Di dời các trường ĐH: Vấn đề sống còn

Di dời các trường ĐH: Vấn đề sống còn

(GD&TĐ)-Bình quân diện tích đất cho 1 sinh viên ĐH quá thấp, đất dành cho cây xanh hầu như không có cùng với sự chênh lệch lớn về diện tích cho 1 sinh viên ĐH, CĐ công lập giữa các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước... Những điều này khiến cho việc di dời các trường ĐH, CĐ ra ngoại thành ở 2 thành phố lớn nhất ở cả nước này trở thành nhu cầu bức thiết.

Số lượng sinh viên quá đông trong 1 giảng đường
Số lượng sinh viên quá đông trong 1 giảng đường

Quỹ đất quá hạn hẹp

Theo con số mới nhất của Bộ GD&ĐT, hiện bình quân diện tích đất cho 1 sinh viên ĐH, CĐ trong các trường công lập vào khoảng 35,7 m vuông, quá thấp so với  tiêu chuẩn mà Việt Nam đề ra từ năm 1985 ( khoảng 55 đến 85 m vuông đất/1 sinh viên).

Tại Hà Nội (trừ ĐH Quốc gia và các trường CĐ tại Hà Tây cũ), bình quân trên toàn thành phố, số m vuông diện tích đất /sinh viên ĐH và CĐ công lập quy đổi chỉ khoảng 13 m vuông. Trong đó, khoảng 40% số trường có số m vuông diện tích đất/sinh viên thấp dưới 5m vuông/1 sinh viên. Như trường ĐH Xây dựng: 0,84m vuông; ĐH Luật Hà Nội: 0,67m vuông; ĐH Lao động xã hội: 0,65m vuông; ĐH Thương mại và ĐH Ngoại thương: 1,08m vuông; ĐH Kinh tế quốc dân: 2,97m vuông; ĐH Bách khoa Hà Nội: 4,9m vuông.

Tại TP.HCM, quỹ đất còn hạn hẹp hơn khi  bình quân chung số m vuông diện tích/sinh viên ĐH, CĐ công lập quy đổi chỉ khoảng 10m vuông (trừ ĐHQG TP.HCM). Khoảng 30% số trường ĐH, CĐ có số m vuông diện tích đất/sinh viên thấp dưới 5m vuông (ĐH Kinh tế TP.HCM: 0,54m vuông; ĐH Giao thông vận tải TP.HCM: 3,25m vuông; CĐ Kinh tế TP.HCM: 2,51 m vuông).

Tình trạng thiếu đất dẫn đến việc quy hoạch các khu chức năng cần có của một trường ĐH, CĐ bị phá vỡ và diện tích đất của từng khu không đảm bảo. Chức năng của các khu bị sử dụng lộn xộn, đan xen. Hầu hết diện tích đất chỉ để cho khu học tập, do đó, tình trạng mật độ xây dựng quá cao (50-60%) so với tiêu chuẩn hiện hành (20-25%). Trong khi đó, 2 khu quan trọng khác là khu thể dục thể thao và khu nội trú (Nhà ở sinh viên, nhà ở cho cán bộ giảng dạy và các công trình phụ trợ) hầu như thiếu và chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng.

Bộ GD&ĐT cho biết, theo báo cáo của 196 trường ĐH, CĐ công lập, trong tổng số 855.337 sinh viên chính quy chỉ có 157.429 chỗ ở cho sinh viên, chiếm tỷ lệ khoảng 19,50%. Diện tích đất các trường đang dành cho xây dựng nhà ở sinh viên và các công trình phụ trợ, chưa tính đến nhà ở cho cán bộ giảng dạy, chỉ chiếm 3,7% trong tổng số diện tích toàn trường...

Có thể nói, ở 2 vùng trọng điểm là Hà Nội và TP.HCM, các trường ĐH, CĐ công lập đều có chung những “vấn đề” nổi cộm, bình quân diện tích quá thấp, thiếu các khu chức năng cơ bản, khu học tập có mật độ xây dựng quá cao, chất lượng quy hoạch thấp, môi trường sư phạm không đảm bảo, phân khu chức năng bị phá vỡ, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan nghèo nàn và không thuận tiện giao thông...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, nhưng cơ bản vẫn từ sự bùng bổ về quy mô học sinh sinh viên cũng như số lượng trường; quỹ đất dành cho trường vốn đã hạn hẹp lại bị chuyển đổi mục đích, lấn chiếm khá nghiêm trọng; số lượng trường mới thành lập đều bó buộc trong những diện tích vốn không được thiết kế dành cho đào tạo, hoặc phải chung lưng với những diện tích khác.

Vấn đề cấp bách nhưng vô vàn khó khăn

Khắc phục thực trạng này, một số trường đã tiến hành cải tạo lại và hiện đại hóa các cơ sở vật chất hiện có. Tuy nhiên, theo  KTS.TS.Trần Thanh Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thiết kế trường học thì việc này chỉ là những biện pháp đối phó và trước mắt nhằm đáp ứng những yêu cầu cấp bách của từng trường chứ chưa phải là biện pháp cơ bản để giải quyết cơ bản nhiệm vụ và yêu cầu của hệ thống đào tạo hiện đại.

Theo KTS.TS.Trần Thanh Bình, vấn đề ở đây đặt ra phải là xây dựng những cơ sở mới và trang thiết bị hiện đại phù hợp với dây chuyền công nghệ đào tạo và nghiên cứu khoa học mới trong một diện tích đất phù hợp. Từ thực tiễn thiết kế và xây dựng trường ĐH, ông Bình cho rằng, khả năng hữu hiệu để có thể tạo mọi điều kiện cho việc hoạt động và phát huy khả năng phù hợp với tính chất đa chức năng của trường ĐH là đưa trường ra ngoại vi thành phố hoặc xa hơn, thuộc khu vực phụ cận các đô thị vệ tinh của thành phố lớn. Đó cũng chính là khuynh hướng tiên tiến và đang được lưu ý đặc biệt trong quá trình thiết kế và xây dựng trường ĐH ở các nước có những yêu cầu cải cách hệ thống đào tạo: khuynh hướng tổ chức, xây dựng các khu ĐH tập trung.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga trong một cuộc thảo luận với các trường ĐH, CĐ mới đây cũng xác định: Chủ trương di dời các trường ra ngoại thành là vấn đề sống còn của ngành giáo dục và cho sự phát triển của các trường ĐH, nhất là các trường có cơ sở vật chất chưa đạt chuẩn.

Hiện nay, Thủ tướng chính phủ đã giao Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị và nông thôn và Viện nghiên cứu thiết kế trường học thực hiện nhiệm vụ quy hoạch xây dựng hệ thống các trường trong địa bàn có mật độ trường cao, theo đó sẽ dành những khu đất có quy mô lớn để giãn các trường trong nội thành, lập thành những khu ĐH phát triển theo mô hình chuỗi hoặc tập trung.

Tuy nhiên, việc đầu tư mở rộng cơ sở trường cùng với hệ thống trang thiết bị cần một nguồn vốn lớn, có thể tới hàng nghìn tỉ đồng. Câu hỏi nhiều trường đặt ra là tìm vốn ở đâu trong khi ngân sách nhà nước còn nhiều hạn chế. Nhiều trường than khó vì thiếu đất sạch; được cấp đất rồi thì lại gặp trở ngại bởi vấn đề giải phong mặt bằng; rồi có đất mà không có tiền  thì cũng không thể làm được gì...

Trước những khó khăn không của riêng trường nào, nhiều lãnh đạo các trường đã tập trung vào kiến nghị Chính phủ cần thành lập Ban chỉ đạo về đầu tư xây dựng các trường ĐH, CĐ, chỉ đạo và giao các địa phương trách nhiệm đền bù, thu hồi đất và giao đất sạch cho các trường công lập có dự án được phê duyệt. Chính phủ cũng cần tạo nguồn kinh phí cho các trường như đã thực hiện đối với các dự án xây dựng ký túc xá sinh viên và cho sinh viên vay học tập.

Trước vấn đề này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu phải hoàn thiện dự thảo quy hoạch xây dựng hệ thống các trường ĐH, CĐ vùng thủ đô Hà Nội và vùng TP.HCM đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 và trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/1/2011. Trong quy hoạch, cần làm rõ các mô hình xây dựng các trường ĐH độc lập, các khu ĐH tập trung, việc quy hoạch xây dựng các khu KTX sinh viên cho phù hợp. Về phía Bộ GD&ĐT, cần làm rõ về nguyên tắc, tiêu chí, danh mục và lộ trình thực hiện việc di dời các trường; nghiên cứu, đề xuất mô hình tổ chức Ban quản lý Khu ĐH tập trung và những vấn đề liên quan đến việc quản lý, khai thác khu ĐH tập trung. Bộ Giao thông vận tải đề xuất quy hoạch hệ thống giao thông, các điều kiện về giao thông đáp ứng việc hình thành các khu ĐH tập trung tại các tỉnh trong 2 vùng. Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách để triển khai quy hoạch.

Cũng theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, từ tháng 2 đến tháng 8/2011, các trường ĐH, CĐ thuộc hai vùng phối hợp với các địa phương để đăng ký kế hoạch di dời đến địa điểm mới theo quy hoạch với Bộ GD&ĐT. Trong năm 2011, tập trung xây dựng kế hoạch triển khai quy hoạch này và triển khai thí điểm việc xây dựng một số khu ĐH tập trung theo quy hoạch để rút kinh nghiệm như: Khu ĐH Phố Hiến tại Hưng Yên và các khu ĐH đã dự kiến hình thành ở các tỉnh khác.  

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ