Cô Hoàng Thị Cẩm Vân, giáo viên môn Địa lý, trường THPT Kon Tum (TP Kon Tum, Kon Tum) khuyên các sĩ tử: để bài thi môn Địa lý trong kì thi tốt nghiệp THPT 2021 đạt kết cao thì phải có kế hoạch ôn tập phù hợp.
Theo đó, học sinh phải xây dựng kế hoạch, chuyên đề trong các tuần ôn tập một cách hợp lý. Lúc này, các em phải sắp xếp, phân bổ thời gian để học tập nhằm tiếp thu, ghi nhớ kiến thức một cách nhanh chóng và dễ dàng.
Để đạt điểm cao môn Địa lý, cô Cẩm Vân lưu ý học sinh cần nắm được yêu cầu của từng chủ đề. Qua đó, hệ thống lại kiến thức bằng những câu hỏi trắc nghiệm theo nội dung chủ đề.
Theo cô Cẩm Vân, đề thi minh hoạ môn Địa lý của Bộ GD&ĐT gồm 50% câu hỏi nhận biết, thông hiểu 25% và vận dụng cao, thấp 25%. Các câu hỏi xoay quanh chủ đề về địa lý tự nhiên, dân cư, kinh tế, vùng kinh tế… Theo đó, đối với phần địa lý tự nhiên, học sinh cần ghi nhớ đặc điểm cơ bản về khí hậu, thổ nhưỡng...của các vùng.
Đối với ngành kinh tế và vùng kinh tế chiếm khoảng 50 – 60% đề thi. Do đó, các em học sinh cần chú trọng đến nội dung kiến thức ở phần này. Các sĩ tử có thể so sánh giữa các vùng kinh tế để tìm ra những điểm tiêu biểu, nổi trội. Từ đó, ghi nhớ kiến thức được dễ dàng và lâu hơn.
Bên cạnh đó, học sinh có thể sử dụng Atlat hoặc sơ đồ tư duy để xác định được sự phân bố của các ngành kinh tế. Từ đó, trả lời câu hỏi, tại sao những ngành này lại phân bố ở khu vực đó.
“Trong quá trình ôn tập, học sinh cần nắm chắc các hệ thống kí hiệu trong Atlat. Bởi Atlat là một trong những “tài liệu” quan trọng. Trong quá trình làm bài thí sinh không được lúng túng khi đọc câu hỏi và chọn đáp án. Bởi các câu hỏi đã cho gợi ý về số trang Atlat để học sinh dễ dàng tìm được câu trả lời chính xác”, cô Cẩm Vân chia sẻ.
Cũng theo cô Cẩm Vân, những câu hỏi vận dụng cao khó lấy điểm, chủ yếu dành cho học sinh khá, giỏi. Chính vì vậy, các đáp án thường gây nhiễu khiến thí sinh dễ chọn nhầm câu trả lời. Do đó, thí sinh cần đọc kĩ đề, phân tích các từ khoá, sau đó loại trừ dần các đáp án không chính xác.
Theo cô Cẩm Vân, đối với phần nhận xét biểu đồ, học sinh cần đọc kĩ câu hỏi xem đề thi yêu cầu những gì. Từ đó, xác định từ khoá của từng dạng biểu đồ để chọn lựa đáp án chính xác.
Cụ thể, đối với biểu đồ tròn và miền thường có từ cơ cấu trong câu hỏi. Đối với biểu đồ tròn, thể hiện tỉ lệ thành phần trong tổng thể, thường là 2 năm. Còn biểu đồ miền thể hiện tỉ lệ nhiều năm. Biểu đồ đường thể hiện sự phát triển, tăng trưởng. Biểu đồ cột là động thái phát triển, so sáng, tương quan. Riêng biểu đồ kết hợp thể hiện các đối tượng khác nhau có cùng một đơn vị.