Đèo Pha Đin - nơi giao hòa đất trời

Đèo Pha Đin - nơi giao hòa đất trời

(GD&TĐ)- Hầu như cũng thuộc câu “Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ - Đèo Lũng Lô anh hò chị hát” trong bài thơ Chiến thắng Điện Biên Phủ của nhà thơ Tố Hữu, có mặt trong sách giáo khoa. 

Từ thủ đô Hà Nội, nếu đi theo quốc lộ 6, bạn sẽ băng qua cao nguyên Mộc Châu nhiều phong cảnh đẹp rồi tới Yên Châu, Thuận Châu (thuộc tỉnh Sơn La) rồi từ Thuận Châu tiếp tục đi Tuần Giáo là gặp đèo Pha Đin nằm ở vị trí giao điểm giữa Sơn La và Lai Châu (cũ), nay là tỉnh Điện Biên. Đèo Pha Đin theo tiếng Thái là Phạ Đin – nghĩa là Trời Đất. 

09.jpg
Đổ đèo Pha Đin,  các bác tài qua đây luôn cẩn trọng.

Đèo Pha Đin có độ dài 32km nằm trên quốc lộ 6, một phần thuộc xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu tỉnh Sơn La và một phần thuộc xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Du khách thường xếp đèo Pha Đin vào một trong "tứ đại đỉnh đèo" vùng Tây Bắc, bên cạnh Đèo Ô Quy Hồ (Lai Châu - Lào Cai), đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang), và đèo Khau Phạ (Yên Bái). 

Từ km số 360 đến km số 392 trên quốc lộ 6, là nơi tiếp giáp theo hướng Đông -Tây giữa tỉnh Sơn La và tỉnh Điện Biên, nằm trong hệ thống cao nguyên Tả Phìn Tây. Trải nghiệm một ngày trên đèo, chúng tôi nghỉ chân tại hai điểm chân đèo và một điểm đỉnh đèo. Đỉnh đèo có độ cao 1.648 mét so với mực nước biển. Không nhìn thầy bản làng nào, chỉ còn nền trời xanh thẳm và núi rừng hùng vĩ như hòa quyện làm một. Tại đây có một tháp truyền hình tiếp sóng truyền hình Việt Nam.

Trò chuyện với mấy anh em công nhân kỹ thuật trực trạm, các anh cho hay tháp có tổng khối lượng khoảng 70 tấn, chịu sức gió 200km/h. Trực trạm ở đây là sống hòa mình cùng trời đất, bởi quanh năm vắng vẻ, chẳng khác gì các anh ở trạm vật lý địa cầu năm xưa bên đỉnh đèo Hoàng Liên vậy. Từ đỉnh đèo nhìn xuống, Pha Đin hiện ra một địa thế rất hiểm trở, chênh vênh, con đường mỏng manh vắt vẻo giữa một bên là vách núi và một bên là vực sâu hun hút. 

Độ dốc của đèo khoảng 10%, có chỗ 12% đến 15% thậm chí có những đoạn cua ngược dốc cục bộ 19%. Lúc lên dốc và xuống dốc, con đường đèo ngoằn ngoèo với 8 cung đường cua hết sức nguy hiểm, bán kính đường cong dưới 15m và bên cạnh đó là vô số các khúc cua tay áo, cua chữ A, chữ Z trong đó có nhiều đoạn chỉ đủ cho một ô tô đi qua.

Con đèo Pha Đin mang trong mình truyền thuyết về cuộc thi ngựa thượng võ của người dân Tây Bắc nay đã được hạ bớt độ cao, chạy hiền hòa ven sườn núi, trong khi đường đèo cũ vẫn được giữ nguyên phía trên cao cho những người ưa du lịch mạo hiểm chinh phục. 

Quốc lộ 6 qua đỉnh Pha Đin là thoải xuống, tuy vẫn bên vách bên vực, nhưng mặt đường rất đẹp, và càng đi xuống phía thị trấn Tuần Giáo, những cánh đồng và những làng bản lúp xúp càng hiện ra nhiều hơn, một bức tranh yên bình và thơ mộng hiện ra trước mắt. Cái tên Pha Đin xuất phát từ đặc điểm của đỉnh núi chan hòa giữa không trung bao la đất trời, như là nơi giao hòa của Trời - Đất. 

Gắn với đỉnh núi có một truyền thuyết: xưa kia, khi người dân cư trú hai bên vùng núi tranh chấp bất phân thắng bại, mới nghĩ ra một kế để phân chia đất là đua ngựa. Ngựa của Lai Châu và Sơn La cùng xuất phát từ hai đằng phía xa. Ngựa chạy đến đâu, phần đất thuộc về địa phận bộ lạc đó cho đến khi gặp nhau. Kết quả là ngựa Lai Châu chạy nhanh hơn một chút nên phần đất thuộc về Lai Châu rộng hơn một chút. Điểm gặp nhau của đôi ngựa chính là đỉnh đèo Pha Đin.

Trên đường đèo, có thể bắt gặp những hình ảnh hết sức thú vị và ấn tượng. Quốc lộ 6 nối thủ đô với vùng cao xa xôi nhưng thật gần gũi, thân thương. Du hành trên cung đường này, sẽ thấy nhớ mãi vẻ đẹp của nơi trời – đất giao hòa: Pha Đin.  

Ngã ba đường đèo cũ và đường đèo mới trên đỉnh Pha Đin
  Ngã ba đường đèo cũ và đường đèo mới trên đỉnh Pha Đin  
Đoạn gần tới chân đèo Pha Đin. Phụ nữ Thái ở đây gặp khó khi chấp hành đội mũ bảo hiểm, bởi phong tục búi tóc “tằng cẩu”.
   Đoạn gần tới chân đèo Pha Đin. Phụ nữ Thái ở đây gặp khó khi chấp hành đội mũ bảo hiểm, bởi phong tục búi tóc “tằng cẩu”.     
QL 6 qua thành phố Sơn La, có thể bắt gặp những thiếu nữ Thái duyên dáng mang sản vật ra chợ
  QL 6 qua thành phố Sơn La, có thể bắt gặp những thiếu nữ Thái duyên dáng mang sản vật ra chợ    
Một nhóm học sinh vùng cao Sơn La đi học về.
Một nhóm học sinh vùng cao Sơn La đi học về.    
Có người ví Sơn La là vựa ngô của cả nước, đồng bào Hmông được mùa ngô, cân sản phẩm ngay bên đường.
Có người ví Sơn La là vựa ngô của cả nước, đồng bào Hmông được mùa ngô, cân sản phẩm ngay bên đường.
Cô gái Hmông với đặc sản quả sơn tra rừng
  Cô gái Hmông với đặc sản quả sơn tra rừng

 Mã Anh Lâm

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ