Với tôi, Nguyễn Thị Khánh Chi (học sinh lớp 12A3, Trường THPT Nghi Lộc 2 - Nghệ An) chính là hình ảnh của một hành trình như thế - một cô học trò dũng cảm đã vượt ra khỏi chiếc khẩu trang - không chỉ theo nghĩa đen, mà là vượt qua mặc cảm, e dè, vượt qua giới hạn để trưởng thành bằng chính giọng nói, suy nghĩ và tấm lòng của mình.
Cô học trò đặc biệt
Năm học cuối cấp luôn mang đến cho những người dạy học những phút ngẫm nghĩ nhiều hơn thường lệ. Năm nay, tôi chỉ phụ trách một lớp 12, nên cứ ngỡ việc chọn ra một gương mặt tiêu biểu để khắc họa sẽ không quá khó khăn. Thế nhưng, khi lần giở lại từng gương mặt, từng buổi học, từng ánh nhìn, tôi mới hiểu: Giữa một tập thể nhiều cá nhân nổi bật, để tìm ra một người thực sự để lại dấu ấn là điều không hề dễ dàng.
Có em học rất giỏi nhưng khép kín. Có em năng nổ nhưng thiếu chiều sâu. Và cũng có những em khiến tôi cảm mến bởi nghị lực, song lại thiếu một điều gì đó để thực sự “thành hình” trong tâm trí. Tôi đã phải gác lại những con số, bỏ qua cả những cảm xúc cá nhân, để lắng nghe một điều: Ai là người khiến tôi, với tư cách một người thầy, phải suy nghĩ nhiều nhất về nghề giáo - về dạy và học, về trưởng thành và ước mơ?
Và tôi đã gọi tên Khánh Chi.
Tôi còn nhớ rất rõ ấn tượng đầu tiên của mình với em - một cô bé lớp 10, dáng người khá cao ráo, có phần rụt rè, nhưng lại dũng cảm bước lên phát biểu trong buổi ngoại khóa toàn trường đầu tiên của năm học. Em nói bằng chất giọng còn bỡ ngỡ, nhưng ánh mắt và sự mạch lạc trong cách trình bày cho thấy em không phải một học sinh bình thường.
Sau buổi hôm ấy, tôi để ý: Gần như trong mọi tiết thực hành nói - nghe sau này, em luôn là người đứng ra kết nối, lên ý tưởng và tổ chức nhóm. Từ vai trò dẫn chương trình cho các hoạt động ngoại khóa, tôi trao cho em thêm nhiều thử thách: Trưởng nhóm chuyên đề, thành viên của nhóm chuyên gia, khách mời, người viết và trình bày kịch bản ngắn… Em đều hoàn thành với một tinh thần đầy trách nhiệm.
Nhưng điều khiến tôi trân quý Khánh Chi không chỉ ở sự năng nổ. Điều khiến tôi thật sự muốn viết về em là bởi tình yêu của em dành cho môn Ngữ văn - một tình yêu thầm lặng nhưng sâu sắc, một mạch nguồn cảm xúc mà người dạy Văn như tôi dễ dàng cảm nhận.
Em yêu viết lách. Em đắm mình trong những bài viết không phải để được điểm cao, mà để được sống với suy nghĩ và cảm xúc của chính mình. Em dám nêu quan điểm trái chiều trong lớp học và không ngại tranh luận khi cần. Nhưng em cũng biết lắng nghe, điều chỉnh và làm giàu suy nghĩ của mình qua mỗi giờ giảng. Những bài viết của em - dù là truyện ngắn, bài cảm nhận, thư ngỏ - đều có một thứ “hồn” riêng, không vay mượn.

Hành trình “vượt ra” chiếc khẩu trang
Điều đáng quý là ít ai biết, Khánh Chi từng rất mặc cảm với ngoại hình của mình. Suốt học kỳ đầu của năm lớp 10, em luôn đeo khẩu trang, kể cả khi thuyết trình hay phát biểu. Chiếc khẩu trang như một lớp vỏ che chắn, vừa bảo vệ, vừa giới hạn. Có lần, tôi đã nghĩ em sẽ mãi chọn cách tồn tại phía sau đó.
Nhưng rồi, vào một buổi sáng nọ, em bước vào lớp, gỡ khẩu trang và bắt đầu tiết học bằng nụ cười rất nhẹ. Từ hôm ấy, em dần trở nên tự tin hơn. Tôi không rõ điều gì đã khiến em thay đổi - một lời khuyên từ bạn bè, hay một cuốn sách chạm đến tâm hồn - nhưng tôi tin rằng sự dũng cảm bắt đầu từ bên trong.
Tôi từng hỏi em rằng: “Em luyện nói ở đâu mà lưu loát và có sức thuyết phục vậy?”. Em trả lời: “Thầy sẽ không tin đâu. Em luyện trước gương, đọc sách thành tiếng, rồi ghi âm giọng mình lại”. Đằng sau sự tự tin trên lớp là cả một quá trình âm thầm rèn luyện mà không phải học trò nào cũng kiên trì được.
Một tiết học khiến tôi nhớ mãi là bài thuyết trình của em về chủ đề “Điểm số có thực sự là tất cả”. Em đã chọn câu chuyện về bức tranh “Lại điểm 2” để bắt đầu. Thay vì đi theo lối mòn nói đến những hậu quả về việc người lớn quá kì vọng vào điểm số, em chọn kể lại một câu chuyện - không chỉ về nhân vật trong tranh, mà còn về tâm trạng của rất nhiều học sinh khi thất bại. Cách tiếp cận đó khiến cả lớp và những thầy cô dự giờ lặng đi vì xúc động.
Có đồng nghiệp nói với tôi: “Học trò của thầy thuyết trình trơn tru quá, như được dạy trước”. Tôi mỉm cười. Vì tôi biết, em không diễn - em sống trong bài nói ấy, em sống trong từng câu chữ mình đã chiêm ngẫm ra.

Ngoài những giờ học, Khánh Chi còn tham gia các hoạt động xã hội với một nhiệt huyết đáng nể. Em là thành viên của nhóm thiện nguyện “Tình thương” phối hợp cùng Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An, đến những vùng cao, vùng xa để trao gửi yêu thương đến các em nhỏ và đến thăm các bác thương bệnh binh tại các khu điều dưỡng ở tỉnh Nghệ An. Em cũng là thành viên tích cực trong các phong trào “Mùa Hè xanh”, “Tiếp sức mùa thi”. Em không đi để có danh hiệu, mà đi để hiểu cuộc sống và để viết chân thật hơn.
Tôi có dịp đồng hành cùng em trong Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”. Dù chưa đoạt giải, nhưng tôi luôn đánh giá cao ý tưởng của em - một cái nhìn mới mẻ, cá nhân và rất giàu cảm xúc. Sau này, khi “Báo Giáo dục và Thời đại” mở chuyên mục “Học trò viết”, em là một trong những cây bút đầu tiên gửi bài. Tôi nhớ bài viết ấy có tên “Viết thư cho người đã mất”.
Ý tưởng táo bạo, cách viết chững chạc và trên hết là cảm xúc chân thật - bài viết được chọn đăng trong số đầu tiên. Tôi đã đọc lại bài ấy nhiều lần. Không phải vì kỹ thuật viết, mà vì cảm giác mình đang được nghe tâm hồn một người trẻ đang lớn lên - đầy trăn trở nhưng không bi lụy, đầy suy tư nhưng vẫn ánh lên hy vọng. Và đằng sau bài viết ấy, là tình cảm chân thành của một người cháu dành cho người ông đã mất.
Buổi học cuối cùng của năm học, em mang đến một bất ngờ khác - một bức thư gửi chính mình ở tuổi 25. Em đưa bức thư gửi tôi với lời nhắn “thầy sẽ thấy bất ngờ vì em không viết như yêu cầu của thầy”. Và quả thực tôi đã rất bất ngờ với những suy nghĩ trưởng thành đến thế. Có điều gì đó rất thật trong lời nhắn gửi mà em viết cho chính mình - như một tấm gương đặt ngược lại để tự soi chiếu.
Trong bức thư, em có nhắc đến bạn bè, thầy cô. Em viết “… Cậu còn nhớ đến những mục tiêu năm 15 tuổi chứ? Chắc cậu đã phải vất vả, kiên trì để theo đuổi những mục tiêu ấy. Có lẽ cậu đã phải rất vất vả để mở tiệm hoa cho mẹ, mở một quán ăn chay cho bố. Và cậu cũng được mọi người biết đến với vai trò của một người dẫn chương trình thông minh”. Là thầy giáo, tôi bỗng thấy xúc động: Một học trò biết lắng nghe chính mình - ấy là một người đã bắt đầu trưởng thành.
Em từng đặt mục tiêu đạt điểm 9 môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp. Với tôi, đó là điều rất khó. Một phần vì đề thi năm nay khuyến khích sáng tạo, nhưng thực tế, vẫn còn những định kiến ngầm về sự “phá cách”, sự “vượt rào”. Chưa kể, chữ của em… không đẹp - tôi vẫn thường trêu là “chữ bác sĩ phiên bản học trò”. Vậy mà khi biết điểm, tôi thật sự bất ngờ. Có thể em chưa hài lòng, nhưng với tôi - đó là một phần thưởng xứng đáng cho tất cả những cố gắng lặng thầm trong suốt ba năm qua.
Giờ đây, khi lớp học đã lặng, bảng đen đã được xóa, và những buổi giảng văn chỉ còn trong ký ức, tôi vẫn nhớ rõ giọng nói ấy - giọng nói từng nép sau một chiếc khẩu trang, rồi vươn lên đầy tự tin và ấm áp.
Giọng nói ấy - có thể sẽ còn thay đổi theo thời gian, nhưng điều đọng lại - là khí chất của một người trẻ biết tin vào chính mình.