Đến với bài thơ hay: Ai xây cột mốc tiền tiêu?

GD&TĐ - Nước Việt Nam với hơn ba nghìn cây số biển cùng nhiều quần đảo và hàng nghìn hòn đảo xinh đẹp là nguồn cảm hứng đậm nét trong dòng chảy thơ ca

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Lê Cảnh Nhạc

Đảo Sơn Ca

(Trích Nhật ký Trường Sa)

Quả bàng vuông xanh non màu lá

Mơn mởn thơm mùi nắng Sơn Ca

Hoa giấy đỏ dưới trời nắng cháy

Chim líu lo rót mật trước hiên nhà

Mái chùa cong veo chiều cổ tích

Tiếng cầu kinh bịn rịn níu hồn tôi

Khát từng giọt mưa mùa khô trên đảo

Cây vẫn mướt xanh vẫy gọi chim trời

Anh lính trẻ đứng canh chim làm tổ

Tiếng chim rơi nòng súng ngỡ sáo diều

Đảo Sơn Ca vẫn bốn mùa lảnh lót

Chim và người xây cột mốc tiền tiêu

Trường Sa, 7/4/2016

Trong số đó, bài “Đảo Sơn Ca” của Lê Cảnh Nhạc là một trong những áng thơ đặc sắc để lại ấn tượng khó quên cho bạn đọc.

Thi phẩm là những rung động từ trái tim của tác giả trước vẻ đẹp của thiên nhiên, cảnh vật và con người nơi đảo Sơn Ca khi ông đi công tác tại Trường Sa.

Với thể thơ hiện đại bảy chữ xen tám chữ, nhà thơ đã phác họa nên bức tranh sinh động về Sơn Ca - một đảo cát nhỏ mang tên loài chim hay hót và hót hay, là điểm chốt trọng yếu của lực lượng canh giữ biển.

Hai khổ đầu của bài thơ tả thiên nhiên và cuộc sống trên đảo. Những câu mở đầu đưa bạn đọc đến với quả bàng vuông, một loại cây rất độc đáo của quần đảo Trường Sa:

Quả bàng vuông xanh non màu lá

Mơn mởn thơm mùi nắng Sơn Ca

Hoa giấy đỏ dưới trời nắng cháy

Chim líu lo rót mật trước hiên nhà”

Bàng vuông là loại cây gỗ lá đơn, cao chừng 7 - 20 m, có khả năng chịu đựng nắng gió, rất xanh tốt ở nơi đây. Hình ảnh quả bàng vuông xanh non “mơn mởn” cùng màu với cây lá đang lên xanh rờ rỡ trên đảo khiến người đọc thực sự thú vị.

Cách dùng đảo ngữ và từ láy đắt giá “mơn mởn” kết hợp với nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác “thơm mùi nắng Sơn Ca” giúp người đọc hình dung rõ thời tiết khắc nghiệt trên đảo và vẻ đẹp hấp dẫn, sức sống mãnh liệt của cây bàng vuông.

Không những thế, nơi đây còn có hoa giấy đỏ, một loài hoa dễ thích nghi với điều kiện sống khó khăn, nở nhiều và bền, sắc đỏ nổi bật rực rỡ giữa cảnh vật bạt ngàn xanh của sóng biển và không gian “nắng cháy”.

Điều đáng nói là bức tranh thiên nhiên không buồn mà giàu sức sống bởi có âm thanh “Chim líu lo rót mật trước hiên nhà”. Thêm một lần nữa nhà thơ dùng từ láy “líu lo”, chỉ những âm thanh cao, trong ríu vào nhau, nghe thật vui tai. Nhà thơ tiếp tục dùng ẩn dụ chuyển đổi cảm giác “Chim líu lo rót mật”, nhấn mạnh tình yêu cuộc sống của con người trên đảo. Có như vậy mới cảm nhận được những âm thanh ngọt ngào, hấp dẫn vô cùng.

Cảm xúc thơ không chỉ được gửi vào quả, và hoa lá mà còn được cảm nhận qua những hình ảnh có chiều sâu tư tưởng và tâm linh:

“Mái chùa cong veo chiều cổ tích

Tiếng cầu kinh bịn rịn níu hồn tôi

Khát từng giọt mưa mùa khô trên đảo

Cây vẫn mướt xanh vẫy gọi chim trời”

Giữa đảo vắng thưa người, sự xuất hiện của ngôi chùa, biểu trưng cho sự che chở của hồn thiêng dân tộc và tiếng cầu kinh gợi cảm giác yên bình, tự tại. Sống ở nơi đầu sóng này lệ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Chính vì thế mùa khô nơi đây có khi “hai trăm ngày chưa có giọt mưa rơi”, những người lính và tất cả sinh vật nơi đây đều khát khao mong ước từng giọt mưa rơi xuống.

Về chủ đề này, nhà thơ Trần đăng Khoa đã viết: “Ôi ước gì được thấy mưa rơi…” (Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn). Tuy vậy, cho dù thiếu nước, dù nắng cháy đến đâu, với bàn tay chăm sóc của con người, “Sức sống diệu kì cứ sinh tồn trên đảo”, cây cối trên đảo vẫn mướt xanh vẫy gọi chim trời.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Khép lại toàn bài là khổ thơ thứ ba:

“Anh lính trẻ đứng canh chim làm tổ

Tiếng chim rơi nòng súng ngỡ sáo diều

Đảo Sơn Ca vẫn bốn mùa lảnh lót

Chim và người xây cột mốc tiền tiêu”

Khổ thơ khắc họa anh lính trẻ đang chắc tay súng bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Nghe tiếng chim “lảnh lót”, âm thanh trong và cao nghe vui tai, nhà thơ liên tưởng tới tiếng sáo diều nơi quê nhà.

Nhờ sự quan sát tinh tế và tâm hồn đầy lãng mạn, nhà thơ có cảm nhận chiến sĩ hải quân như đang đứng canh cho chim về làm tổ, cũng là canh giữ cho cuộc sống yên bình và sự sống sinh sôi, phát triển nơi đây. Và như vậy, cả chim và người cùng “xây cột mốc tiền tiêu” vùng cửa ngõ của ngôi nhà Tổ quốc thân yêu.

Không yêu biển đảo tha thiết, không biết ơn sâu sắc những con người chẳng tiếc tuổi xuân, không quản vất vả, gian lao bảo vệ đất nước, không thể có được những vần thơ ám ảnh, gây xúc động lòng người đến như vậy.

Với những giá trị đặc sắc về cả nội dung và nghệ thuật, bài thơ “Đảo Sơn Ca” của Lê Cảnh Nhạc đã được tuyển chọn để giảng dạy trong chương trình Ngữ văn lớp 8 (Bộ sách Chân trời sáng tạo).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.