Tất cả đều từ miền xuôi, họ mang theo tuổi trẻ, niềm tin và khát vọng lên đây dệt chữ, rồi dệt cả tình người.
Đóa hoa tình yêu trên mảnh đất khô cằn…
Tất tình cờ, tôi gặp Đặng Thị Hoài - Giáo viên Trường THPT Sốp Cộp (Sơn La), rồi may mắn được nghe cô trải lòng. Trong miên man câu chuyện về cuộc sống của giáo viên vùng cao là khoảng lặng xúc động, hạnh phúc về những mối tình không nhuốm màu vật chất, đầy ắp lãng mạn, đẹp lung linh giữa mảnh đất khô cằn.
Nói về mình, cô Hoài như chìm vào ký ức xa xôi: Là con gái Hải Phòng, tốt nghiệp khoa Văn một trường đại học sư phạm đầu ngành của cả nước, với tấm bằng không tồi, tôi của hơn 10 năm trước từng say mê, cao ngạo, rồi mệt nhoài suốt 3 năm tìm cho mình chỗ đứng công việc nơi thành phố.
Suy nghĩ, quyết tâm bằng mọi giá phải bám trụ phố phường cứ ăn sâu và bào mòn trí óc.
Nhưng rồi, chỉ sau một lần tình cờ lên vùng cao thăm bạn, chạm ánh mắt, nụ cười trong trẻo, ngây thơ; những đôi chân trần hồn nhiên, vụng dại; những vòng quay xe đạp mệt mỏi, nặng nề leo dốc đến trường của học trò vùng cao, một ý nghĩ mà khi đó ai cũng cho là điên rồ đột ngột xuất hiện: Lên Sơn La dạy học. Thế là, tôi trở thành giáo viên thứ 17 của Trường THPT Sốp Cộp.
Quyết định ấy, tình cờ đến đúng vào ngày khai giảng, đã khiến mẹ tôi phải ngăn cản, rồi khóc vì nhớ, vì thương con suốt mấy tháng trời.
Quyết tâm là thế, nhưng những ngày đầu của cuộc sống tự lập nơi đây, với một đứa con gái thành phố như tôi chẳng dễ dàng chút nào.
Nấu cơm bằng củi tự lấy, điện không, giặt suối, điện thoại cả trường mới có một máy, trực đến 2 giờ đồng hồ mới được một cuộc gọi cho gia đình. Bữa cơm chung với trò dù chỉ có rau với măng rừng…
Tình yêu ấm áp của anh, sự yêu thương của các anh, chị đồng nghiệp khiến 11 năm trôi qua chỉ như một chớp mắt. Mái ấm của tôi, nay thật trọn vẹn với hai thiên thần.
Vùng đất này, mới ngày nào khiến cô sinh viên từ phố thị như tôi choáng váng, nay đường bê tông đã phủ kín các ngả đường đến bản làng, nước sạch về tận từng xóm nhỏ, điện cao áp sáng soi khắp các con đường chính, sóng điện thoại đến với mỗi gia đình…
Bỗng nhiên, một niềm tin vững chắc, mạnh mẽ, chính nơi đây, nơi tôi tìm được ý nghĩa cuộc sống và gặp được những tình yêu lớn nhất cũng sẽ là miền đất hứa với các con, là điểm tựa vững chắc cho đường đời con đi, dù ngày nay, vùng đất này chưa hết nghèo và gian khó.
Ông Tơ, bà Nguyệt nơi núi thẳm
Câu chuyện của cô giáo Hoài như một sợi chỉ đỏ thắm trên chiếc khăn tình yêu rực rỡ sắc màu được dệt lên từ mái trường trên mảnh đất giáp Lào. Ngày nay, ngôi trường mang tên Sốp Cộp được ví như ông Tơ, bà Nguyệt giữa vùng núi thẳm.
Ở đó, hơn 40 con người trong số 76 cán bộ, giáo viên của trường đều từ miền xuôi lên đây tìm cho mình một cuộc sống mới. Và thật diệu kỳ, hơn 40 người con từ vùng đất lạ, đã có đến 17 đôi gắn kết, yêu thương, nguyện cùng sống đến đầu bạc răng long và đang hạnh phúc mãn nguyện trên mảnh đất đầy gian khó này.
Trong số đó, mối tình lãng mạn của thầy Hà Sơn Minh dạy Toán, quê Thanh Hóa và cô Hà Thị Bích Đào dạy Lịch sử, quê Nam Định vẫn được các giáo viên trong trường truyền nhau, kể lại. Họ gặp nhau khi còn là sinh viên Trường ĐH Đà Lạt.
Cô Đào lên nhận công tác từ năm 2004, khi đó thầy Minh còn chưa tốt nghiệp.
Thời gian và khoảng cách địa lí tưởng có thể xóa nhòa tất cả. Song sức mạnh tình yêu và niềm đam mê nghề dạy học đã giúp họ đến được với nhau, tạo dựng mái ấm nơi miền sơn cước.
Rồi câu chuyện tình yêu của thầy Nguyễn Thành Lê dạy Lịch sử và cô Nguyễn Thanh Tâm dạy Văn cũng rất đẹp. Yêu nhau từ giảng đường đại học, năm 2005, thầy Lê đầu quân vào Trường THPT Sốp Cộp, còn cô Tâm nhận việc tại một trường THPT giữa thành phố Sơn La.
Tiếng gọi của trái tim thật mạnh mẽ, chỉ một thời gian, cô Tâm quyết định từ bỏ công việc ổn định nơi thành phố, tình nguyện xin Sở GD&ĐT Sơn La vào công tác cùng người yêu, gắn cuộc đời mình với nơi vốn là một trong những huyện nghèo nhất nước.
Mới đây nhất, tấm khăn tình yêu lại tiếp tục được đan thêm dải màu mới với mối duyên của thầy Thắng giáo viên Thể dục và cô Thanh
giáo viên Toán. Họ vốn đều là học trò củatrường, nay lại là đồng nghiệp, rồi trở thành chồng - vợ.