Đến với bài thơ hay: Ngân rung tình yêu đất nước

GD&TĐ - Nhà giáo Vũ Thị Minh Thu (1964) là tác giả của hàng trăm bài thơ in trong 4 tập do NXB Hội Nhà văn ấn hành những năm qua.

Ảnh minh họa: INT
Ảnh minh họa: INT

Vũ Thị Minh Thu

Hát trên cao nguyên đá

Vách núi dựng khói mây luồn gió

Khăn em bay theo nước xanh màu

Dòng sông trôi đưa ta về bến đợi

Anh gọi em trong tiếng nước reo

Cột cờ cao ngước mắt nhìn theo

Hình đất nước tạc vào đá núi

Bài Quốc ca vang lên giữa trời xanh vời vợi

Bao máu đào nhuộm đỏ sắc cờ tươi

Tiếng hát vang vọng khắp muôn nơi

Những lời ca đi cùng năm tháng

Có lời ca mang hình mũi tên

Có lời ca tạc thành dáng đứng

Có lời ca hóa thành tình yêu

Có lời ca đưa anh về đất mẹ...

Em đã hát ngàn lần như thế

Đứng nơi này bài hát bỗng linh thiêng!

Bước chân lên bậc đá rêu xanh

Nghe tiếng vọng từ nghìn năm trước

Tiếng núi, tiếng sông quyện hồn non nước

Dải đất biên thùy tam giác mạch hoá thành chông.

Trong đó, tôi thích nhất bài ”Hát trên cao nguyên đá” rút từ tập Bức tranh vẽ dở ấn hành năm 2021. Thi phẩm là tiếng lòng tràn đầy tình yêu cảnh vật đất nước, niềm tự hào dân tộc khi lần đầu tác giả được đến và hát Quốc ca dưới cột cờ Lũng Cú, nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc.

Mở đầu là những câu thơ đưa người đọc đến với cảnh mây núi, sông nước vùng đất biên giới Hà Giang. Nơi đây nhiều núi đá, đặc biệt có cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu:

“Vách núi dựng khói mây luồn gió

Khăn em bay theo nước xanh màu

Dòng sông trôi đưa ta về bến đợi

Anh gọi em trong tiếng nước reo”.

Đến với nơi đây, hầu hết du khách tới cột cờ Lũng Cú. Minh Thu cũng lần đầu tiên đến dải đất biên cương và mốc giới quan trọng này nên chị có ấn tượng rất sâu sắc:

“Cột cờ cao ngước mắt nhìn theo

Hình đất nước tạc vào đá núi

Bài Quốc ca vang lên giữa trời xanh vời vợi

Bao máu đào nhuộm đỏ sắc cờ tươi”.

Những câu thơ ấy đã tái hiện sống động hình ảnh cột cờ Lũng Cú. Cột cờ nằm trên đỉnh núi Rồng cao 1.470 mét (thuộc xã Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang). Đây là điểm cao nhất của cực Bắc nằm trên dải biên giới Việt Trung, quả là “Hình đất nước tạc vào đá núi”.

Từ trên đỉnh núi ngắm xung quanh, cả một vùng giang sơn như gấm thêu hoa dệt thu trong tầm mắt. Ngước lên, phấp phới lá cờ đỏ sao vàng rộng 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em, đang tung bay trong gió, biểu tượng thiêng liêng của chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Ngọn cờ được nhuộm bởi biết bao máu đào của các thế hệ người Việt, màu sắc đỏ tươi.

Tôi rất ấn tượng với câu thơ “Bài Quốc ca vang lên giữa trời xanh vời vợi” bởi sự chân thực trong cảm xúc của chủ thể trữ tình. Câu thơ phản ánh một thực tế: Khách du lịch đến cột cờ Lũng Cú nghiêm trang chào lá cờ Tổ quốc và cùng hát vang bài “Tiến quân ca” - Quốc ca của Việt Nam do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác. Nhạc phẩm này và bài thơ của tác giả có sự gặp gỡ, đồng điệu cùng khơi dậy trong lòng mỗi người tình cảm yêu mến đất nước quê hương và niềm tự hào dân tộc sâu sắc.

Hai khổ thơ tiếp, mạch cảm xúc trào dâng trong lòng tác giả khi cùng mọi người trong đoàn du lịch, cả người già lẫn cháu nhỏ, nhà giáo và cựu chiến binh, doanh nhân và nông dân đều sát cánh bên nhau mắt ngước nhìn lá cờ đỏ sao vàng lồng lộng tung bay trong gió, miệng cùng hát hào sảng bài Quốc ca trên vùng đất cực Bắc của Tổ quốc. Giai điệu bài hát cùng ca từ của nhạc phẩm đã kết nối những trái tim cùng chung nhịp đập:

“Tiếng hát vang vọng khắp muôn nơi

Những lời ca đi cùng năm tháng”.

Tác giả Minh Thu cho biết, là nhà giáo 35 năm gắn bó với trường THCS và nhiều thế hệ học sinh, đã hàng ngàn lần hát Quốc ca nhưng chưa bao giờ chị xúc động đến thế. Chỉ hôm nay, duy nhất có lần này, tâm hồn nhà giáo - nhà thơ Vũ Minh Thu hát mới thăng hoa đến thế. Cũng chỉ hôm nay, chỉ có lần này, chị mới thấy bài hát thiêng liêng và linh diệu đến thế:

“Có lời ca mang hình mũi tên

Có lời ca tạc thành dáng đứng

Có lời ca hóa thành tình yêu

Có lời ca đưa anh về đất mẹ...”

Điệp ngữ “Có lời ca...” và hàng loạt hình ảnh: mũi tên, dáng đứng, tình yêu… cùng với lối điệp cú pháp khiến lời thơ gợi liên tưởng về truyền thống anh dũng, bất khuất và nhân ái của ông cha ta. Truyền thống Việt Nam, văn hóa Việt Nam cùng con người hôm nay, tất cả vang lên tha thiết giữa không gian núi rừng biên cương Lũng Cú: “Đứng nơi này bài hát bỗng linh thiêng!”. Tất cả cảnh vật và con người, giai điệu và lời ca có sự cộng hưởng khiến người đọc rưng rưng xúc động.

Mạch cảm xúc và giọng điệu thơ có sự chuyển đổi ở khổ cuối. Phần thơ thiên về hướng nội:

“Bước chân lên bậc đá rêu xanh

Nghe tiếng vọng từ nghìn năm trước

Tiếng núi, tiếng sông quyện hồn non nước

Dải đất biên thùy tam giác mạch hóa thành chông”.

Tác giả như lắng hồn khi bước lên chầm chậm từng bậc, từng bậc đá và cảm nhận được tiếng vọng của ông cha từ nghìn năm trước dội về: “Tiếng núi, tiếng sông quyện hồn non nước”. Đến đây, tôi chợt nhớ tới đoạn thơ trong bài “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi:

“Nước chúng ta, nước những người chưa bao giờ khuất

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất

Những buổi ngày xưa vọng nói về”.

Hồn thiêng của ông cha từ thuở xa xưa “mang gươm đi mở cõi” giờ đã hóa thân vào sông núi, nước non để con cháu có được giang sơn như ngày nay.

Câu thơ cuối bài nói tới hoa tam giác mạch, một loài hoa với vẻ đẹp tím đậm khi mới nở và phớt hồng nhạt dần theo thời gian. Loài hoa ấy mang vẻ đẹp bình dị mà lãng mạn khiến bao tâm hồn xao xuyến. Nhưng nhà thơ không đắm hồn vào cảnh ấy, cảm thức về dân tộc và ý thức trách nhiệm với đất nước khi nhớ về cuộc chiến tranh biên giới ác liệt và những cuộc xâm lăng của ngoại bang hàng nghìn năm lịch sử trước đây khiến chị có cái nhìn rất mới lạ và độc đáo: “Dải đất biên thùy tam giác mạch hóa thành chông”.

Những vùng đất bạt ngàn màu tím đẹp thơ mộng bỗng bất ngờ được nhìn nhận như hằng hà sa số lớp lớp mũi chông chĩa thẳng, sẵn sàng bắt lũ ngoại bang đền tội nếu xâm chiếm dải đất này.

Bài thơ có thi tứ mới lạ, ngôn ngữ giàu hình ảnh và sức khái quát. Đây là dấu ấn kỷ niệm sâu sắc của nhà thơ khi đến thăm cột cờ Lũng Cú - Hà Giang. Tiếng lòng ngân rung của tình yêu quê hương đất nước và niềm tự hào dân tộc thiêng liêng trong thi phẩm đã lan tỏa và cộng hưởng trong cảm xúc của đông đảo bạn đọc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ