Gõ cánh cửa kho tàng văn hóa Chăm

GD&TĐ - TS Phú Văn Hẳn (Ja Samad Han), dân tộc Chăm, sinh năm 1963, trú tại xã Phước Nam, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận là một trong những nhà nghiên cứu đã góp nhiều tâm sức, trí tuệ trong việc mở cửa, khám phá một thời kỳ rực rỡ của nền văn hóa Chăm.

TS Phú Văn Hẳn (bìa phải) tại một cuộc Hội thảo khoa học ở TPHCM
TS Phú Văn Hẳn (bìa phải) tại một cuộc Hội thảo khoa học ở TPHCM

Mở cửa kho tàng văn hóa Chăm

Năm 1988, tốt nghiệp khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp TPHCM, Phú Văn Hẳn nhận công tác tại Viện Khoa học xã hội (phía Nam), sau đó anh được chọn đi tu nghiệp tại Malaysia trong hai năm (1993-1995). Năm 2003, khi vừa tròn 40 tuổi, Phú Văn Hẳn bảo vệ thành công luận án TS chuyên ngành Ngôn ngữ học, chủ yếu nghiên cứu ngôn ngữ Chăm.

Chính việc đi sâu nghiên cứu ngôn ngữ Chăm, đặc biệt là việc sử dụng chữ viết Chăm truyền thống Akhar Thrah đã giúp TS Phú Văn Hẳn có được chiếc “chìa khóa vàng” để mở cánh cửa đi vào kho tàng văn hóa Chăm đồ sộ mà các tiền nhân lưu lại trong cộng đồng người Chăm.

Người Chăm có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời rất đa dạng, phong phú; đặc biệt là một trong số những dân tộc có chữ viết sớm nhất ở nước ta. Yếu tố quan trọng này đã góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa dân tộc của nền văn hóa Việt Nam.

Là người đã tham gia nghiên cứu lâu năm về văn hóa Chăm nói chung và ngôn ngữ Chăm nói riêng, anh thấu hiểu một điều rằng, bản sắc văn hóa chính là sức mạnh. Chính những điều ấy đã thôi thúc anh ngày càng đam mê, tâm huyết nguyên cứu những nét văn hóa đặc sắc và độc đáo của dân tộc mình. TS Phú Văn Hẳn có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa Chăm nói chung và ngôn ngữ Chăm nói riêng đã công bố (in thành sách và đăng trên các tạp chí chuyên ngành) trong và ngoài nước được giới chuyên môn “tâm phục, khẩu phục”.

Trong khảo luận “Việc sử dụng chữ Chăm truyền thống Akhar Thrah” in trong tác phẩm Ngôn ngữ Chăm, thực trạng và giải pháp (NXB Phụ nữ, năm 2011), anh đã đi sâu phân tích chữ Chăm Akhar Thah truyền thống bao gồm đặc điểm chữ viết và hệ thống ngữ âm. Từ đó, anh đã so sánh được sự khác biệt giữa Akhar Thah truyền thống và chữ viết Chăm cải tiến của Ban biên soạn sách chữ viết Chăm. Theo anh, Akhar Thah là loại chữ viết được đánh giá rất ổn định từ nhiều thế kỷ. Việc dạy và học chữ viết Chăm với mục tiêu duy trì chữ viết truyền thống của dân tộc, giúp người Chăm hiện nay đọc - hiểu được văn bản Akhar Thah truyền thống còn được lưu giữ trong cộng đồng người Chăm.

Theo TS Phú Văn Hẳn, ngôn ngữ có quy luật riêng, vì thế đòi hỏi người học phải tôn trọng quy luật này. Anh đã chứng minh một cách thuyết phục rằng, ngôn ngữ Chăm có mối quan hệ đặc biệt với nhóm ngôn ngữ Nam Đảo lục địa. Người Chăm là một trong những tộc người cùng ngữ hệ Malayo - Polynesia với người Churu, Raglai, Êđê…

Từ kết quả nghiên cứu này của anh cho thấy, ngôn ngữ Chăm thực sự là một di sản quý giá mà người Chăm cần phải tích cực bảo tồn hơn là tiến hành cải tiến. Anh kiến nghị Đảng và Nhà nước nên quan tâm hơn nữa trong việc bảo tồn di sản ngôn ngữ Chăm, đồng thời kêu gọi người Chăm nên có ý thức hơn nữa về việc bảo tồn, phát huy ngôn ngữ của dân tộc mình. Ngôn ngữ gốc có gìn giữ được thì mới trở thành cơ sở vững chắc để đi sâu nghiên cứu lịch sử, văn hóa, xã hội Chăm trong quá khứ, hiện tại và tương lai.                                                                    

Đãi cát tìm vàng

Trên nền tảng những nghiên cứu sâu về ngôn ngữ Chăm, TS Phú Văn Hẳn đã tìm hiểu, nghiên cứu hệ thống hơn, chuyên sâu hơn vào nhiều lĩnh vực khác trong đời sống văn hóa, xã hội Chăm từ quá khứ tới hiện tại và định hướng tương lai; trong đó có lĩnh vực về tín ngưỡng và tôn giáo. Anh cho biết, người Chăm ở Việt Nam theo hai tôn giáo chính là Bà La Môn và Hồi giáo, nhưng trong Hồi giáo lại được chia thành hai là Hồi giáo cũ (tức Bà ni) và Hồi giáo mới (tức Islam).

Theo nghiên cứu của anh và một số nhà nghiên cứu khác thì trong lịch sử phát triển, một bộ phận người Chăm đã có một cuộc hành trình khá dài qua đất Chân Lạp, Xiêm La và Malaysia, sau đó quay lại vùng An Giang, Tây Ninh đến Sài Gòn an cư lập nghiệp và sinh sống như hiện nay. Do trải qua một cuộc hành trình như thế nên tín ngưỡng, tôn giáo của họ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng các dân tộc khác là điều dễ hiểu. Hiện nay hầu hết người Chăm ở Nam bộ đều theo đạo Islam, nên trong quá trình phát triển văn hóa đã dung hòa với yếu tố văn hóa Islam và cả văn hóa của cộng đồng của các dân tộc khác cùng sinh sống.

Năm 2005, TS Phú Văn Hẳn chủ biên công trình Đời sống văn hóa và xã hội người Chăm ở TPHCM, đã đi sâu nghiên cứu, khái quát những hoạt động đời sống và sinh hoạt tôn giáo của cộng đồng người Chăm rất thấu đáo. Trong nghiên cứu về chế độ mẫu hệ của người Chăm hiện nay, anh cũng có những nhận xét rất sâu sắc và cho rằng, mẫu hệ vừa là một hình thái xã hội, vừa được xem như là một hình thái văn hóa trong tộc người Chăm.

Từ 1993 đến nay, trong cương vị là Phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật thiểu số TPHCM, anh đã có nhiều nỗ lực trong việc tập hợp và tham gia cùng với đội ngũ văn nghệ sĩ các dân tộc ít người nói chung, người Chăm nói riêng sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu văn học nghệ thuật mang đậm dấu ấn, bản sắc các dân tộc. Đặc biệt trong nhiệm kỳ 2013-2018, với trọng trách là Chi hội trưởng Chi hội Văn học Nghệ thuật dân tộc Chăm, anh cùng 40 hội viên đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn, phát huy, làm giàu thêm bản sắc văn hóa Chăm tại TPHCM.

 Với tâm niệm “đãi cát tìm vàng”, anh và các cộng sự của mình đã sưu tầm và giới thiệu cuốn sách Chuyện kể dân gian người Chăm Nam bộ bằng song ngữ Chăm - Việt; xuất bản tuyển tập ca khúc Tiếng hát Chăm bên sông Sài Gòn và tuyển tập Người Chăm ơn Bác Hồ… Với những gì mà anh và các cộng sự của mình đã làm trong nhiều năm qua, được cộng đồng các dân tộc ít người nói chung và người Chăm nói riêng ghi nhận, ủng hộ.

Đặc biệt là sự ủng hộ, quan tâm hỗ trợ và có những chính sách thiết thực với đồng bào người Chăm của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Anh chia sẻ: “Tôi rất cảm động và vui mừng khi năm 2004, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tổ chức “Những ngày văn hóa Chăm” tại Hà Nội và kể từ ngày 1/5/2005, chương trình phát thanh tiếng Chăm đã chính thức được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.