Đến với bài thơ hay: Giục bước chân trở về...

GD&TĐ - Chu Thùy Liên là người con của dân tộc Hà Nhì - một dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng núi tỉnh Điện Biên.

Ảnh minh họa: INT
Ảnh minh họa: INT

Chu Thùy Liên

Mùa hoa mận

Cành mận bung cánh muốt

Lũ con trai háo hức chơi cù

Lũ con gái rộn ràng khăn áo

Bóng bay nâng ước mơ con trẻ

Cành mận bung cánh muốt

Giục mẹ xôn xang lá, gạo

Giục cha vui lòng căng cánh nỏ

Giục người già bản hối hả làm đu

Cành mận bung cánh muốt

Nhà trình tường ủ hương nếp

Giục lửa hồng nở hoa trong bếp

Cho người đi xa nhớ lối trở về…

Thơ của bà lấy cảm hứng chủ đạo từ cuộc sống miền núi với những hình ảnh, chất liệu đậm vẻ đẹp văn hóa của người vùng cao.

Cách thể hiện tình cảm cũng như tâm trạng của nhà thơ qua những đứa con tinh thần vừa tinh tế vừa ấn tượng với người đọc, đặc biệt qua bài thơ “Mùa hoa mận”. Bài thơ là một điểm nhấn trong tập “Thuyền đuôi én” (NXB Văn hóa dân tộc, 2009), bộc lộ nỗi nhớ quê hương da diết của tác giả cũng như ca ngợi thiên nhiên, con người của quê hương xứ sở. Xuyên suốt bài thơ, ta thấy mùa hoa mận hiện lên gắn với những niềm vui con trẻ, với những công việc của cha mẹ, người già và với cả những cảm xúc của người xa quê.

Hiển hiện ngay tức thì trong tâm trí Chu Thuỳ Liên khi nhớ về mùa hoa mận đó là những niềm vui trong sáng, mơ mộng của lũ trẻ con nơi làng bản:

“Cành mận bung cánh muốt

Lũ con trai háo hức chơi cù

Lũ con gái rộn ràng khăn áo

Bóng bay nâng ước mơ con trẻ”

Mùa hoa mận đến mang bao hạnh phúc, bao điều mới mẻ về với quê hương của nhà thơ. Vì thế, niềm vui của trẻ thơ gắn liền với trò chơi dân gian “chơi cù” của “lũ con trai” và hạnh phúc khi diện “khăn áo” của “lũ con gái”. Hai từ láy “háo hức”, “rộn ràng” là đủ để diễn tả những tiếng cười đùa, những câu chuyện đầu Xuân mà đám con trai, con gái tíu tít dưới những cành hoa mận “bung cánh muốt”. Nhớ khung cảnh ấy, Chu Thùy Liên như nhớ lại tháng ngày còn thơ của mình, cũng “rộn ràng” sắm sửa quần áo mới, cùng bạn bè trên xóm tụ tập dạo chơi. Hình ảnh “bóng bay” vốn là thứ đồ chơi của những đứa trẻ giờ đây được tác giả nhân hóa để “nâng”, mang bao “giấc mơ con trẻ” bay xa.

Nhớ về quê hương, nhà thơ nhớ tới gia đình, con người nơi đây với những công việc hối hả, tấp nập:

“Cành mận bung cánh muốt

Giục mẹ xôn xang lá, gạo

Giục cha vui lòng căng cánh nỏ

Giục người già bản hối hả làm đu”

Vẫn là dưới cành mận đang “bung cánh muốt”, mùa hoa mận tới thúc giục người lớn trong làng mua bán, sắm sửa, trang hoàng, chuẩn bị cho một mùa lễ hội. Mẹ bận rộn rửa lá, ngâm gạo làm bánh, thổi xôi để thắp hương ban thờ cảm ơn tổ tiên, sắp bữa cơm sum vầy, đoàn tụ của gia đình. Cha đi căng cánh nỏ săn bắn mang những sản vật mà thiên nhiên Tây Bắc ban tặng cho nơi đây. Cha đi mang về ấm no hạnh phúc cho gia đình, cho niềm vui sum vầy.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Những hoạt động ấy được tác giả kết hợp cùng với các từ láy “xôn xang”, “hối hả” và nghệ thuật điệp cấu trúc “Giục...” vẽ lại trước mắt người đọc không khí lao động tươi vui, náo nức của một bản làng vùng cao. Từng tiếng “Giục” càng làm tăng độ bận trong ngày lễ cũng như “giục” nhà thơ trở về:

“Cành mận bung cánh muốt

Nhà trình tường ủ hương nếp

Giục lửa hồng nở hoa trong bếp”

Ước muốn trở về luôn chực chờ giờ lại được thôi thúc nhiều hơn trước những sự vật quá đỗi quen thuộc với tác giả. Bên dưới các cành mận nở trắng muốt màu hoa là căn nhà truyền thống của người dân tộc Hà Nhì - nhà trình tường. Từ căn nhà ấy tỏa lên mùi hương thơm ngát của hương nếp được ủ, đó là cái phong vị đặc trưng nơi bản làng ấy. Cùng với biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác “Nhà trình tường ủ hương nếp” đã khẳng định hình ảnh ngôi nhà ấy đã khắc sâu trong tâm trí Chu Thùy Liên.

Không chỉ thế, gắn với kí ức của nhà thơ còn là những ánh lửa bập bùng được thắp lên lung linh trong căn bếp gia đình ấm cúng, giản dị. Ngọn “lửa hồng” bỗng chợt “nở hoa” cũng như nỗi nhớ nhà sâu thẳm thường trực bấy lâu đột nhiên vỡ òa, đầy xúc động trong lòng tác giả. Cuối cùng, kết lại bài thơ, Chu Thùy Liên đã nhắc nhở bản thân:

“Cho người đi xa nhớ lối trở về…”

“Nhớ lối trở về” là điều mà Chu Thùy Liên tự nhận thức được qua nỗi nhớ. Tưởng chừng như bài thơ chỉ viết riêng cho tác giả nhưng câu thơ cuối lại là lời nhắn nhủ cho bao con người đi xa quê rằng: Hãy trở về, trở về nơi thân thương có gia đình, nơi có những người yêu thương ta vô bờ bến đợi chờ, sẵn lòng đón ta về. Dẫu cuộc sống có ra sao, cuộc đời xô đẩy như thế nào thì điều đó không bao giờ thay đổi. Dấu ba chấm cuối câu như khẳng định rằng nỗi nhớ, tình yêu ấy luôn hằn sâu, rực cháy trong tim mỗi người.

Cả bài thơ như dòng cảm xúc liền mạch được tác giả bộc lộ. Những cảm xúc ấy đều gắn với hình ảnh “Cành mận bung cánh muốt”. Xuất hiện ở đầu mỗi khổ thơ, câu thơ tạo nên hình thức điệp cấu trúc cho bài. Dường như, với nhà thơ “Cành mận” ấy gắn với mùa Xuân của quê hương. Từng bông hoa “bung cánh muốt” như khẳng định khát vọng sống, khát vọng cống hiến của Chu Thùy Liên nói riêng và của những con người vùng cao nói chung. Họ đều muốn sống, phấn đấu vì gia đình, quê hương thân thuộc.

“Mùa hoa mận” với ngôn ngữ thơ giản dị, sử dụng nhiều biện pháp tu từ đã giúp người đọc được một lần thưởng ngoạn khung cảnh tuyệt đẹp nơi núi rừng Tây Bắc và cảm nhận đầy đủ nỗi nhớ bản làng của nhà thơ Chu Thùy Liên. Đọc bài thơ, mỗi người cũng có thể thấy được bản thân trong đó, nhận ra tình yêu, trách nhiệm của bản thân đối với quê hương, đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.