Từ câu chuyện của thành phố Woodstock
Năm 2016, tại thành phố Woodstock thuộc tỉnh Ontario, Canada, tình hình tệ đến nỗi các học sinh đã tổ chức cuộc biểu tình để đòi chính quyền phải sớm có câu trả lời và có biện pháp cấp bách để ngăn chặn “cuộc khủng hoảng tự sát” ở lứa tuổi teen.
Có đến 5 nữ sinh tự tử trong vòng một tháng gây hoang mang cho cả gia đình, cộng đồng, trường học và xã hội. Các chính trị gia cũng vào cuộc nhưng họ chẳng biết phải bắt đầu từ đâu.
Tự tử nhiều do bị bạn bè ức hiếp, do phim ảnh hay giao tiếp trên internet? Từ môi trường gia đình, nhà trường hay xã hội? Bị xâm hại tình dục lúc còn bé hay mất định hướng tương lai?
Bước sang năm 2017, cuộc khủng hoảng chẳng những không giảm mà còn tệ hơn. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, tỉ lệ thiếu nữ tự cướp đi mạng sống của mình tại Canada vẫn tiếp tục tăng.
Trong khi nhiều người đang cố tìm câu trả lời từ mọi góc độ của cuộc sống và xã hội thì một nhà tâm lý nói thẳng: “Khi bàn về sức khỏe tâm thần và trầm cảm-ức chế, yếu tố giới tính sẽ làm cho vấn đề rối lên.
Chúng ta giống như người mù sờ voi khi đi tìm nguyên nhân của cuộc khủng hoảng, mỗi người nói một kiểu”. Chị Jenilee Ookcay, một nhân viên sức khỏe cộng đồng cảnh báo: “Giống như đang ngồi trên đống lửa, chúng ta tự hỏi trong tuyệt vọng là phải làm gì để chấm dứt thảm kịch không mời mà đến này”.
Khắp Canada, đà tăng tự tử trong dân số tuổi teen đã trở thành “câu đố” vì nó đi ngược lại đà giảm tỉ lệ tự tử ở nam giới cùng lứa tuổi (theo số liệu công bố ngày 12-3 của cơ quan thống kê Canada-Statistics Canada).
Thật ra, từ lâu, các chuyên viên y tế đã quan tâm đến hiện tượng tự tử ở nam giới và có tên gọi riêng cho vấn nạn này là “thảm họa im lặng”.
Năm 2013, số nam giới tự tử vẫn cao gấp 3 lần nữ giới và các nguyên nhân đàn ông tự sát được liệt kê khá rõ. Tuy nhiên, trong khi đàn ông vẫn tự tử nhiều hơn phụ nữ thì lứa tuổi teen có vẻ đang cố đuổi kịp những bạn bè khác giới với mình.
Trong 10 năm qua, tỉ lệ tự tử ở nữ sinh đã tăng 38%, trong khi tỉ lệ tự tử, ở nam giảm 34%. Sự tăng trưởng kinh tế đã giúp san bằng cách biệt nam nữ về tự tử khi đàn bà chiếm đến 42% cái chết do tự tử ở độ tuổi dưới 30 trong năm 2013, tăng mạnh so với 25% của năm 2003. Một xu hướng tương tự cũng xảy ra tại Mỹ.
Đi tìm nguyên nhân
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong năm 2014, số vụ tự tử ở nữ giới từ 15-19 tuổi đã vượt qua số ca tử vong do mang thai và sinh đẻ trên khắp thế giới. Báo cáo năm 2012 của Cơ quan Y tế công Canada (Public Health Agency of Canada) đã kêu gọi các nhà nghiên cứu hãy giúp tìm nguyên nhân tại sao tỉ lệ tự tử giảm ở thiếu niên nam từ năm 1980 nhưng lại giữ nguyên rồi tăng dần ở thiếu nữ.
Với việc bổ sung thêm kinh phí chăm sóc sức khỏe tâm thần trong ngân sách tài khóa tới bắt đầu từ giữa tháng 3 của chính phủ Canada, các chuyên viên y tế tin rằng, nếu muốn ngăn cản nạn tự tử ở nữ giới, chính phủ cần có cách tư duy khác về giới tính và không ưu tiên cho giới tính nào trong cuộc chiến chống tự tử.
“Khi có nhiều thiếu nữ tự lấy đi mạng sống của mình thì sự quan tâm phải được bình đẳng giữa hai giới tính” -Renee Linklater, giám đốc phụ trách cộng đồng bản địa (Aboriginal) tại Trung tâm Nghiện và sức khỏe tâm thần (Centre for Addiction and Mental Health) ở Toronto nói.
Thị trấn Wapekeka thuộc Khu tự trị Attawapiskat First Nation là nơi có tỉ lệ tự tử cao nhất Canada. Nhiều khoản tiền đã được hiến tặng để giải quyết vấn nạn tự tử ở đó, mà nguyên nhân là do người dân không có việc gì làm đã dùng rượu và ma túy để giải khuây.
Bà Linklater cho biết, bà rất quan tâm đến tỉ lệ tự tử cao trong thiếu nữ bản địa da đỏ, khi số liệu thống kê cho thấy họ dễ tổn thương hơn các cộng đồng dân tộc khác.
Thống kê năm 2015 chỉ rõ: Phụ nữ da đỏ thích tự sát hơn. Phụ nữ chiếm hơn phân nửa số vụ tự tử của người da đỏ trong năm 2015, cao hơn nhiều so với 25% phụ nữ của các dân tộc còn lại. Từ 2006 đến 2015, số phụ nữ da đỏ tự tử tăng 1,5 lần. Tại sao có quá nhiều phụ nữ (thuộc mọi lứa tuổi) ở Winnipeg lại muốn giết chính mình? Bà Linklater khuyến cáo mọi người hãy chú ý hơn đến những tác động tiêu cực mà giới tính và di sản thời thuộc địa đè lên vai phụ nữ bản địa khiến họ rơi vào tình trạng “bị ức chế kép”.
Quá khứ bị xâm hại tình dục và tự tử
Các nhà nghiên cứu Canada và nước ngoài không chắc tại sao có nhiều thiếu nữ tự tử thành công. Một số tin rằng phụ nữ ngày càng dùng các phương pháp dễ chết hơn. Số khác tin rằng số vụ phụ nữ tự tử được báo cáo nhiều hơn.
Các nghiên cứu cho rằng có sự liên quan giữa quá khứ bị xâm hại tình dục và số vụ tự tử hụt ở nữ giới. “Tiếc thay, người ta ít đề cập đến giới tính khi tranh luận về cuộc khủng hoảng tự tử ở giới trẻ - bà Oockay, phụ trách bộ phận ngăn cản tự tử tại Woodstock nói - Khi chúng tôi tập huấn cho các nhân viên làm việc tại cộng đồng, chúng tôi luôn nhắc họ hãy tìm hiểu tại sao lại có xu hướng tăng tự tử ở thiếu nữ”.
Nhà nghiên cứu Arielle Sheftall tại Trung tâm ngăn cản tự tử tại Viện nghiên cứu thuộc bệnh viện nhi đồng quốc gia (NCH) ở Mỹ đưa ra lời khuyên:
“Các nghiên cứu cần đi sâu hơn nữa vào vai trò của giới tính và tuổi tác trong hành vi tự tử. Tuổi dậy thì ngày càng thấp cũng sẽ kéo độ tuổi tự tử xuống thấp hơn. Rối loạn tâm sinh lý thường xuất hiện ở tuổi dậy thì, dẫn đến ức chế và hậu quả là nhiều cô gái có hành động thiếu suy nghĩ”.
Một thủ phạm nữa là “chủ nghĩa trọng tình dục” tại các nước đang phát triển. Tiến sĩ Suzanne Petroni, giám đốc phụ trách dân số, giới tính và di truyền tại Trung tâm quốc tế Nghiên cứu phụ nữ (International Center for Research on Women) tin rằng chính việc thiếu cơ hội và bất bình đẳng giới tính và tệ nạn thiếu nữ bị xâm hại đã khiến tỉ lệ tự tử ở nữ giới tăng tại Ấn Độ và một số nước khác.
“Thái độ xem thường phụ nữ, không tôn trọng họ như người vợ và người mẹ đã đưa họ vào thế quẫn cùng, nhẹ hơn là mắc bệnh tâm thần còn nặng hơn là tự tử để giải thoát”- bà nói.
Dù tỉ lệ tự tử của phụ nữ tại Woodstock còn thua một số nước nghèo, bà Ookcay vẫn xem việc thiếu nữ phải sống trong một thế giới nhiều áp lực và căng thẳng hơn thế hệ mẹ và bà là nguyên nhân của các phản ứng tiêu cực. “Tự tử là cách duy nhất để họ thoát vĩnh viễn ra khỏi một nỗi khổ đeo bám. Nhưng tôi tin là chúng ta sẽ chiến thắng khỏi bi kịch nếu nhận thức đúng vấn đề và dám can đảm đương đầu với nó” - bà nói.