Con gái lớn nói: "Con thấy chú Vinh được nhất, nhà chú khá giả, má không phải vất vả lo toan kiếm sống. Tuổi của má bây giờ là nghỉ ngơi, tham gia các câu lạc bộ dưỡng sinh thể dục nhẹ nhàng, trồng vài bụi hoa và du lịch đó đây.
Tóm lại, với chú Vinh má sẽ được an nhàn hưởng thụ cuộc sống. Mà không phải chỉ là chuyện tiền bạc. Mấy đứa con của chú Vinh đều đã trưởng thành và hiểu biết, bên đó cũng như tụi con, đứa nào cũng mong ba má mình có người bầu bạn cho vui tuổi xế chiều".
Con gái út nói thích chú Dũng hơn. Chú Dũng làm thợ may thì chắc là không thể đưa má du lịch đó đây thường xuyên được, vào mùa lễ lạt thiên hạ đua nhau may váy áo mới thì chú Dũng càng bận bịu hơn, lại thêm chú còn đứa con nhỏ mới học lớp Mười, tầm đó dở dở ương ương khó xử lắm. Nhưng mà tính tình chú Dũng hiếm ai có được. Chú nhẹ nhàng, vui vẻ, chan hòa, thông hiểu. Mỗi khi chú tới nhà mình chơi chỉ mới cười chào thôi mà đã thấy không khí nhẹ nhõm như có làn gió mát thổi qua. Có cảm giác chú Dũng đi tới đâu thì đem theo tiếng cười tới đó. Sống với người như vậy không vui hơn sao?
Hai đứa con bàn đi tính lại, chú Vinh hay chú Dũng? Đặt lên bàn cân xét nét từng chút, bên nào cũng có hay có dở. Cái dở nhất của chú Vinh là tính cách khuôn phép quá. Điều này từng được chấm điểm cộng, bởi người khuôn phép thì không sợ sa đà rượu chè. Nhưng đặt bên cạnh sự vui vẻ chan hòa của chú Dũng thì khuôn phép đó biến thành điểm trừ.
"Thôi, tùy má", hai đứa con bàn tính một hồi thì cười xòa, tụi con thấy cả hai chú đều được, tùy má ưng ai thì tụi con sẽ gọi người đó là ba.
Còn chú Kiên thì không. Ừ, chú Kiên thì khỏi bàn cãi. Không là không. Nhà mình không đủ sức đâm đầu vô ổ kiến lửa đó đâu.
Kiên là bạn học cùng lớp thời đại học, nay là chủ một quán sách báo cũ.
Đã ly hôn nhưng vợ cũ của Kiên hay quay lại gây gổ ầm ĩ. Mỗi lần đến, nhìn thấy sách báo la liệt trên nền nhà và cái kệ nghiêng lệch, là biết cô ấy vừa rời khỏi. Có khi đứa con trai đến thăm cha cũng đụng phải cảnh này.
Tôi nhói lòng chứng kiến hai cha con dựng lại cái kệ và im lặng bày biện sách báo trở lại, rồi không biết làm gì nữa. Đứa con nhìn anh một hồi và nói: "Thôi, con về". Sự nhẫn nhịn của anh đối với người từng đầu ấp tay gối và sự bất lực của đứa con trong việc khuyên can mẹ mà không được trở thành nỗi thấu hiểu xót xa giữa hai cha con.
Có khi, sực nhớ ra sự có mặt của tôi, đứa con trai ngoái đầu lại "cháu về đây" bằng giọng nhẹ như thể sợ mình bị hiểu lầm là nguyên nhân tan vỡ, như thể đã nhìn thấy tôi và anh chẳng thể đi đến đâu được.
Tôi cũng xót xa. Cho anh. Và cho tôi.
Có phải những đứa con của gia đình không trọn vẹn thường khôn trước tuổi để tự tránh những mộng ước viển vông? Tôi nghĩ tới những bàn tính của hai đứa con mình, có lẽ con của anh cũng mong ba mình có được một nơi chốn sao cho tuổi xế chiều được bình yên. Mà chắc là rất khó…
Tuổi năm mươi, không thể bất chấp như thuở hai mươi. Thật đáng tiếc, nhưng đúng là vậy. Tôi sợ vợ cũ của anh dựng chuyện ầm ĩ và hơn hết là sợ hai đứa con của mình buồn lo. Bạn bè nói tôi may mắn có được hai đứa con ngoan và hiểu biết, sao tôi nỡ phụ lòng con được. Con thấu hiểu và mong tôi được bình yên mà lẽ nào tôi khiến con không được bình yên?
Trái tim tuổi năm mươi không chỉ một ngăn yêu, ngăn dành cho con cái lớn hơn nhiều. Tôi thôi không lui tới quán sách báo cũ nữa.
Rồi đôi khi tôi tự hỏi mình, có thật là vì hai đứa con, hay vì tôi không đủ can đảm cho tình yêu?