Di cư đến những nơi 'trú ẩn khí hậu'

GD&TĐ - Khi thiên tai xuất hiện ngày một nhiều và khó dự đoán trên Trái đất, nhiều người quyết định rời bỏ nhà cửa đến những nơi có khí hậu ổn định, ôn hòa.

Nhiều người rời bỏ nhà cửa đến sống tại Buffalo, Mỹ, để tránh biến đổi khí hậu.
Nhiều người rời bỏ nhà cửa đến sống tại Buffalo, Mỹ, để tránh biến đổi khí hậu.

Khi những đợt thiên tai xuất hiện ngày một nhiều và khó dự đoán trên Trái đất, nhiều người quyết định rời bỏ nhà cửa đến những nơi có khí hậu ổn định, ôn hòa. Vì thế, khái niệm “trú ẩn khí hậu” ra đời.

Di dân khí hậu

Trước tháng 9/2017, vợ chồng chị Dianiz Roman và Wilfredo Gonzalez chưa từng có ý định rời quê hương Aguadilla, nằm ở phía Tây Puerto Rico. Tuy nhiên, sau khi cơn bão Maria tấn công khu vực, mọi thứ đã thay đổi.

Nơi làm việc của vợ chồng chị Dianiz, nhà tang lễ, trạm xăng... cùng toàn bộ thành phố đều bị phá hủy trong cơn bão. Khoảng 3.000 người thiệt mạng. Ảnh hưởng lên người và của từ cơn bão Maria lớn đến mức ngày nay, thành phố Aguadilla vẫn vất vả tái thiết.

Sống giữa cơn bão, vợ chồng chị Dianiz gặp khó khăn khi tìm nguồn cung cấp, nước uống và thực phẩm. Vì vậy, sau khi thiên tai rút đi, họ quyết định chuyển đến sống ở thành phố Buffalo, bang New York (Mỹ), nằm cách Aguadilla hàng nghìn cây số về phía Bắc. Chị gái của Gonzalez đã chuyển đến sống ở đây một năm và đánh giá cao về thành phố này.

Sau cơn bão Maria, hàng nghìn người đã rời khỏi Aguadilla đến Buffalo, nơi cộng đồng người Puerto Rico sinh sống. Sở dĩ người dân Aguadilla chuyển đến đây vì nhiều tháng trước khi bão Maria xảy ra, thị trưởng thành phố Buffalo đã tuyên bố đây là “thành phố trú ẩn khí hậu” vì Buffalo ít chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Kể từ đó, thành phố này đã đẩy mạnh quảng cáo về những lợi ích khi sinh sống tại đây, bao gồm cả nhiệt độ trung bình tháng 7 ở mức dễ chịu là 21,5 độ C. Dự đoán về khả năng gia tăng dân số, đặc biệt sau thiên tai từ biến đổi khí hậu, thành phố đã sửa đổi quy tắc phân vùng vào năm 2017. Trong đó, thành phố tăng cường phát triển các hành lang xung quanh nội đô, nâng cấp cơ sở hạ tầng thoát nước vốn đã xuống cấp.

Tương tự Buffalo, nhiều thành phố khác như Cleveland, Ohio, Ann Arbor, Michigan, Duluth, Minnesota (Mỹ) và những quốc gia khác đang làm quy hoạch để tiếp đón lượng lớn người dân di cư vì khí hậu, hay còn gọi là “di dân khí hậu”. Đây là những nhóm người mà biến đổi khí hậu là yếu tố tác động đến việc họ quyết định định cư ở đâu.

Những người “di dân khí hậu” sẽ tìm đến những “nơi trú ẩn khí hậu”, một khái niệm ngày càng phổ biến trong những năm gần đây. Đó được hiểu là những nơi hiếm khi xảy ra hiện tượng thời tiết cực đoan, gần các vùng nước ngọt. Ở Mỹ, các thành phố trú ẩn khí hậu thường nằm ở phía Bắc vì các trận bão lớn đang giày vò cuộc sống của người dân miền Nam và miền Tây đất nước.

Theo Trung tâm Giám sát Di dời quốc gia, năm 2022, 675.000 người Mỹ đã phải rời bỏ nhà cửa đi nơi khác sinh sống do thảm họa. Khoảng 13 triệu người dân sống ở miền Đông Nam Mỹ có khả năng phải di dời vào cuối thế kỷ này do lốc xoáy đang di chuyển về phía Đông vào các khu vực đông dân cư ở miền Nam Mỹ. Những thành phố như Buffalo hay Duluth vì thế trở thành thành phố trú ẩn khí hậu.

Thành phố Duluth, Mỹ, được đánh giá là nơi an toàn để sinh sống.

Thành phố Duluth, Mỹ, được đánh giá là nơi an toàn để sinh sống.

Thành phố chống biến đổi khí hậu

Trước đó, khi các nhà máy lần lượt đóng cửa vào những năm 1970, người dân Buffalo đã chuyển đi nơi khác tìm việc làm, bỏ lại nhà cửa và thành phố. Vì vậy, Buffalo đến nay vẫn giữ được nét giản dị, đơn sơ và không gian được tái sử dụng cho những mục đích chống biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, Cleverland, nằm trên bờ phía Nam hồ Erie, hiện có khoảng 30.000 lô đất trống, có thể đáp ứng nhu cầu định cư của những người di tản sau thiên tai. Thành phố Detroit, nơi 2/3 dân số rời đi sau khi ngành công nghiệp gặp khủng hoảng vào những năm 1950, không những không bị bỏ hoang mà đang được cải thiện cơ sở hạ tầng để chào đón hàng chục nghìn cư dân mới.

Tương tự, thành phố Duluth được biết đến là vùng đất của gió và tuyết trắng nhưng ngày nay, địa điểm này nổi tiếng là nơi trú ẩn cho những người chạy trốn khỏi tác động của biến đổi khí hậu. Thời tiết lạnh giá của thành phố là điểm hấp dẫn đối với những người “di dân khí hậu” do không thể chịu được một Trái đất đang nóng lên.

Chuyển từ California đến Duluth được gần 4 năm, chị Christina Welch chia sẻ: Tôi rời California để tránh cháy rừng. Ở Dulutch có gió lạnh, hồ nước phủ băng, không khí trong sạch hơn rất nhiều. Ở đây còn có rừng, tôi chỉ mất vài phút lái xe ra khỏi thành phố để đến rừng. Điều đó khiến tôi cảm thấy thoải mái, yên tâm.

Dù số lượng các thành phố như vậy còn ít, nhưng Chính phủ Mỹ và chính quyền liên bang đang lên kế hoạch tu bổ và phát huy mô hình địa phương trú ẩn. Một trong những điều quan trọng là đảm bảo duy trì được khí hậu hiện nay của các địa phương, tăng cường khai thác và sử dụng đất để tăng trưởng dân số.

Ở những thành phố vốn chịu ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, họ sẽ triển khai mô hình “chống biến đổi khí hậu”. Theo đó, các thành phố đang nghiên cứu phương pháp hiện đại hóa nguồn cung nhà ở hiện có để chống lại cái lạnh vào mùa Đông và cái nắng vào mùa Hè.

Ông Nicholas Rajkovich, làm việc tại Trường Kiến trúc và Quy hoạch, Đại học Buffalo, nhìn nhận: “Phục hồi lõi đô thị sẽ là trọng tâm để xây dựng một khu vực có khả năng chống chọi tốt hơn với biến đổi khí hậu”.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khoa học cho rằng, việc tin rằng một thành phố sẽ không phải chịu tác động từ biến đổi khí hậu là không chính xác. Giống như mọi khu vực trên thế giới, những thành phố trú ẩn hiện nay rồi sẽ một ngày phải hứng chịu những tác động từ biến đổi khí hậu. Vấn đề nằm ở thời gian. Quá trình “di dân khí hậu” nếu không được kiểm soát chặt chẽ cũng sẽ đẩy nhanh tiến trình biến đổi khí hậu ở các thành phố lý tưởng này.

Theo NatGeo

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ