Giải quyết bài toán phế thải nông nghiệp
Tác giả Nguyễn Trọng Hòa, nhà sáng chế ở Tiền Giang đã nghiên cứu “Tận dụng phế phẩm nông nghiệp để sản xuất phân hữu cơ từ vỏ sầu riêng kết hợp vỏ sò” nhằm cải tạo đất. Nghiên cứu này tập trung vào việc tận dụng các phế phẩm như vỏ sầu riêng, vỏ sò và các loại phế phẩm nông nghiệp khác để tạo phân bón hữu cơ, giúp giảm thiểu lãng phí và ô nhiễm môi trường, đồng thời cải thiện chất lượng đất và tăng năng suất cây trồng.
Việt Nam hiện đang là quốc gia nổi bật với diện tích trồng cây sầu riêng, chủ yếu tại hai vùng: Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, Đồng Tháp được xem là “thủ phủ” sầu riêng của miền Nam, với diện tích trồng lên tới 5.057 ha vào năm 2007. Theo chiến lược phát triển nông nghiệp địa phương, sầu riêng được lựa chọn trở thành cây chủ lực, đồng thời phát triển vùng chuyên canh chất lượng cao tại đây.
Ông Nguyễn Trọng Hòa cho hay, vỏ sầu riêng chiếm tới hơn 70% khối lượng quả và hiện vẫn bị bỏ đi mà không được tận dụng. Việc vứt bỏ tập trung gây ô nhiễm môi trường, phát tán mùi, thu hút vi khuẩn và nấm bệnh, tạo gánh nặng trong xử lý chất thải nông nghiệp.
Compost (phân ủ sinh học) là giải pháp hiệu quả trong xử lý chất thải, biến phế phẩm hữu cơ thành phân bón giàu dinh dưỡng. Ngoài việc giảm ô nhiễm, phân compost còn thúc đẩy phân giải và chuyển hóa các chất hữu cơ; Giảm nồng độ các chất ô nhiễm, độc hại trong đất; Cải thiện cấu trúc vật lý - hóa, đặc biệt làm tăng độ xốp, khả năng giữ nước; Nâng cao độ phì đất, tăng năng suất cây trồng (lúa, ngô, rau, đậu, chè, cây lâm nghiệp…).
Tại Việt Nam, nhiều nghiên cứu đã chứng minh compost giúp tiết kiệm phân hóa học và cải thiện độ phì. PH và tỷ lệ Carbon/Nitrogen (C/N) là hai chỉ tiêu then chốt quyết định chất lượng compost.
Quá trình phân hủy hiệu quả khi pH dao động từ 6 - 8 (vi khuẩn hoạt động tốt ở pH 6,5 - 8, nấm ở 5 - 8,5); trong đống ủ, pH ban đầu ~6, giảm xuống 4,5 - 5 do axit rồi tăng lên 7,5 - 8,5 trong giai đoạn nhiệt độ cao, sau đó về mức trung tính 5,5 - 6,5 khi hoàn thành phân hủy. Việc bổ sung CaCO₃ từ vỏ sò giúp ổn định pH, duy trì môi trường thuận tiện cho vi sinh và rút ngắn thời gian ủ.
Nhóm nghiên cứu đã khảo sát 6 nghiệm thức với sự phối trộn vỏ sầu riêng, xơ dừa, phân NPK, chế phẩm Trichoderma và bột vỏ sò theo tỷ lệ khác nhau. Ngoài vỏ sầu riêng và bột vỏ sò, các thành phần khác gồm mụn dừa, một lượng nhỏ phân NPK, và chế phẩm nấm Trichoderma để thúc đẩy phân giải. Tất cả đều được đảo trộn cách 3 ngày/lần trong suốt quá trình ủ.

Cải thiện năng suất và chất lượng cây trồng
Ông Nguyễn Trọng Hòa cho biết, sau khi phân hủy, NT5 (15% vỏ sò, C/N 30) cho chất lượng tốt nhất gồm hàm lượng chất hữu cơ 26%; Nito tổng 1,03%; P₂O₅ 0,23%; Kali (K₂O) 1,01%; Vi sinh có khả năng phân giải cellulose ≥ 1×10⁶ CFU/g (đáp ứng tiêu chuẩn QCVN 01‑189:2019/BNNPTNT).
NT5 cũng mang lại kết quả vượt trội khi dùng bón cho cải bẹ xanh. Cây trồng trên luống có phân compost cải thiện rõ rệt so với luống đối chứng. Sử dụng phân compost này giúp giảm chi phí xử lý và phân hóa học; tạo chuỗi giá trị bền vững từ thương lái đến nông dân; tăng thu nhập và chất lượng nông sản; góp phần cải tạo đất chua, bạc màu.
Theo ông, việc giảm chất thải vỏ sầu riêng, vỏ sò; tạo ra phân bón đáp ứng tiêu chuẩn; giảm chi phí nông dân; góp phần đa dạng mô hình kinh tế theo chuỗi khép kín; hướng đến nông nghiệp tuần hoàn không chất thải.
Việc khai thác quy hoạch vùng trồng sầu riêng tại Đồng Tháp cho thấy lượng vỏ thải vô cùng lớn. Việc thu mua để sản xuất compost đánh thức tiềm năng kinh tế vùng; giúp nông dân và doanh nghiệp kết nối thành chuỗi khép kín, từ sản xuất đến chăm sóc đất, nâng cao giá trị nông sản và tăng thu nhập nông dân.
Tác giả Nguyễn Trọng Hòa đã phát triển hệ quy trình compost từ vỏ sầu riêng kết hợp bột vỏ sò với công thức tối ưu là NT5 (15% vỏ sò, C/N 30). Sản phẩm chứa chất lượng cao về chất hữu cơ, vi sinh, dinh dưỡng N-P-K, đáp ứng quy chuẩn phân hữu cơ. Thử nghiệm thực địa chứng minh hiệu quả cải tạo đất và năng suất cây trồng, đem lại tiềm năng ứng dụng lớn trên diện rộng.
Giải pháp này không chỉ giải quyết ô nhiễm do phế phẩm nông nghiệp, mà còn cung cấp mô hình sản xuất phân bón nội địa, thân thiện môi trường, giảm phân hóa học. Việc đưa compost vào sản xuất nông nghiệp định hướng nông nghiệp sạch, nền kinh tế xanh và phát triển bền vững cho các vùng trồng sầu riêng nói riêng và nông nghiệp Việt Nam nói chung.
Với bài toán xử lý vỏ sầu riêng và vỏ sò, giải pháp compost cho thấy khả năng giải quyết ô nhiễm hiệu quả, tái tạo đất, nâng cao giá trị nông sản, hướng đến mô hình nông nghiệp tuần hoàn đầy tiềm năng và hiệu quả lâu dài.