Đây là di tích có nhiều hiện vật giá trị, hé lộ nhiều bí mật về kiến trúc xây dựng đền tháp cũng như nghi lễ tín ngưỡng của người Chăm xưa.
Sau 8 năm kể từ khi được khai quật lần đầu tiên, di tích này vẫn đang chờ được “đánh thức”.
Dấu xưa còn một chút này…
Đà Nẵng là vùng đất mang đậm dấu ấn văn hóa Champa với hơn 30 tọa độ di tích Chăm, có sự gắn kết ở từng tiểu vùng theo địa hình núi, sông, biển. Ở cửa biển Nam Ô có đền tháp Xuân Dương, dấu tích gạch Chăm ở miếu Khe Răm và di tích đá xếp Hội Yên ở đầu nguồn sông Cu Đê. Sát chân núi Phước Tường có di tích An Sơn.
Phía Nam Đà Nẵng, phía đầu nguồn có di tích Gò Đùi, Cấm Mít. Ở ven sông có di tích Phong Lệ, Quá Giáng. Sát cửa biển có di tích Khuê Trung, Ngũ Hành Sơn… Chỉ tính riêng di tích khảo cổ có quy mô lớn tại làng Phong Lệ cũng đã cho thấy Đà Nẵng đã từng có vị trí đặc biệt dưới thời Vương quốc Champa.
Khu di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ được phát hiện tình cờ vào tháng 4/2011. Gia đình ông Ông Văn Tồn và bà Lê Thị Út (tổ 3, phường Hòa Thọ Đông) khi đào móng làm nhà đã phát hiện ra một pho tượng cổ đầu người mình chim và nhiều gạch Chăm. Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã thực hiện khai quật khẩn cấp ngay sau đó. Di chỉ này còn tiếp tục được khai quật khảo cổ thêm 2 đợt vào năm 2012 và 2018.
Kết quả khảo cổ cho thấy, khu di chỉ Phong Lệ là di tích của ít nhất 3 ngôi tháp Chăm xây dựng vào khoảng thế kỷ XI. Đây là di tích tiêu biểu trong các di tích Chăm tại Đà Nẵng có điều kiện khảo sát đầy đủ nhất. Đồng thời cũng là di tích duy nhất trong toàn bộ hệ thống đền tháp Chăm có điều kiện để nghiên cứu và giới thiệu về phần nền móng kiến trúc.
Trong đó, có một ngôi tháp còn lại phần cấu trúc lòng tháp dưới mặt đất (gọi là hố thiêng) lần đầu tiên được khám phá, nghiên cứu. Đặc biệt là “hố thiêng” xây bằng gạch và các “hốc thiêng” ở đáy hố, là minh chứng xác thực cho nghi lễ đặt viên gạch đầu tiên khi xây dựng đền tháp của người Chăm.
Ngoài những lý do tín ngưỡng, theo cuốn “Di tích Chăm tại Đà Nẵng & Những phát hiện mới” do ông Võ Văn Thắng, nguyên Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm chủ biên, thì “cấu tạo móng tháp và hố thiêng chứa đầy cát và sỏi trong lòng tháp ắt hẳn có những chức năng liên quan đến kiến trúc…”. Ngoài ra, trong khuôn viên khu di tích còn có hạng mục Miếu Bà là di tích thời Tự Đức (1862) có giá trị về di sản kiến trúc và tín ngưỡng dân gian.
Theo nhận định của các chuyên gia thì Phong Lệ thực sự là một trung tâm tôn giáo lớn được người Chăm xây dựng và sử dụng lâu dài trong lịch sử, với niên đại ước tính khoảng 1.000 năm tuổi.
Một trong những tác phẩm nổi bật nhất của di tích Phong Lệ là bức trán cửa (tympan) thể hiện thần Siva múa điệu vũ trụ Tandawa, được phát hiện vào năm 1890, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Di chỉ khảo cổ này có ý nghĩa khoa học lớn trong nghiên cứu khảo cổ cũng như nghiên cứu kiến trúc, văn hóa Chăm còn nhiều ẩn số. Những di tích, di vật tìm được đã phản ánh phong phú về đời sống xã hội, tinh thần, kinh tế của người Champa tại vùng đất Amaravati từ thế kỷ X – thế kỷ XII.
Sau khai quật sẽ là gì?
Với quy mô và giá trị vừa riêng biệt vừa tiêu biểu của các hiện vật tại di tích Phong Lệ, Đà Nẵng đã tính đến phương án quy hoạch nơi đây thành một điểm tham quan có giá trị về mặt du lịch lẫn công tác giáo dục văn hóa.
Đề án khảo cổ và phát huy giá trị Khu di tích Chăm Phong Lệ với thời gian thực hiện từ năm 2017 - 2022 đã được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt vào tháng 11/2017. Thế nhưng, trong một thời gian dài, di tích Phong Lệ vẫn đìu hiu như hồi chưa được khai quật, ngoại trừ khu “hố thiêng” được che chắn bằng mái tôn.
Dự án đầu tư, tôn tạo, nâng cấp khu di tích Chăm Phong Lệ thành cơ sở 2 của Bảo tàng Điêu khắc Chăm được kỳ vọng sẽ giúp phát huy những giá trị văn hóa – lịch sử bị chìm sâu hàng trăm năm qua. Theo đó, khu di tích được quy hoạch trên diện tích khoảng 20.000m2, gồm 3 khu vực.
Khu vực bảo tồn, diện tích 2.653m2 gồm kiến trúc tháp, các kiến trúc phụ và hệ thống liên kết, Miếu Bà, 2 ngôi mộ cổ và hạng mục tường bao bảo vệ, làm mái che cho các khu vực nền móng dễ bị xâm hại bởi thời tiết.
Khu vực bảo vệ di tích, diện tích 1.626m2 gồm các hạng mục hỗ trợ cho di tích: Nhà trưng bày di tích Chăm tại Đà Nẵng, Nhà trưng bày ngành nghề truyền thống. Khu vực phát huy giá trị di tích có diện tích 15.461m2 tạo không gian mở phục vụ cộng đồng dân cư và du khách đến tham quan, thư giãn, giải trí.
Cùng với di tích Nghĩa trủng Hòa Vang (phường Khuê Trung), khu di tích Chăm Phong Lệ sẽ là một phần trong cụm các di tích lịch sử, văn hóa được liên kết để phát triển du lịch. Quận Cẩm Lệ đang có đề án phát triển du lịch đường sông Cẩm Lệ với bến tàu đón trả khách được xây dựng gần khu di tích này.
Khi Nhà trưng bày di tích Chăm và Nhà trưng bày ngành nghề truyền thống được xây dựng, sẽ có không gian trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể cũng như trình bày hình ảnh, hiện vật văn hóa, tổ chức hát hò khoan, bài chòi, hát bội… Ông Huỳnh Văn Hùng – nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng đánh giá đây sẽ là một tour du lịch hấp dẫn trong tương lai.