Xưởng trống paranưng cuối cùng
Ngôi nhà nhỏ của ông Thiên Sanh Thềm nằm bên cạnh con kênh của làng Hữu Đức, xã Phước Hữu. Cái sân gạch nơi ông ở chính là xưởng làm trống paranưng.
Gắn bó với xưởng hơn 50 năm qua, ông đã cho ra đời hàng ngàn đôi trống ghinăng, paranưng và kèn saranaicho người Chăm từ Ninh Thuận cho đến vùng An Giang, Tây Ninh hay miền Trung.
Hơn nửa thế kỉ trước, làng Hữu Đức còn heo hút lắm, chỉ độ khoảng hơn trăm nóc nhà. Ngày đó, gia đình ông đã có truyền thống làm trống Chăm lâu đời. Từ lúc 5 - 6 tuổi, nghe cha là Thiên Sanh Thào vỗ trống paranưng, trống ghinăng và thổi kèn Saranai, Thiên Sanh Thềm đã say mê, thích thú.
Năm 16 tuổi, ông được cha truyền dạy những bước cơ bản về sản xuất và chơi nhạc cụ. Ông không nhớ nổi mình đã từng theo cha hay một mình lặn lội bao nhiêu vùng núi rừng Ninh Thuận để đi tìm gỗ lim xanh, hay cà chít (loại gỗ sến đỏ)... để đem về làm trống.
Nhiều già làng, trưởng tộc người Chăm Ninh Thuận bảo rằng, ngày trước, nơi đây cũng có 3 - 4 người làm trống và kèn, thế nhưng không ai qua được nghệ nhân Thiên Sanh Thềm. Bởi vì trống ghinăng, trống paranưng và kèn saranai - 3 loại nhạc cụ không thể thiếu trong lễ hội truyền thống của người Chăm - đòi hỏi người làm ra nó phải chính xác đến từng chi tiết nhỏ.
Nghệ nhân Thiên Sanh Thềm được xem là “báu vật sống” của người Chăm khi biết làm và chơi được 3 loại nhạc cụ Chăm truyền thống trong hiện tại.
Yêu văn hóa dân tộc, giữ lấy lời dặn của người cha đã quá cố cùng với năng khiếu trong việc thể hiện nhạc cụ Chăm, nghệ nhân Thiên Sanh Thềm đã chọn nghề chế tạo ra 3 loại nhạc cụ trên để theo đuổi cho tới giờ.
“Thật sự mà nói, tôi không phải là người làm trống Chăm hay nhất, cũng không phải là duy nhất. Ở vùng đất Ninh Thuận này còn 2 người nghệ nhân già làm trống giỏi có tiếng là ông Cai Lầu ở gần tháp Hòa Lai và ông Phú Sang ở dưới chân tháp Po Rome. Nhưng hai người đó giờ già rồi nên ít còn sức để làm trống, mình cũng già nhưng người Chăm mình đâu còn mấy đôi trống nữa nên mình còn giữ được nghề!” - ông Thềm chân tình chia sẻ.
Nghệ sĩ ưu tú Thiên Sanh Thềm đang vỗ trống paranưng. |
Công phu nghề làm trống
Khi lên rừng tìm cây làm trống, ông Thềm không chọn chặt những cây lớn mà cố tìm những cây bị thối, khô lõi bởi loại cây này vừa dễ phá lõi vừa có âm vang lớn. Khi đẽo xong, đổ cát vào phơi thêm 7 ngày 7 đêm. Tuy nhiên, đó chưa phải là công đoạn làm trống công phu nhất.
Ngày xưa, mỗi bận làm trống thì hai cha con ông Thềm lại vào rừng săn cho được con mang đực màu đen, lột lấy da trên bả vai con mang để bịt trống. Giờ không còn tìm được con mang nữa nên ông đã dùng da của con dê đực có sừng dài khoảng 5cm hoặc con dê cái đã đẻ đúng 7 lứa hoặc da trâu. Vì vậy, để hoàn thành một đôi trống paranưng hay ghinăng phải mất cả tháng trời.
Tiếng trống paranưng, ghinăng, tiếng kèn saranai của ông không còn bó hẹp ở miền đất nắng Ninh Thuận mà còn vang nhiều đến các tỉnh thành miền Trung, với cộng đồng người Chăm cả nước. Suốt 15 năm qua, ông trở thành người truyền nghề chơi trống, chơi kèn và làm trống kèn cho thế hệ trẻ người Chăm.
Ông nói: “Tôi sẵn sàng dạy chúng học mà không lấy tiền. Nhưng tôi chỉ yêu cầu một thủ tục nhỏ khi đến học là phải làm lễ xin học nghề. Vật lễ đơn giản chỉ là ba trứng vịt luộc, trầu cau, rượu. Đó là phong tục!”.
Hồn trống, hồn Chăm
Ngày xưa, người Chăm làm kèn saranai chủ yếu bằng ngà voi và sừng trâu. Về sau, những thứ này ngày càng khan hiếm nên chủ yếu được làm bằng gỗ me. Ngoài việc mang lại thanh âm, giai điệu độc đáo, cuốn hút, các nhạc cụ truyền thống như trống paranưng, ghinăng, kèn saranai còn chứa đựng cả thế giới tâm linh, tín ngưỡng riêng của người Chăm.
Nghệ nhân Thiên Sanh Thềm phân tích: “Đặc trưng của kèn saranai có 7 lỗ, tượng trưng cho đầu người (miệng, 2 mắt, 2 tai và 2 lỗ mũi). Trống paranưng tượng trưng cho thân mình. Trống ghinăng phải luôn có cặp vì nó tượng rưng cho 2 chân của con người và 2 chiếc dùi trống tượng trưng cho 2 tay. Khi 3 loại nhạc cụ này kết hợp với nhau sẽ tạo thành dàn nhạc Chăm truyền thống.
Ngoài ba nhạc cụ này còn có chiêng, lục lạc và kèn kanhi. Trống ghinăng được ví như trời, paranưng là đất. Hai loại trống này đi chung với kèn saranai được hiểu như một quẻ dịch “thiên - địa - nhân”. Chúng không chỉ là bảo vật, mà còn là chứng nhân, vật linh thiêng cho nhiều mùa lễ hội, cho nhiều ngày vui, ngày buồn của đồng bào Chăm ở vùng “tháp nắng”.
Yêu văn hóa Chăm, khắc khoải với tiếng trống và điệu kèn Chăm, cho nên ông dìu dắt cả 5 cậu con trai của mình học cách đẽo trống, quấn tang trống và chơi cả trống kèn. Nhờ thế mà hai người con của ông cũng rất thành công, đó là Thiên Sanh Minh (thành viên Đoàn ca múa nhạc dân gian Chăm Ninh Thuận) và cậu con trai út 29 tuổi, Thiên Sanh Vũ (thành viên Đoàn ca múa nhạc dân gian tỉnh Quảng Nam).
Nghệ nhân Thiên Sanh Thềm cười mãn nguyện: “Có 2 anh em nó, tôi cũng yên tâm rồi. Mai mốt tôi theo ông bà thì ít ra còn có chúng. Những thanh niên trong làng hay người nơi khác, nếu yêu văn hóa Chăm, muốn học gì thì tôi sẵn sàng dạy!”.