên nhân. Năng suất lao động chưa cao.

Các em cần hiểu vì sao việc làm đang là vấn đề gay gắt của nước ta và hướng giải quyết. Cụ thể kiến thức cần nắm: Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm là vấn đề gay gắt của nước ta (dẫn chứng), nguyên nhân; quan  hệ dân số -l ao động - việc làm; hướng giải quyết việc làm của nước ta; chính sách dân số, phân bố lại lao động, phát triển sản xuất.

Với nội dung về “đô thị hóa”, học sinh cần nắm 2 nội dung cơ bản: Hiểu được một số đặc điểm đô thị hoá ở Việt Nam, nguyên nhân và những tác động đến kinh tế - xã hội. Kiến thức cần nắm: Đặc điểm đô thị hoá ở nước ta; nguyên  nhân (kinh tế - xã hội); liên hệ với việc gia tăng dân số nhanh; ảnh hưởng của đô thị hoá đến phát triển kinh tế - xã hội (tích cực, tiêu cực). Tiếp đó, biết sự phân bố mạng lưới đô thị ở nước ta: Các đô thị lớn tập trung ở đồng bằng ven biển; số lượng và quy mô đô thị có sự khác nhau giữa các vùng.

Học sinh bám sát đề thi tham khảo môn Địa lý 2021 để ôn tập hiệu quả.
Học sinh bám sát đề thi tham khảo môn Địa lý 2021 để ôn tập hiệu quả.

Lưu ý ôn tập từ đề tham khảo

Theo thầy Phan Ánh Quang, đề thi tham khảo Địa lý tốt nghiệp THPT năm 2021 có 3/40 câu về địa lý dân cư, chiếm 7,5% (0,75 điểm). Một câu kỹ năng: Dựa vào Atlat Địa lý Việt Nam để so sánh mật độ dân số (mức độ nhận biết). Hai câu lý thuyết ra ở nội dung lao động và việc làm, đô thị hóa (mức độ thông hiểu, vận dụng). Kiến thức Địa lý dân cư thường ra trong đề thi ở mức độ thông hiểu và vận dụng.

Với nội dung địa lý dân cư, trong quá trình ôn tập, HS nên sử dụng phương pháp sơ đồ hóa kiến thức, sơ đồ tư duy để học. Đồng thời, cần chú ý rèn luyện kỹ năng khai thác kiến thức về dân số ở trang 15 và trang 16 Atlat Địa lý Việt Nam. Cùng với đó, cập nhật thông tin liên quan đến dân số, việc làm đang diễn ra để làm các câu hỏi vận dụng. HS cần thường xuyên luyện tập bằng cách giải thử các câu hỏi trắc nghiệm (lý thuyết và kỹ năng) liên quan.

Cũng theo thầy Phan Ánh Quang, cấu trúc đề tham khảo Địa lý năm 2021 có 21 câu hỏi lý thuyết, trải đều ở tất cả nội dung chương trình lớp 12 và phân hóa ở mức độ vừa phải. Đề không ra kiểu thuộc lòng, nhớ số liệu. Vì vậy, học sinh không học tủ, nên chia đơn vị kiến thức thành các chuyên đề: Địa lý tự nhiên, Địa lý dân cư, Địa lý ngành kinh tế, Địa lý vùng kinh tế. Không học các nội dung đã được Bộ GD&ĐT giảm tải. Ôn tập lý thuyết cần kết hợp với sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam nhằm khắc sâu kiến thức, rèn luyện kỹ năng sử dụng Atlat. Sau mỗi đơn vị kiến thức. HS rèn luyện các câu hỏi trắc nghiệm theo 4 mức độ, cập nhật các thông tin kinh tế - xã hội đất nước.

Đồ họa: An Nhiên
Đồ  họa: An Nhiên

Những lưu ý khi làm bài thi

Trong đề thi tốt nghiệp THPT, mức độ câu hỏi từ dễ đến khó. Môn Địa lý có cả phần lý thuyết và kỹ năng. Trung bình thời gian mỗi câu 1,25 phút. Vì vậy, thầy Phan Ánh Quang lưu ý: Khi giám thị phát đề, chưa tính thời gian làm bài, học sinh cần đọc, kiểm tra kỹ mã đề của mình có bị nhòe không, có mất chữ, mất số không, các trang có cùng mã đề không, nếu có đề nghị giám thị đổi ngay. Đồng thời cần đọc lướt một hai lần để định hình các câu hỏi, đơn vị kiến thức kỹ năng.

Cần đọc kỹ câu dẫn và chú ý những câu dạng phủ định có chữ “không” in đậm để lựa chọn phương án không đúng cho chính xác. Các câu bảng số liệu, biểu đồ cần chú ý từ khóa như: “cơ cấu”,  “tốc độ”, “mật độ dân số”… để lựa chọn đúng biểu đồ và xử lý số liệu chính xác.

Với những câu học sinh đã nắm chắc đáp án, nên tô ngay vào phiếu trắc nghiệm (để tiết kiệm thời gian), những câu chưa chắc đánh dấu để làm lại sau. Một số câu lý thuyết nếu quên, các em có thể sử dụng trang Atlat Địa lý liên quan để lựa chọn phương án. Trường hợp sắp hết giờ nhưng vẫn còn một hai câu thì chọn theo cảm tính. Khi tô đáp án vào phiếu trắc nghiệm phải tuyệt đối cẩn thận. Nếu làm bài xong vẫn còn thời gian, cần kiểm tra lại đáp án một lần nữa và kiểm tra lại câu mình thấy chưa chắc chắn. Các em cũng cần giữ gìn sức khỏe cho thật tốt, vào phòng thi bình tĩnh và thực hiện đúng quy chế thi.

Đề tham khảo có 19 câu. Trong đó, sử dụng Atlat Địa lý (15 câu); nhận xét bảng số liệu (1 câu); nhận xét biểu đồ (1 câu); lựa chọn biểu đồ thích hợp nhất (1 câu); xác định nội dung biểu đồ (1 câu). Trong quá trình ôn tập, HS cần rèn luyện kỹ 5 dạng câu hỏi bài tập: Sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam; Nhận xét bảng số liệu; Nhận xét biểu đồ; Xác định nội dung biểu đồ; Lựa chọn biểu đồ thích hợp nhất. Học sinh đồng thời cần nắm một số công thức thông dụng (tính mật độ dân số, năng suất, tỉ trọng, cán cân xuất nhập khẩu…).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.