Đến với bài thơ hay: Người bản lạ

GD&TĐ - Từ trước tới nay đã có không ít bi kịch xảy ra do cách ứng xử thiếu tế nhị, kém văn hóa khi từ chối tình cảm của người khác dành cho mình, nhất là trong chuyện tình yêu nam nữ.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Đã bảo em vụng nhất mường

quay xa dệt áo

chồng không buồn mặc

xin anh đừng liếc ngang liếc dọc

khổ đêm nằm ấm ức chồng em

Anh là người bản lạ

đủ sức bắt con gấu mang về làm quen

cả cánh rừng mường trên anh cho lên vai gánh

nghe tiếng dao vung biết sức anh rồi

Người bản lạ kia ơi

em đã như trâu được cột nhà người!

Hoàng Chiến Thắng

Lời bình của Đặng Toán

Bài thơ “Người bản lạ” của nhà thơ dân tộc Hoàng Chiến Thắng đã góp một tiếng nói nhỏ trong vấn đề không hề nhỏ này.

Tác phẩm đề cập đến việc cô gái, nhân vật xưng “em”, từ chối tình cảm của một người con trai mà cô gọi là “người bản lạ”. Nhưng việc giải quyết câu chuyện của cô, nó nhẹ nhàng, chân thành nhưng cũng hết sức khéo léo, dứt khoát đã gây được khá nhiều ấn tượng nơi độc giả.

Người ta thường bảo con gái hay nói ngược. Nghĩ thế này, muốn thế này nhưng nói ra lại là thế kia, kiểu: “Em bảo anh đi đi/Sao anh không đứng lại/Em bảo anh đừng đợi/Sao anh vội về ngay?” (Thơ Kaputikian).

Bởi vậy khi cô gái trong bài thơ khẳng định: “Em vụng nhất mường/quay xa dệt áo/chồng không buồn mặc…” thì chàng trai “người bản lạ” (và cả chúng ta nữa) có lẽ cũng nên hiểu theo điều ngược lại. Thật đúng là một cô gái khiêm nhường và cũng khá thông minh, dí dỏm.

Chẳng biết cô có xinh đẹp lắm không nhưng hẳn phải có những nét duyên thầm. Bằng chứng là chàng trai “người bản lạ” kia, lần nào gặp cô mà chẳng phải “liếc ngang liếc dọc”?

Duyên dáng, khéo léo lại thêm cách ứng xử vô cùng tinh tế nữa. Hãy nghe cô tả (và cũng là khen) “người bản lạ” như thế này:

…đủ sức bắt con gấu mang về làm quen

cả cánh rừng mường trên anh cho lên vai gánh

nghe tiếng dao vung biết sức anh rồi.

Qua cách so sánh giàu hình tượng cùng lối ví von mang đậm bản sắc người miền núi, tác giả đã hé lộ cho người đọc thấy, nhân vật thơ không chỉ rất hiểu, mà còn có nhiều thiện cảm với “người bản lạ”.

Bởi vậy, những lời “có cánh” của cô vừa thể hiện sự chân thành vừa tạo được thiện cảm nơi chàng trai. Được khen ngợi, được đánh giá tài giỏi như vậy, thử hỏi có người con trai nào lại không sung sướng, hãnh diện, nhất là lời ngợi khen đó lại được thốt ra từ người con gái mà mình đang muốn chinh phục?

Và sau khi để cho chàng trai cảm nhận hết sự chân thành, lòng ngưỡng mộ của mình trước chàng. Sau khi để cho niềm sung sướng, hãnh diện của chàng dần lắng xuống, cô gái mới nhẹ nhàng, nhỏ nhẹ thốt ra một lời cảm thán:

Người bản lạ kia ơi

em đã như trâu được cột nhà người!

Hai câu thơ ngắn đứng riêng một khổ và cũng vẫn cách so sánh giàu hình tượng ấy cùng dấu cảm thán (!), tác giả đã cho người đọc thấy được tình cảm cô dành cho chàng trai là rất thật.

Tình cảm nhưng mà dứt khoát khẳng định thêm một lần nữa: Em là gái đã có chồng thật đấy, “đã như trâu được cột nhà người” rồi. Xin anh đừng để ý, đừng dành tình cảm cho em nữa kẻo “ấm ức chồng em”.

Một lời khước từ thật lòng, mộc mạc và hết sức chân tình như thế, thử hỏi có người bị từ chối nào nỡ trách giận? Hãy trân trọng những tình cảm tốt đẹp của nhau trong quá khứ và biết chấp nhận thực tại để không làm tổn thương đến những người thân yêu, gần gũi bên mình.

Với ngôn ngữ, cách ví von mang đậm bản sắc miền núi, tác giả đã hóa thân vào nhân vật người con gái vùng cao với nét đẹp chân chất, dịu hiền có lối ứng xử trong tình yêu vừa dứt khoát vừa tinh tế. Điều tưởng như đơn giản, song không phải ai cũng có thể thực hiện được.

Vậy là bằng tình cảm chân thành, không ngộ nhận, biết người biết ta, cô gái trong bài thơ “Người bản lạ” đã thực sự chinh phục độc giả và ít nhiều để lại bài học về cách ứng xử trong tình yêu, trong cuộc sống cho mỗi chúng ta.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.