Đến với bài thơ hay: Về với biển

GD&TĐ - “Người thơ phong vận như thơ ấy” - (Hàn Mặc Tử). Chiêm nghiệm đó thật chuẩn khi đọc thơ Lê Kiều Hưng, người con quê biển sâu nặng ân tình.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Con về với biển bình yên

Tìm em còng gió lạc miền tuổi thơ.

Ngậm ngùi nhặt mảnh bơ vơ

Chửa khôn, nên vẫn dại khờ trắng tay.

Bóng cha khô mực héo gầy

Tháng năm bão táp, lắt lay mạn thuyền

Con theo quang gánh chợ phiên

Lớn lên từ những ưu phiền mẹ cha.

Chiều nghiêng khói bếp sau nhà

Mây đun sợi nắng vòng qua nỗi buồn.

Giếng khơi trong vắt tâm hồn

Soi mình mà nhớ cội nguồn bể dâu.

Những con sóng bạc đáy sâu

Khi nao lòng biển mới khâu lành bờ?

Thuyền ra khơi tự bao giờ

Con vẫn ngóng. Mẹ vẫn chờ. Biệt tăm…

Khói hương vọng cõi xa xăm

Triền đê nức nở lạnh căm gió nồm.

Con về nâng bát dẻo cơm

Cá tôm nghẹn lưới, chiều rơm rớm chiều!

Lê Kiều Hưng

Lời bình của Nguyễn Văn Luyện 

Bài thơ “Về với biển” được tác giả viết sau một lần về quê nhân dịp Lễ hội cầu ngư cách đây vài năm. Giai điệu lục bát ngân vang, da diết nỗi lòng của người con quê biển.

Cảm xúc dâng trào tự nhiên, theo đó kí ức một thời ùa về với biết bao kỉ niệm: Con về với biển bình yên/Tìm em còng gió lạc miền tuổi thơ. Hồi ấy bóng cha “héo gầy”, “lắt lay” bên mạn thuyền quanh năm sóng dữ.

Mẹ nhọc nhằn quang gánh trên vai trong những buổi chợ phiên. Con trẻ lớn lên từ những “ưu phiền” vất vả của mẹ cha. Những câu thơ giản dị rưng rưng nỗi niềm: Thương cảm, nhói đau, day dứt và cả lòng thành kính biết ơn.

Giếng khơi trong vắt tâm hồn.

Soi mình mà nhớ cội nguồn bể dâu. văn 

Giếng quê trong vắt, về quê soi mình để sống đẹp hơn, đủ no đừng quên khi đói nghèo “dâu bể”, người ta lớn lên bởi giữ được cội nguồn, sống có trước có sau.

Sẽ chưa đủ khi “Về với biển” mà chưa nói về cuộc sống người dân quê biển. Xúc động nhất là mấy câu thơ Lê Kiều Hưng viết về những mất mát đau thương mà biển gây ra cho người dân quê anh: Những con sóng bạc đáy sâu/ Bao giờ lòng biển mới khâu lành bờ?Thuyền ra khơi tự bao giờ/ Con vẫn ngóng. Mẹ vẫn chờ. Biệt tăm…

Biển mẹ yêu thương cho người dân quê anh sự sống áo cơm, nhưng biển cũng lấy đi thật nhiều nước mắt. Cuồng phong, bão tố, thương đau, mất mát, sao mà tránh được. Thương biết bao những con thuyền ra khơi không về cập bến. Con trẻ ngóng cha trong nỗi bơ vơ, mẹ già khóc con kiệt cùng nước mắt.

Ngóng trông, hi vọng, rồi tuyệt vọng, xót xa. Chắc hẳn, đây là những câu thơ hay, xúc động nhất rung lên trong ta niềm thương cảm cho những cuộc đời, những phận người miền quê biển nghèo khó. Nhịp điệp bất thường (3/3/2): Con vẫn ngóng.

Mẹ vẫn chờ. Biệt tăm… như một tiếng nấc nghẹn, đau nhói tâm can. Thấu hiểu, cảm thương cuộc sống người dân biển nâng cánh giúp Lê Kiều Hưng viết nên những vần thơ ám ảnh, rưng rưng cõi lòng. Khói hương vọng cõi xa xăm/ Triền đê nức nở lạnh căm gió nồm.

Thơ là tiếng vọng của tâm hồn, vần thơ ngân vang tựa như giai điệu trái tim lan tỏa đến trái tim từ đó đồng cảm sẻ chia. “Về với biển” của Lê Kiều Hưng giản dị, chan chứa nỗi niềm cảm xúc.

Đọc thơ anh, người ta gắn bó nặng sâu hơn với đất mẹ quê cha, yêu hơn người dân quê biển mặn mòi chông chênh vất vả, để biết yêu thương và lan tỏa yêu thương và sống đẹp hơn trong cõi nhân gian.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hết lời khen ngợi Indonesia sau khi gây địa chấn hạ Hàn Quốc để vào bán kết U23 châu Á 2024.